Đầu tư công toàn bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ đề xuất Quốc hội cho đầu tư công toàn bộ, thay vì triển khai theo hình thức hợp tác công - tư (PPP, hợp đồng BOT). Điều này một phần do thất bại trong kêu gọi đầu tư BOT các dự án của tuyến cao tốc này trong giai đoạn 1 vừa qua.

Thi công đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, sẽ thông xe trong tháng 12 này Ảnh: Phạm Thanh

Ðổi từ BOT sang đầu tư công

Dự kiến, ít ngày tới Quốc hội sẽ họp để cho ý kiến, thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), với 12 dự án thành phần (12 đoạn). Tại tờ trình mới nhất gửi Quốc hội, Chính phủ đề xuất cả 12 đoạn sẽ đầu tư công, thay vì kêu gọi đầu tư BOT, với tổng vốn đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách bố trí khoảng 139.640 tỷ đồng, số còn lại sẽ bố trí ở giai đoạn tiếp theo. Về nguồn vốn, hiện đã có 47.169 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, khoảng 92.471 tỷ đồng còn lại sẽ cân đối từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19. Khi các dự án hoàn thành sẽ thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn đầu tư (dự kiến 5 năm đầu thu phí đạt khoảng 18.300 tỷ đồng, trong 10 năm thu khoảng 37.881 tỷ đồng).

Về đề xuất các đoạn cao tốc Bắc - Nam còn lại sẽ đầu tư công, Chính phủ lý giải, nếu 4/12 đoạn triển khai theo hình thức BOT, số vốn nhà đầu tư tham gia vào dự án chỉ khoảng 17.275 tỷ đồng. Trong khi, kêu gọi đầu tư BOT thành công, nhà nước phải có cơ chế đặc thù cho các dự án để thu hút nhà đầu tư, đáp ứng khả năng huy động vốn vay.

Trước đó, tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT đề xuất kêu gọi đầu tư BOT cho cả 12 đoạn, vốn nhà nước tham gia khoảng 73.495 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động khoảng 81.032 tỷ đồng. Sau khi tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định và các bộ ngành, Bộ GTVT đề xuất làm 8 đoạn đầu tư công, 4 đoạn đầu tư BOT. Theo bộ này, nếu tất cả các dự án đều đầu tư công, sẽ ảnh hưởng tới nguồn vốn triển khai các dự án quan trọng khác, như Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Hà Nội; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc TPHCM - Chơn Thành, cao tốc Vân Phong - Buôn Ma Thuột... Để kêu gọi đầu tư BOT , Bộ GTVT đề xuất áp dụng một số cơ chế đặc thù, như tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án, có cơ chế chia sẻ rủi ro...

Khó huy động vốn xã hội

Góp ý với đề xuất của Bộ GTVT về 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 theo hình thức BOT, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, muốn thu hút được vốn tín dụng vào các dự án này cần có cơ chế đặc thù, nhà nước bảo lãnh về doanh thu. Lý do là bởi các ngân hàng cho vay theo cơ chế thị trường, dựa trên hiệu quả, khả năng trả nợ, năng lực tài chính của nhà đầu tư; trong khi thời gian thu hồi vốn các dự án quá dài (từ 17-32 năm). Thực tế các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 (đang thi công) cho thấy, nhà đầu tư rất khó huy động được tín dụng. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, vừa qua, nhiều dự án BOT giao thông không đạt doanh thu theo dự kiến khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Đến hết tháng 6/2021, nợ xấu các dự án BOT, BT giao thông tăng gấp hơn 4 lần so với tỷ lệ nợ xấu chung cho vay với nền kinh tế.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, thực tế các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cũng phải chuyển 5/8 đoạn từ BOT sang đầu tư công, nên cần đánh giá lại tính khả thi của hình thức đầu tư BOT cho các dự án tiếp theo.

12 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau. Theo kế hoạch sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng trước để khởi công xây dựng từ năm 2023, hoàn thành vào năm 2025.

Bộ GTVT nhìn nhận, việc triển khai 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 theo hình thức BOT đã không thành công. Điều này do nhà đầu tư khó huy động được vốn tín dụng, thậm chí 3 đoạn đang triển khai theo hình thức BOT cũng gặp khó trong huy động vốn.

Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) cho rằng, kêu gọi vốn xã hội và đầu tư hạ tầng giao thông là chủ trương lớn. Quốc hội đã thông qua Luật PPP, thời gian qua cũng có nhiều dự án giao thông triển khai theo hình thức BOT, BT. Tuy nhiên, theo ông Chủng, các đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 chỉ có 3/8 dự án tiếp tục đầu tư BOT, còn lại đã phải chuyển sang đầu tư công do không có nhà đầu tư. Với 3 đoạn đã ký hợp đồng BOT, tới nay vẫn khó huy động vốn , nếu hết tháng 12 này không ký được hợp đồng vay, hợp đồng BOT sẽ tự động hủy do các nhà đầu tư BOT phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, trong khi ngân hàng đang giảm cho vay các dự án BOT giao thông vì rủi ro cao.

“Trong bối cảnh huy động vốn tín dụng cho đầu tư BOT giao thông khó khăn, nhà nước tăng đầu tư công để kích thích kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19, việc đầu tư các đoạn cao tốc Bắc - Nam còn lại sử dụng ngân sách nhà nước là phù hợp. Điều này để các dự án sớm được triển khai, tránh mất thời gian đấu thầu BOT không thành công lại chuyển sang đầu tư công”, ông Chủng nói. Cùng với đó, vị chuyên gia này đề xuất nhà nước sớm ban hành chính sách thu phí, nhượng quyền thu phí với đường cao tốc làm từ ngân sách, để thu hồi vốn ngân sách đầu tư.

Nguồn: https://tienphong.vn/dau-tu-cong-toan-bo-cao-toc-bac-nam-phia-dong-giai-doan-2021-2025-post1398692.tpo

Tin liên quan