Cuộc khủng hoảng việc làm của người trẻ Trung Quốc

Từ các cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, công nghệ vào năm ngoái, đến làn sóng Covid-19 mới trong năm nay, hàng triệu người trẻ Trung Quốc không có việc làm.

Theo Bloomberg, khi cô Zheng Jin - một cư dân Trung Quốc 26 tuổi - bị một trong những tập đoàn địa ốc lớn nhất Trung Quốc sa thải hồi tháng 2, một phần trong cô thấy nhẹ nhõm. Bởi cô Zheng đã rời khỏi ngành công nghiệp đang sa sút.

Nhưng 3 tháng sau, sau khi nộp hơn 400 đơn xin việc mà vẫn thất bại, cô Zheng đã hoảng loạn. "Tôi không tìm thấy tia hy vọng nào", cô than thở.

Cô Zheng từng là chuyên viên nghiên cứu thị trường ở Nam Kinh và nằm trong số 30% lực lượng lao động bị cắt giảm của công ty cũ. Ngành công nghiệp bất động sản tại Trung Quốc chao đảo sau khi Bắc Kinh tìm cách chấn chỉnh lĩnh vực đã tăng trưởng quá nóng trong những thập kỷ qua.

"Cuộc sống như chẳng còn hy vọng. Tôi không biết còn có thể trụ trong bao lâu", cô Zheng tuyệt vọng.

Cô Zheng Jin - một cư dân Trung Quốc 26 tuổi - đã nộp 400 đơn xin việc trong 3 tháng qua, nhưng đều thất bại. Ảnh: Shao Xiaomin.

Khủng hoảng việc làm

Cô Zheng đang phải cạnh tranh với hàng chục triệu người trong độ tuổi ngoài 20. Họ chật vật tìm kiếm việc làm khi triển vọng kinh tế xấu đi vì đại dịch, và hàng loạt ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi các cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh.

Vào tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi 16-24 tại Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 18,2%. Con số này cao hơn nhiều so với 7,9% tại Mỹ.

Giới quan sát lo ngại rằng tình trạng này sẽ ngày càng trở nên tồi tệ, thậm chí vượt mức đỉnh hồi năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Trung Quốc.

Làn sóng Covid-19 mới và chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Bắc Kinh đã làm tê liệt những thành phố lớn, các công ty bị gián đoạn hoạt động, buộc phải cắt giảm nhân sự hoặc giảm lương.

Hàng triệu người như cô Zheng bị sa thải khỏi các công ty bất động sản, Internet và giáo dục. Họ giờ vẫn đang chật vật tìm việc làm. Đáng nói, số lượng kỷ lục 10,76 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp vào năm 2022 và đổ vào thị trường lao động.

Số lượng kỷ lục 10,76 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp vào năm 2022 và đổ vào thị trường lao động. Ảnh: Ren Chao/Xinhua/Zuma Press.

Tháng 11 năm ngoái, cô Xie Huiyu, 25 tuổi, đang học thạc sĩ toán học tại Anh, đến Thượng Hải để thực tập cho một công ty Internet. Cô được hứa hẹn ký hợp đồng nhân viên chính thức sau khi tốt nghiệp vào mùa hè năm nay.

Nhưng đến cuối tháng 3, hàng triệu cư dân của thành phố bị mắc kẹt tại nhà, công ty đột ngột dừng kỳ thực tập của cô Xie. Lời mời nhận việc của cô và 40 sinh viên sắp tốt nghiệp khác cũng bị hủy. Lý do được đưa ra là công việc kinh doanh gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Kể từ đó, cô Xie phải sống trong một căn hộ thuê ở Thượng Hải, dựa vào số tiền mà gia đình gửi cho và thức ăn mà chủ nhà cung cấp. "Đó là một con đường quá gian nan. Đôi khi, tôi tự hỏi học nhiều như vậy có ích gì", cô Xie than thở.

Bà Jacqueline Rong - Phó trưởng kinh tế Trung Quốc tại BNP Paribas SA - tin rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc sẽ còn tăng cao. Bà dự đoán con số này có thể lên tới 6,5% trong những tháng tới.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có thể tăng vọt lên gần 20% vào mùa hè, khi sinh viên tốt nghiệp tham gia thị trường lao động.

Áp lực cạnh tranh

Khác với hồi năm 2020, đà giảm tốc của nền kinh tế do dịch bệnh diễn ra đúng vào thời điểm thị trường lao động bị thu hẹp. Hàng triệu việc làm đã bị mất đi do thị trường bất động sản lao dốc, cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ và giáo dục trực tuyến.

Ngay cả những tập đoàn công nghệ hàng đầu cũng đang cắt giảm nhân sự. Năm nay, JD.com Inc. - công ty thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc - đã sa thải 10-15% lực lượng lao động trong đơn vị mua hàng theo nhóm Jingxi.

Hồi tháng 2, hãng tin Bloomberg đưa tin gã khổng lồ gọi xe Didi Global Inc. đã lên kế hoạch cắt giảm 20% nhân sự.

Đó là tin xấu đối với các sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Cô Li Wen, 21 tuổi, làm trợ lý tại một công ty thương mại điện tử 6 ngày/tuần. Từng theo học chuyên ngành tiếng Anh ở trường đại học tại tỉnh Tứ Xuyên, cô dự định học tiếp để lấy bằng thạc sĩ ngành báo chí.

Nhưng cô đã trượt kỳ thi đầu vào sau khi điểm chuẩn tăng mạnh trong năm nay. Giờ, cô Li chỉ được trả 3.500 NDT (tương đương 526 USD) mỗi tháng, thấp hơn ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân ở Trung Quốc.

"Tôi tự hỏi mình có nên chuẩn bị để thi vào các trường cao học một lần nữa hay không. Nhưng tôi không biết thị trường việc làm sẽ ra sao vào 3 năm nữa", cô chia sẻ.

Với nhiều người trẻ, việc từ bỏ thị trường lao động và tham gia vào trào lưu "nằm yên, kệ đời" đang ngày càng trở nên hấp dẫn. Áp lực từ việc phải cạnh tranh với hàng triệu người khác đã trở nên quá lớn đối với giới trẻ Trung Quốc.

"Giờ, tôi đang rất căng thẳng", anh David Yang - 23 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành tài chính tại một đại học ở Thượng Hải - chia sẻ. Anh bị mắc kẹt ở nhà và không thể tham gia các buổi phỏng vấn tại những trung tâm công nghệ như Thâm Quyến.

"Bạn vẫn nghĩ rằng tương lai của mình sẽ rất tươi sáng, cho đến khi bạn bị cấm rời khỏi nhà, và tất cả công việc đều biến mất", anh chia sẻ.

Sau khi gửi sơ yếu lý lịch để ứng tuyển hàng chục vị trí, anh thấy thất vọng và đôi khi chỉ muốn "nằm yên, kệ đời".

Nguồn: https://zingnews.vn/cuoc-khung-hoang-viec-lam-cua-nguoi-tre-trung-quoc-post1322507.html

Tin liên quan