Cô gái Việt ngồi quán cà phê khu nhà giàu Gangnam nhiều tháng ròng để học cách kiếm tiền ở xứ sở 'Kim chi'

Chưa từng dùng mỹ phẩm, lại không sõi tiếng Hàn, không có vốn, cô gái Việt đã lân la tiệm cà phê nhiều tháng trời để tìm hiểu cách kiếm tiền của người Hàn Quốc để kinh doanh mỹ phẩm

Ẩn bên trong cô gái xinh đẹp Hoàng Hải Yến là con người giàu nghị lực, không bao giờ từ bỏ ước mơ.

Năm 2013, Hoàng Hải Yến, cô gái thuộc thế hệ 8X quyết định đặt chân đến Hàn Quốc với mục tiêu duy nhất là kiếm tiền. Thế nhưng cô lại không biết bắt đầu từ đâu. Mọi thứ chưa bao giờ được định hình một cách rõ ràng trong cô, nhất là cô lại không có vốn, không kinh nghiệm kinh doanh, cũng không biết tiếng Hàn.

Thế nhưng giờ đây Hoàng Hải Yến đã là cái tên quen thuộc với giới kinh doanh mỹ phẩm của cả Việt Nam và Hàn Quốc. Đến thời điểm này Hải Yến đã có 6 năm phân phối mỹ phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam. Nhiều spa trên khắp Việt Nam đều đang sử dụng sản phẩm do cô phân phối.

Nữ CEO chia sẻ những khó khăn, thất bại khi ngày đầu khởi nghiệp đầy chông gai trên đất Hàn.

Khởi nghiệp 0 đồng từ việc lê la quán cà phê

Hoàng Hải Yến chia sẻ: Trước khi sang Hàn Quốc, mình dự định sẽ quyết tâm học và tìm hiểu về phong cách sống của người Hàn, đó là cách phụ nữ họ trang điểm, làm tóc,… vì mình thích cái gu của họ thông qua những bộ phim truyền hình.

Nhưng rồi thực tế khi đặt chân sang đất Hàn Quốc lại diễn ra theo cách khác. Mình nhận ra yếu tố thuận lợi ở đây chính là mỹ phẩm Hàn Quốc, mình “bắt sóng” ngay khi nhận ra quốc gia này đang rất phát triển về mỹ phẩm. Nhưng mình lại không biết bắt đầu từ đâu, trong khi bản thân không am hiểu gì về mỹ phẩm, thậm chí bản thân mình cũng là một người chưa từng dùng mỹ phẩm.

Khi đó mình lê la ở các cửa hàng bách hóa, mua lẻ rồi gửi về Việt Nam bán lại. Rồi nhận thấy việc đi nhập với giá bán lẻ rồi bán lại thì chẳng lời được bao nhiêu. Mất khoảng 2-3 tháng tìm hiểu trên mạng về cách nhập hàng, cũng như theo dõi rất nhiều các trang mạng xã hội để tìm hiểu người Hàn họ dùng loại mỹ phẩm gì. Khi đó mình nhận ra họ dùng Instagram nhiều, nhưng mình lại không thạo tiếng Hàn.

Sau đó cứ vào Instagram gõ bừa những gì có liên quan đến mỹ phẩm, rồi tìm hiểu xem người Hàn Quốc họ bán gì, mua gì. Thực tế khi lên Instagram thì chỉ thấy các hot girl nổi tiếng ở Gangnam, một khu vực dành cho giới thượng lưu ở Hàn Quốc.

Thực sự lúc đó mình chỉ muốn học hỏi xem họ kinh doanh như thế nào. Lúc đó mới sinh con được 9 tháng, chưa từng được đi học qua trường lớp gì, trong tay không có gì, chỉ có máu kinh doanh tuôn chảy trong người.

