Đẩy mạnh đổi mới thể chế, trọng dụng người tài giỏi, tâm huyết

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để thúc đẩy cuộc cách mạng tiên phong dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh đổi mới thể chế gắn với ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ, đồng thời phải đổi mới mạnh mẽ trong cách làm, “người tài, người giỏi, người đứng đầu bộ máy tốt phải được trọng dụng”.

Chiều 10-11, tại phiên thảo luận đóng góp ý kiến vào các các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gợi ý, thời gian tới cần đẩy mạnh đổi mới thể chế và tập trung vào yếu tố con người, thu hút và trọng dụng người tài giỏi, tâm huyết.

Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới thể chế gắn với những thành quả của khoa học công nghệ, văn minh nhân loại để cởi trói cho các cấp, các ngành.

“Thể chế, thể chế và thể chế. Thể chế tiến bộ thì mở cửa cho đất nước phát triển. Cho nên phải đổi mới thể chế, đổi mới trong chính sách pháp luật”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, việc đổi mới chính sách pháp luật rất quan trọng và cần có cơ chế giám sát như thế nào để mở ra một thể chế mà tất cả mọi người cũng có thể tham gia vào quá trình giám sát.

“Vai trò của các cơ quan dân cử, của Quốc hội rất quan trọng. Người làm chính quyền không thể không thông qua cơ quan giám sát. “Một mình một ngựa không ổn đâu”, đó là vì sao phải báo cáo định kỳ và lấy phiếu tín nhiệm trước Quốc hội”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cũng lưu ý đổi mới về đất đai cũng là vấn đề lớn: “Vấn đề bức xúc là tích tụ ruộng đất, nhưng đất đai là sở hữu toàn dân, hầm mỏ, rừng núi là quyền sở hữu của toàn dân chứ không phải tư nhân. Phải sửa Luật Đất đai phù hợp tình hình phát triển đất nước”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận góp ý kiến vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII. ẢNH: QUANG PHÚC

Về vấn đề tiếp tục hoàn thiện thể chế được xác định là một trong ba đột phá chiến lược trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí, đồng tình cao và cho rằng những thành tựu sau 20 năm đột phá về thể chế là rất rõ ràng, đất nước ta phát triển ổn định, đi lên, được nhân dân ghi nhận, ủng hộ.

Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Trong đó, cần tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Trọng dụng người tài giỏi, tâm huyết, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo

Về các đột phá chiến lược, Thủ tướng cho rằng không thể tách rời vai trò của khoa học - công nghệ vì như thế ta sẽ lạc hậu.

“5G, thương mại số, chính phủ số ta phải làm nhanh, các nước đã đi xa lắm rồi. Tôi kỳ vọng phải đổi mới hơn nữa, đừng để thông tin, quyết sách lạc hậu, không kịp thời”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh nghiệm thế giới, Thủ tướng cho rằng cần phải năng động, quyết liệt và ý chí hơn nữa trong đổi mới sáng tạo.

“Những sáng kiến vì sao ra nước ngoài nhiều? Vì mình có chính sách đâu, những gì vướng mắc thì nên tháo gỡ vì đổi mới sáng tạo rất quan trọng”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Theo Thủ tướng, đến 2045, Việt Nam ước có 50% dân số, khoảng 50 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, cho nên những gì tháo gỡ được để dân tộc tiến bước mạnh mẽ hơn thì phải đặt ra trong các dự thảo Văn kiện để mọi người đóng góp.

“Người tài, người giỏi, người tâm huyết phải trọng dụng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc đến vấn đề thu hút người tài xây dựng đất nước, Thủ tướng lưu ý phải tạo thói quen không tranh đua nhau làm việc này việc kia mà phải tâm huyết làm việc vì sự phát triển đất nước.

Theo đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), điểm đặc biệt mới trong dự thảo văn kiện là các giải pháp để phát triển nhân lực khoa học công nghệ gắn với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải (Đoàn Hải Phòng).

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho biết, nước ta có nhiều nhà khoa học hiện đang làm việc ở các nước trên thế giới, do đó đề xuất dự thảo văn kiện cần có thêm những chính sách hữu hiệu để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ từ khắp nơi trở về quê hương làm việc, cống hiến trí tuệ, sức lực nhiều hơn cho đất nước.

Góp ý kiến, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển qua các năm 2025, 2030, 2045 như dự thảo Báo cáo chính trị nêu.

Đại biểu cho rằng, với việc đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, văn kiện Đại hội XIII sẽ có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng đối với tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới trong chặng đường 25 năm tới.

Để đạt được mục tiêu đó, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học công nghệ…


Nguồn: Báo Nhân Dân

Tin liên quan