Căn bệnh hiếm gặp khiến trẻ có thể tử vong khi mắc Covid-19
Giới chuyên gia đang tìm kiếm câu trả lời về nguyên nhân gây hội chứng viêm đa hệ ở một số trẻ mắc Covid-19. Đây là tình trạng hiếm gặp khiến một số trẻ tử vong dù bệnh nhẹ.
Giống hầu hết đứa trẻ khác khi mắc Covid-19, Dante và Michael DeMaino dường như không có triệu chứng nghiêm trọng. Hai bệnh nhi nhiễm nCoV vào giữa tháng 2 với dấu hiệu mất vị giác, khứu giác. Dante (9 tuổi) bị sốt nhẹ trong 1-2 ngày. Trong khi đó, Michael (13 tuổi) cảm thấy ngứa ở cổ họng. Theo Michele Demaino, mẹ của hai bệnh nhi ở Danvers, Massachusetts, Mỹ, khi siêu âm tim, phổi, các bác sĩ kết luận mọi cơ quan nội tạng đều bình thường.
Nhưng cuối tháng 3, Dante gặp đợt sốt khác. Khi đi khám, bác sĩ kết luận tình trạng của em không có gì đáng lo nhưng yêu cầu bà mẹ Mỹ phải cho con nhập viện ngay nếu bé sốt trên 40 độ C.
Hai ngày sau, Dante vẫn sốt, đau đầu và bắt đầu nôn nao. Demaino đưa bé đến phòng cấp cứu, lúc này, thân nhiệt của bệnh nhi đã hơn 40,5 độ C. Đôi mắt của cậu sưng húp, mí mắt chuyển đỏ và bàn tay bắt đầu tấy lên, phát ban khắp cơ thể.
Theo CNBC, cậu được chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C) - biến chứng hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng khi mắc Covid-19. Các triệu chứng của bệnh thường là sốt, đau dạ dày, nôn mửa, tiêu chảy, mắt đỏ, phát ban và chóng mặt. Dấu hiệu xuất hiện từ 2-6 tuần sau khi nhiễm nCoV thể nhẹ hoặc không triệu chứng.
Hơn 5.200/6,2 triệu trẻ em ở Mỹ được chẩn đoán bị MIS-C sau khi mắc Covid-19. Khoảng 80% bệnh nhi phải điều trị trong phòng hồi sức tích cực. Trong khi đó, 20% phải thở máy và 46 trẻ tử vong.
Dante DeMaino được chẩn đoán mắc MIS-C vào tháng 3, sau một tháng mắc Covid-19. Ảnh: Kaiser Health News.
Hội chứng không thể ngăn ngừa
Trong suốt đại dịch, hội chứng viêm đa hệ thường xuất hiện sau khoảng một tháng trẻ mắc Covid-19. Các đơn vị chăm sóc đặc biệt tại Mỹ đã điều trị cho hàng nghìn trẻ em khi biến chủng Delta bùng phát. Miền Nam nước Mỹ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bệnh viện South Caronila Shawn Jenkins tháng trước tiếp nhận 37 trẻ em mắc Covid-19, trong đó, 9 trường hợp bị MIS-C.
Theo TS Michael Chang, Bệnh viện Children Memorial Hermann ở Houston, các bác sĩ không có cách nào ngăn ngừa trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ. Tất cả điều bác sĩ có thể làm là khuyến cáo phụ huynh tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ càng sớm càng tốt.
Hầu hết trẻ em bị MIS-C đều hồi phục tốt, song, 80% bệnh nhi phát triển các biến chứng liên quan tim. Động mạch vành của Dante bị giãn to, khiến tim của em khó bơm máu tới các cơ quan. Nếu không điều trị nhanh chóng, bệnh nhi có thể sốc mất máu. Một số trường hợp khác bị nhịp tim nhanh bất thường hoặc chứng phì động mạch, đe dọa tử vong.
Điều nguy hiểm nhất chính là phản ứng viêm ảnh hưởng khả năng đông máu trong cơ thể, cản trở lưu lượng máu. Hậu quả là khiến các em có thể bị hoại tử chi, không thể bảo toàn tay, chân. Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy hơn 4.661 trẻ em đã được chẩn đoán mắc MIS-C. Trong đó, 41 trẻ tử vong.
Những trường hợp như Dante khiến giới chuyên gia đau đáu câu hỏi tìm nguyên nhân gây tình trạng viêm đa hệ ở trẻ mắc Covid-19. “Nếu cùng nhiễm một loại virus, tại sao một số trẻ mắc MIS-C, trẻ khác lại không?”, TS Natasha Halasa của Viện Nhiễm trùng, Miễn dịch và Viêm Vanderbilt, Mỹ, tự đặt câu hỏi.
Phát ban toàn thân, sốt cao, tiêu chảy... là một trong những triệu chứng điển hình ở trẻ bị viêm đa hệ khi mắc Covid-19. Ảnh: CNN.
Nguyên nhân?
Thông thường, trẻ mắc Covid-19 trước, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. nCoV thường không gây ra bệnh nặng ở trẻ em, song đối với một số trẻ tiếp tục phát triển thành MIS-C, virus có thể gây viêm các bộ phận khác nhau của cơ thể và ca bệnh có thể nghiêm trọng.
Giới khoa học chưa thể trả lời chính xác nguyên nhân gây hội chứng MIS-C, song, nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Massachusetts General và một số nhà khoa học khác xác định nCoV có thể rò rỉ từ ruột vào máu, gây phản ứng hệ thống khắp cơ thể.