Từ chỗ mình ở đi lên Gangnam mất khoảng 1,5 giờ đi tàu điện ngầm. Buổi sáng mình đi tàu điện lên Gangnam rồi ngồi lê la ở quán cà phê Starbucks từ sáng đến tối, chỉ để nhìn ngắm mọi người xem giới thượng lưu ở Gangnam họ kinh doanh ra sao, cách họ giao tiếp như thế nào. Ngày nào cũng ngồi ở đây từ sáng đến chiều, liên tục trong khoảng 2 tháng. Trong suy nghĩ của mình khi đó chỉ thấy sự ngưỡng mộ đối với những người thuộc tầng lớp thượng lưu ở nơi đây mà không hiểu họ kiếm tiền bằng cách nào.

Hoàng Hải Yến từng lê la suốt 2 tháng trời trong quán cà phê chỉ để tìm hiểu các kiếm tiền của người Hàn Quốc.

Vô tình, mình bắt gặp bàn bên cạnh có một anh CEO của một công ty dược mỹ phẩm của Hàn Quốc đang giới thiệu sản phẩm với một chị khách hàng. Nhưng chị khách hàng kia lại tỏ vẻ không ưng vì giá quá cao.

Mình bắt đầu lân la làm quen và đặt vấn đề “xin” hộp mỹ phẩm về dùng thử. Lúc đó mình cũng cố ra vẻ là người có tiền để đỡ “quê”. Anh CEO kia lập tức đồng ý và bảo “nếu bạn thích thì cứ mang về dùng thử, cảm thấy thích thì hãy liên hệ với chúng tôi”.

Sau 2 ngày, mình lên công ty gặp họ nhưng không phải để mua sản phẩm mà để đề nghị làm nhà phân phối. Phải chia sẻ thật là khi đó mình cũng bị họ có phần coi thường vì không có tiền, tiếng Hàn thì bập bõm, cũng chẳng có chút kinh nghiệm kinh doanh và hiểu biết về mỹ phẩm.

Nói chung họ nhìn mình như một người ất ơ. Thậm chí lúc đó anh CEO kia còn không thèm tiếp mà chỉ cho nhân viên ra nói chuyện. Phía công ty nói rằng điều kiện để phân phối sản phẩm là phải đặt cọc số tiền tương đương 1 tỷ đồng Việt Nam, doanh số phân phối tối thiểu mỗi tháng 600 triệu đồng tiền Việt.

Vốn có sẵn máu liều, lại luôn tự tin không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ không làm được, nên khi ai đó trao cơ hội là mình phải nắm bắt bằng được. Cứ nhận làm đại lý phân phối trước rồi sẽ tính cách phát triển như thế nào.

Thế nhưng nhận xong rồi mới thấy lo, làm sao để xoay được 1 tỷ đồng đặt cọc cho người ta, chưa nói đến việc phải phân phối ít nhất 600 triệu trong 1 tháng. 3 ngày sau mình quay lại công ty và trả lời: “Không phải tôi không có 1 tỷ đồng, nhưng bây giờ tôi đưa cho các bạn một điều kiện khác hay hơn. Tôi biết chắc các bạn không cần tiền, cái các bạn cần là phân phối sản phẩm. Việc đặt cọc hay không, tôi nghĩ không quan trọng với các bạn. Vậy thay vì phân phối 600 triệu đồng/tháng, hãy đặt cho tôi điều kiện doanh số 1 tỷ/tháng.

Công ty ngay lập tức đồng ý với đề xuất của tôi mà không còn yêu cầu phải đặt cọc 1 tỷ đồng.

Để quảng bá sản phẩm, mình tổ chức một buổi hội thảo có cấp chứng chỉ với sự tham gia của các giảng viên người Hàn đã thu hút hơn 100 chủ spa tại Việt Nam trong buổi đầu tiên. Mặc dù doanh số tháng đầu chỉ dừng ở mức 600 - 800 triệu đồng nhưng công ty vẫn hài lòng với sự nỗ lực của mình và tiếp tục hợp tác. Khởi nghiệp 0 đồng là như vậy, nhưng cần nhiều sự nỗ lực suốt những tháng tiếp theo.

