100 cửa hàng ở trung tâm Sài Gòn cho dùng nhà vệ sinh miễn phí

Quận 1 đã vận động 100 nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn cho du khách và người dân dùng nhà vệ sinh miễn phí, đồng thời lên kế hoạch xây thêm 5 nhà vệ sinh mới.

Thông tin được UBND quận 1 đưa ra để giải quyết tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng tại buổi làm việc với Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên về công tác chỉnh trang đô thị, sáng 19/3.

Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh báo Nikkei Asia mới đây dẫn bảng xếp hạng của QS Supplies (một công ty bán thiết bị nhà vệ sinh), đánh giá chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại TP HCM xếp 67/69 thành phố du lịch trên thế giới. Theo khảo sát, số nhà vệ sinh trên mỗi km 2 tại TP HCM và Hà Nội là 0,01. Trong khi, tỷ lệ này ở Paris (Pháp) là 6,72 - cao nhất thế giới, đứng thứ 2 là Sydney (Australia) - 3,64.

UBND TP HCM sau đó đã chỉ đạo các địa phương lên kế hoạch xây dựng thêm nhà vệ sinh, trong đó, vị trí trung tâm như quận 1 được đặc biệt quan tâm.

Theo Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh, trong tháng 3, địa phương đã vận động 100 hàng, quán tại 10 phường treo biển hiệu hướng dẫn, hỗ trợ người dân dùng nhà vệ sinh miễn phí. Đây là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như: cà phê Highlands, Trung Nguyên, King, Katinat, Thức; nhà hàng Dìn Ký, bia tươi Hozzizon... Thời gian tới, quận tiếp tục vận động các hộ kinh doanh và thông tin mạng lưới nhà vệ sinh miễn phí để người dân, du khách dễ dàng tiếp cận.

Phó chủ tịch quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là quận không có quỹ đất để làm nhà vệ sinh công cộng. Do đó, hiện chỉ có 18 khu vệ sinh công cộng tại 13 địa điểm, gồm: 4 chợ, 7 công viên, một trạm xe bus, và một khu dân cư.

Theo ông Vinh, trước đây, một số doanh nghiệp đề xuất đầu tư xây nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hoá. Tuy nhiên, vị trí nhà đầu tư mong muốn không phải nơi quận cần lắp đặt nhà vệ sinh. Ngoài ra, tỷ lệ diện tích phục vụ vệ sinh công cộng so với kinh doanh thu hồi vốn khá thấp, khoảng 10-20%.

Bên cạnh đó, các đơn vị đầu tư băn khoăn khi bỏ chi phí đầu tư ban đầu nên muốn có nguồn thu từ khai thác quảng cáo và kinh doanh, buôn bán (mang đi) để bù đắp. Họ cũng đề nghị chính quyền cũng cần cam kết thời gian nhất định để doanh nghiệp đầu tư, chứ không thu hồi trong thời gian quá ngắn.

Về giải pháp, địa phương này đề xuất thành phố cho mượn 5 vị trí đất thuộc các dự án chưa thực hiện trong 3-5 năm tới (mỗi dự án 7 m2) để làm nhà vệ sinh công cộng; đồng thời cấp ngân sách để xây 5 nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm với tổng chi phí xây dựng 2,5 tỷ đồng và chi phí vận hành khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Toàn Thắng đề xuất quận 1 nên làm nhà vệ sinh di động vì không bị phụ thuộc vào quy hoạch, chỉ cần tìm cách vận hành phù hợp. Hình thức này có thể xã hội hoá hoàn toàn, chính quyền giám sát.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Đặng Phú Thành cho biết nếu xây công trình nhà vệ sinh cố định cần phù hợp quy hoạch. Hiện, dự thảo Nghị quyết 54 đang đề xuất cho phép TP HCM làm một số công trình ngắn hạn trên diện tích đất trống mà không phụ thuộc vào quy hoạch. Về các công trình di động thì quận có thể cấp phép tạm, không có quy định về thời hạn.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đánh giá nhà vệ sinh công cộng là công trình phụ, nhưng phục vụ nhu cầu sống cơ bản của con người. Ông ví von nếu coi TP HCM như một ngôi nhà cho 10 triệu dân, thì phải làm sao nhà vệ sinh để lại ấn tượng đẹp cho cả người dân và du khách.

Do đó, trước mắt để giải quyết vấn đề thiếu nhà vệ sinh công cộng, người đứng đầu Thành uỷ thành phố thống nhất cho xây dựng, quản lý nhà vệ sinh công cộng theo hình thức đầu tư công. Sau đó, thành phố từng bước xã hội hoá, kết hợp vận động các hộ kinh doanh hỗ trợ như sáng kiến của quận 1.

Theo ông Nên, về lâu dài thành phố cần bổ sung quy hoạch cho loại công trình phụ này nếu cần thiết. Các nhà vệ sinh cần có tiêu chí, đảm bảo chất lượng và chia thành các giai đoạn để đầu tư. Vị trí xây dựng các công trình này phải đặt theo nhu cầu của người dân, nơi du khách đông số lượng phải dày hơn.

"Dù chúng ta có nhiều chính sách về vấn đề này nhưng rõ ràng là chưa đặt lên ưu tiên. Từ nay đến 30/4 phải có chuyển biến cơ bản", ông nói và giao UBND TP HCM nghiên cứu xây dựng loại hình nhà vệ sinh cố định, tăng cường loại di động.

TP HCM từng đưa ra nhiều chính sách phát triển, nâng cấp chất lượng nhà vệ sinh công cộng. Năm 2014, thành phố có thêm 3 nhà vệ sinh công cộng với tiêu chuẩn 4-5 sao ở các công viên Tao Đàn, 23 Tháng 9 và Lê Văn Tám (quận 1) do một ngân hàng đầu tư. Năm 2016, thành phố triển khai đề án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng nhưng đến nay chưa thực hiện được. Toàn thành phố hiện có hơn 250 nhà vệ sinh công cộng.

Nguồn: VnExpress

Tin liên quan