Những gì bác sĩ biết được là nhiều bệnh viện nhi khác nhau trên khắp nước Mỹ báo cáo số ca mắc bệnh cao hơn trong vài tháng qua, dù MIS-C vẫn được coi là một căn bệnh hiếm gặp. TS Leigh Howard, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em của Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, nhận định còn quá sớm để kết luận trẻ em sống sót sau khi bị MIS-C có gặp vấn đề sức khỏe lâu dài hay không.
Khi chẩn đoán, điều trị MIS-C sớm, tỷ lệ tử vong ở trẻ đã giảm từ 2,4% xuống chỉ còn 0,7%. Người lớn cũng có thể phát hiện hội chứng viêm tắc vòi trứng (MIS-A), hiếm hơn MIS-C, đặc biệt, tỷ lệ tử vong cao gấp 7 lần trẻ em.
MIS-C là hiện tượng mới gặp ở trẻ em mắc Covid-19, song, nó có thể được điều trị bằng nhiều liệu pháp sẵn có tương tự với bệnh Kawasaki - hội chứng gây viêm toàn thân.
Giới chuyên gia vẫn đang tìm cách lý giải nguyên nhân khiến một số trẻ mắc Covid-19 trở nặng, tử vong. Ảnh: Freepik.
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Boston, Mỹ, đã tìm kiếm manh mối giữa gene và hội chứng viêm đa hệ. Một nghiên cứu hồi tháng 7 đã xác định biến thể di truyền hiếm gặp ở 3/18 trẻ. TS Janet Chou, Trưởng bộ môn miễn dịch lâm sàng của Bệnh viện Nhi Boston, người đứng đầu nghiên cứu, cho hay tất cả gene đều liên quan việc hệ miễn dịch phản ứng quá độ, góp phần gây chứng siêu viêm ở MIS-C.
Nhưng giả thuyết này lại đặt ra câu hỏi mới. Đó là nếu bệnh liên quan di truyền, tại sao trẻ không trở nặng khi mắc các bệnh nhiễm trùng khác thời thơ ấu mà chỉ xuất hiện với Covid-19?
Hầu hết trẻ mắc viêm đa hệ đều có xét nghiệm âm tính với nCoV, cho thấy cơ thể đã đào thải được virus ở mũi và đường hô hấp trên. Từ hiện tượng này, TS Hamid Bassiri, Bệnh viện Nhi Philadelphia, cho rằng MIS-C là bệnh truyền nhiễm, phát triển sau khi nCoV hoàn toàn biến mất.
Song, giả thuyết vẫn còn nhiều lỗ hổng. Ngay cả khi virus biến mất khỏi mũi của trẻ, nó có thể ẩn náu và rụng đi ở những nơi khác trong cơ thể. Điều này giải thích vì sao các triệu chứng xuất hiện rất lâu sau lần nhiễm nCoV đầu tiên của trẻ.
Một số chuyên gia nhận thấy trẻ bị viêm đa hệ có nhiều nguy cơ gặp các triệu chứng tiêu hóa như đau dạ dày, tiêu chảy, nôn mửa. Ở một số bệnh nhi, cơn đau bụng nặng đến mức bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm trẻ bị viêm ruột thừa.
BS Nhi Lael Yonker, Bệnh viện MassGeneral Trẻ em ở Boston, gần đây phát hiện bằng chứng cho thấy nguồn gốc của các triệu chứng này có thể do nCoV vẫn tồn tại trong ruột sau vài tuần nó biến mất khỏi mũi. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí The Journal of Clinical Investigation hồi tháng 5, bà Yonker chỉ ra hơn 50% bệnh nhi mắc MIS-C có vật chất di truyền (RNA) của nCoV trong phân.
Cơ thể phá vỡ RNA của virus rất nhanh, vì vậy, vật chất di truyền nếu được tìm thấy trong phân chắc hẳn nó đã trú ẩn trong ruột và nhân lên từ đây. Ở một số trẻ em, nCoV gây kích ứng niêm mạc ruột, tạo ra những khoảng trống cực nhỏ cho phép các phần tử virus thoát vào máu.
Các xét nghiệm máu ở trẻ mắc MIS-C cho thấy chúng có lượng kháng nguyên tăng đột biến nCoV cao. Các virus sống không tái tạo trong máu, nhưng protein đột biến vỡ ra và rò rỉ vào máu. Do đó, các hạt virus trong máu có thể gây nhiều vấn đề như đau dạ dày, kích thích hệ miễn dịch hoạt động quá mức.
Một tháng sau khi khỏi bệnh, Dante rời viện. Các bác sĩ không tìm thấy tổn thương ở tim. Cậu bé sớm trở lại cuộc sống hàng ngày, chơi khúc côn cầu, bóng chày, bơi lội, trượt patin điêu luyện. Sau 6 tháng mắc Covid-19, Dante cũng được kiểm tra sức khỏe lại lần nữa, thật may, các chỉ số vẫn bình thường.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA hồi tháng 3, giống Dante, hầu hết trẻ em mắc MIS-C đều hồi phục hoàn toàn. Còn giới nghiên cứu vẫn tìm kiếm câu trả lời về nguyên nhân khiến một số trẻ mắc Covid-19 bị hội chứng viêm đa hệ và tử vong.
Nguồn: https://zingnews.vn/can-benh-hiem-gap-khien-tre-co-the-tu-vong-khi-mac-covid-19-post1272274.html