Mình vốn rất tự tin khi khởi nghiệp và bản thân luôn nghĩ rằng mình không thể thất bại, mình có thể làm tốt mọi thứ. Bản thân mình là người không được học nhiều, nhưng mình nghĩ rằng mình có sự nhanh nhạy trong kinh doanh, luôn nắm bắt thời cơ đúng lúc. Nhưng không ngờ khó khăn mình gặp phải là về vấn đề luật chơi.

Vì không hiểu luật pháp ở nước sở tại nên mình chỉ nghĩ đơn giản là cứ phân phối sản phẩm cho họ là xong. Năm đầu tiên mọi thứ diễn ra trôi chảy, nhưng đến năm thứ hai mình gặp phải một vấn đề.

Trong hợp đồng ký kết gia hạn năm thứ hai phân phối sản phẩm, do không đọc kỹ hợp đồng và nghĩ rằng nội dung chắc là cũng giống như hợp đồng cũ đã ký trong năm đầu tiên, họ đưa cho là mình ký liền. Vấn đề gặp phải là phía công ty cài thêm những điều khoản mới mà mình không để ý. Điều khoản mới là nâng mức tiêu thụ sản phẩm lên tối thiểu 1,5 tỷ đồng/tháng, công ty được quyền phân phối sản phẩm cho đối tác khác nếu mình không đạt doanh số trong 1 tháng. Họ cũng không trực tiếp nói với mình về những thay đổi này mà chỉ nói rằng hãy đọc kỹ các điều khoản trước khi ký.

Đấy là một thiếu sót lớn của mình, cứ nghĩ rằng đã thành công rồi thì mình đang ở “cửa trên” nên không cần phải đọc. Thế rồi điều không mong muốn đã đến, sai lầm chết người của mình khi không đọc kỹ hợp đồng nên đã phải trả giá. Khi không đạt được doanh số 1,5 tỷ đồng trong một tháng, đối tác liền kích hoạt điều khoản đã ký trong hợp đồng và bắt đầu phân phối sản phẩm cho rất nhiều đầu mối khác để họ phân phối tại thị trường Việt Nam.

Suốt 3 năm liên tiếp sau đó vấn đề mình gặp phải là những rắc rối về luật chơi. Luật chơi ở đây là luật của Hàn Quốc và những người bản địa họ luôn bảo vệ nhau.

Tạo dựng thương hiệu mỹ phẩm riêng cho mình

Lúc đó mình nghĩ rằng tại sao người Việt sang đây cũng nhiều người phân phối mỹ phẩm, nhưng thực sự chưa có nhiều người thành công lớn. Thế nên mình nghĩ sẽ tạo ra một thương hiệu riêng, nhưng làm thế nào để tạo dựng được thương hiệu khi chỉ có một thân một mình. Một công ty nói với tôi rằng “bạn cứ phân phối sản phẩm đi, hãy nói với chúng tôi rằng bạn muốn gì thì chúng tôi sẽ giúp bạn”.

Mình bảo “bây giờ tôi muốn có một dòng sản phẩm mà kể cả người Hàn cũng phải dùng đến, chứ không chỉ phân phối tại thị trường Việt Nam. Tôi muốn tất cả các KOLs trên Instagram cũng phân phối sản phẩm của tôi. Trong đầu tôi cũng đã có kế hoạch cụ thể, nhưng tôi muốn lắng nghe ý kiến của các bạn để tôi có thể học hỏi”.

Rồi họ vẽ cho mình đủ loại quy trình trên trời dưới biển với chi chít những biểu đồ mà thực sự mình nhìn vào không hiểu. Bây giờ tóm lại thế này, tôi sẽ nói cho các bạn mong muốn của tôi, mong các bạn giúp đỡ tôi làm sao sản xuất ra sản phẩm tốt nhất, và tôi muốn các bạn kết nối cho tôi tất cả các KOLs để phân phối sản phẩm của tôi. Tất cả lộ trình như thế nào sẽ do tôi quyết định, chính tôi sẽ làm chủ cuộc chơi chứ tôi không đi theo mô hình nào các bạn đề xuất.

