'Báu vật nhân văn sống' bị lãng quên?

Được xem là những 'báu vật nhân văn sống' các nghệ nhân ở lĩnh vực di sản phi vật thể đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc lưu giữ cũng như trao truyền các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, cùng với việc tôn vinh thì các chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân đến nay vẫn còn bất cập.

Lớp nghệ nhân dân gian cao niên đang dần mai một.

Tôn vinh là chưa đủ

Sau 2 đợt vinh danh, đến nay cả nước có hơn 1.253 Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú, sắp tới cũng có 671 hồ sơ xét tặng ở lĩnh vực phi vật thể. Trong đó, Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng di sản phi vật thể ở đầy đủ các loại hình với 76 nghệ nhân đã được phong tặng các danh hiệu.

Tuy nhiên cũng giống như các địa phương khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nghệ An… ngoài việc tôn vinh các nghệ nhân thì các chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân của Hà Nội đến nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VHTT Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2015. Công tác kiểm kê di sản giúp xác định loại hình cần ưu tiên bảo vệ, nhất là với các di sản có nguy cơ mai một.

Cũng trên cơ sở đó, thành phố đã triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa tại nhiều địa phương, nhân rộng đối tượng thực hành di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo bà Lan Anh thì hiện nay các câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tuy có sự hỗ trợ một phần của địa phương, song chủ yếu vẫn do các thành viên tự đóng góp dẫn đến thiếu kinh phí để mua sắm trang phục, đạo cụ luyện tập. Bản thân các nghệ nhân đều thiếu kinh phí để truyền dạy, giao lưu, tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ cộng đồng.

“Hà Nội hiện thiếu nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể. Phần lớn số người thực hiện gìn giữ, trao truyền di sản của Hà Nội tuổi đã cao, sức yếu, thu nhập thấp và không ổn định nên đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn” - bà Lan Anh nói.

Nỗ lực truyền lửa cho thế hệ sau.

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc vinh danh các di sản phi vật thể từ cấp quốc gia cho đến UNESCO dù được đẩy mạnh trong thời gian qua nhưng các chế độ đãi ngộ với những người thực hành là các nghệ nhân vẫn là một “hành trình” dài đầy gian truân. Thậm chí, nhiều nghệ nhân hiện nay dù vẫn đang miệt mài đảm nhận công tác lưu giữ, truyền dạy các di sản nhưng cũng chỉ bằng cái tâm với nghề.

Đơn cử như trường hợp, nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan (huyện Quốc Oai), hơn 40 năm toàn tâm, toàn ý cho công tác khôi phục di sản ở địa phương, góp phần đưa làn điệu hát dô từ nguy cơ thất truyền trở lại mạnh mẽ với đời sống đương đại, bà chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào, trong khi đời sống kinh tế rất khó khăn.

Hay nghệ nhân hát xẩm Phan Thị Kim Dung (quận Thanh Xuân) việc tham gia hoạt động truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ ở địa phương hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiệt tình, tâm huyết của người thực hành di sản, kinh phí hoạt động còn rất eo hẹp. Chưa kể, phần lớn nghệ nhân đều cao tuổi, không có lương hưu, gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Nhiều nghệ nhân đã qua đời mà chưa được hưởng chế độ đãi ngộ.

Quan trọng là cách hỗ trợ

Với những chính sách đãi ngộ như hiện nay thì không thể phủ nhận đang ảnh hưởng đến tâm huyết bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy các giá trị di sản, cho dù thông lệ trên thế giới, nghệ nhân là những báu vật nhân văn sống. Việc có chính sách đãi ngộ, như mức phụ cấp thường xuyên hàng tháng giúp nhiều nghệ nhân đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống, cảm thấy được động viên, khuyến khích, do đó yên tâm hơn, trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Bên cạnh đó, thông qua mỗi kỳ xét duyệt hồ sơ tôn vinh các nghệ nhân là cơ hội để các cơ quan quản lý đánh giá, khẳng định lại vai trò giữ lửa, truyền lửa của họ trong đời sống văn hóa đất nước. Dẫu rằng số lượng nghệ nhân ngày một tăng nhưng cũng để lại đằng sau đó những trăn trở.

Nhìn nhận thực tế này, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, phần lớn nghệ nhân giỏi trên cả nước đều là những người nghèo, tuổi cao, sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Chính sách của nhà nước không dễ đến được với họ, nhất là phải trải qua những thủ tục hành chính bắt buộc ở địa phương. Có những nơi, lãnh đạo cũng không nắm được chủ trương này dành cho nghệ nhân. Do đó, nhiều nghệ nhân vẫn chưa nhận được trợ cấp.

Cũng theo GS Lê Hồng Lý, cùng với chính sách hỗ trợ, địa phương có thể thành lập một quỹ tài trợ cho các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian, nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần bổ sung kinh phí cho các hoạt động tôn vinh quảng bá di sản.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng việc đãi ngộ các nghệ nhân và đội ngũ kế cận để gìn giữ và phát huy di sản vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Nếu nhìn nhận một cách rành rọt, việc hỗ trợ nghệ nhân bằng tiền chưa hẳn đã là một giải pháp hữu ích.

Với lớp nghệ nhân lớn tuổi sống quá nghèo, thì việc cấp một khoản tiền giúp họ sống tốt hơn để họ có thời gian toàn tâm, toàn ý trao truyền cho hậu thế là rất quý. Nhưng hiện nay, đa phần là lớp nghệ sĩ dân gian trẻ kế thừa và họ không thích kiểu hỗ trợ như vậy, mà quan trọng hơn là cần sự khích lệ, động viên, là việc truyền cảm hứng để họ biết trân quý mà theo đuổi, gìn giữ di sản.

UBND TP Hà Nội vừa giao Sở VHTT Hà Nội xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, từ đó đề xuất HĐND TP xem xét, ban hành Nghị quyết trong năm 2022. Sở VHTT dự kiến 4 mục hỗ trợ, đãi ngộ, gồm chế độ hỗ trợ, đãi ngộ dành cho nhóm đối tượng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ đối với các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ tập luyện, biểu diễn, tham gia hoạt động của các nghệ nhân, câu lạc bộ; mức giải thưởng khi tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan.

Nguồn: http://daidoanket.vn/bau-vat-nhan-van-song-bi-lang-quen-5683535.html

Tin liên quan