Hoàng Hải Yến quan niệm kinh doanh là một cuộc chơi...

Rồi sau đó thương hiệu mỹ phẩm của cá nhân mình chính thức ra mắt vào tháng 10/2018, chỉ hai tháng sau đó mình nhận được một cuộc gọi từ bên bộ phận Văn hóa – Kinh tế của Hàn Quốc. Họ nói rằng mình là người đâu tiên bán được hơn 400.000 sản phẩm chỉ trong 2 tháng. Đây là một kỷ lục và họ muốn mời lên nhận tấm bằng chứng nhận này.

Lúc đó mình hỏi lại, tấm bằng này có ý nghĩa gì không? Tôi không có tiền mua giải đâu. Họ trả lời đây là bằng kinh tế rất danh giá, toàn những nhân vật tầm cỡ trong giới kinh doanh sẽ quy tụ về đây chứng kiến lễ trao bằng. Và quả thật, ngày nhận bằng chứng nhận, mình thực sự bị choáng ngợp vì toàn được gặp những người nổi tiếng.

May mắn tiếp tục đến với mình khi chỉ sau đó khoảng 2 tuần, cuối tháng 12/2018 mình trở thành người phụ nữ Việt Nam duy nhất nhận tấm bằng của Quốc hội Hàn Quốc trao tặng. Thực sự lúc đó mình quá bất ngờ, không hiểu mình đã làm được cái gì mà được nhận bằng. Cứ nghĩ rằng mình phải trả tiền cho họ để được công nhận. Hóa ra không phải, đó là một sự ghi nhận sau khi họ đã chứng thực và trao tặng cho mình. Đó cũng là một bước đệm để sau này mình vững tin hơn.

Sau khi nắm bắt tất cả mọi cơ hội và thành công, mình là người chủ động thay đổi luật chơi với các đối tác bên Hàn; gạt bỏ hết tất cả những cái gọi là quy trình hay KPI thế này thế kia, mình buộc họ phải chơi theo cách của riêng mình.

Nhiều người nói với mình rằng “tao không hiểu vì sao mày có thể thành công, mày làm chả bài bản gì cả, mọi thứ cứ lộn xộn hết cả lên”. Mình trả lời “đấy là tính cách của tôi, tôi thích như thế. Với tôi kinh doanh là một cuộc chơi và tôi thích chơi như thế”.

Nhìn lại hành trình đã qua, mình phải thừa nhận rất nhiều điều bản thân đạt được đều bắt nguồn từ sự tự tin dám nghĩ, dám làm. Hay nói cách khác, mình “liều”. Mình “liều” ngay từ ngày đầu mới bước chân vào con đường kinh doanh tại Hàn Quốc.

Những chia sẻ trên đây của Hải Yến cho thấy chị luôn chủ động. Đây là điều rất quan trọng trong kinh doanh. Cô gái Việt này thậm chí còn đi xa hơn khi dũng cảm từ chối mô hình, không cần biết đến mô hình gì, miễn sao có kết quả.

Những gì đã trải qua cho thấy Hải Yến không chỉ dựa vào yếu tố may mắn, thành công đến với cô còn là bởi trí tuệ và nội lực. Ngoài ra, cô gái này không bao giờ đánh mất niềm tin vào chính mình. Thành công của Hải Yến cho thấy không có mô hình chung nào cho sự thành công.

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/startup/chua-tung-dung-my-pham-lai-khong-biet-tieng-han-co-gai-viet-tu-tao-thuong-hieu-my-pham-rieng-kinh-doanh-thanh-cong-o-xu-so-kim-chi-406501.html

Tin liên quan