Đề án nhà nước pháp quyền đi vào vấn đề cốt lõi

Những nét lớn, thực chất, cốt lõi của nhà nước pháp quyền Việt Nam theo hai phân đoạn, từ nay đến năm 2030, từ năm 2030 đến 2045 đang được thành hình.

Hôm nay (31-5), Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền (NNPQ) XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” sẽ họp phiên thứ ba. Đây sẽ là cuộc làm việc, nghe báo cáo, thảo luận những vấn đề thực chất, cốt lõi và hóc búa của đề án.

Quá trình chuẩn bị

Tại cuộc họp này, lần đầu tiên các dự thảo đề án, dự thảo Nghị quyết Trung ương về chiến lược xây dựng, hoàn thiện NNPQ… sẽ được báo cáo, xin ý kiến 21 thành viên BCĐ, trong đó tám là ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư. Trên cơ sở đó, tổ biên tập sẽ tiếp thu, hoàn thiện để hình thành các dự thảo tiếp theo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp thứ hai. Ảnh: VGP

Để chuẩn bị cho phiên họp chiều 24-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ, cùng Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng Ban thường trực BCĐ đã có buổi làm việc với thường trực tổ biên tập để nghe báo cáo về tiến độ xây dựng đề án.

Thông tin mà Pháp Luật TP.HCM nắm được, từ sau phiên họp thứ hai của BCĐ, ngày 18-4, một nhóm biên tập 20 người, gồm nhiều chuyên gia đầu ngành, nòng cốt của tổ biên tập trong nhiều lĩnh vực liên quan đến công tác xây dựng NNPQ đã được triệu tập làm việc tập trung, phân lớp, nhiều đợt, mỗi đợt nhiều ngày liền. Qua đó, các chuyên gia từng bước dự thảo báo cáo tổng hợp đề án lần hai, cũng như các dự thảo báo cáo tóm tắt đề án, tờ trình, nghị quyết.

Quá trình này được triển khai dựa trên kết quả ba hội thảo cấp quốc gia tổ chức ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM do BCĐ tổ chức hồi đầu năm, cũng như ý kiến các thành viên BCĐ sau phiên họp thứ hai.

Sáu chủ đề cốt lõi

Trong quá trình ấy, sáu chủ đề cốt lõi của nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam đã được Ban Nội chính Trung ương - đầu mối thường trực của BCĐ rút ra để tổ chức sáu tọa đàm chuyên sâu.

Trong các chủ đề thảo luận này đều hàm chứa nhiều nội dung mới, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau không chỉ trong giới chuyên gia mà còn giữa các cơ quan trung ương, các thành viên BCĐ.

Sáu chủ đề của các tọa đàm này gồm: i) về đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy nhà nước; II) về đổi mới lập pháp; iii) về độc lập tư pháp và một số vấn đề cải cách tư pháp; iv) về trưng cầu ý dân về hiến pháp, bảo vệ hiến pháp và bảo đảm, bảo vệ quyền con người; v) về kiểm soát quyền lực nhà nước; vi) về mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Trong các chủ đề thảo luận này đều hàm chứa nhiều nội dung mới, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau không chỉ trong giới chuyên gia mà còn giữa các cơ quan trung ương, các thành viên BCĐ.

Các dự thảo báo cáo tóm tắt đề án, tờ trình, nghị quyết sẽ được báo cáo, xin ý kiến BCĐ ở phiên họp thứ ba này là kết quả quá trình cọ xát, va chạm ấy để lựa chọn, tìm ra phương án khả thi nhất, dễ hình dung nhất cho nhiệm vụ xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam ở hai phân đoạn từ nay tới năm 2030 và từ năm 2030 đến 2045.

Theo đó, NNPQ Việt Nam, nhiều khả năng, ở phân đoạn đầu, tiếp tục được xây dựng trong khuôn khổ Hiến pháp 2013. Sau đó sẽ nghiên cứu, sửa đổi toàn diện hiến pháp để tạo hành lang pháp lý hoàn thiện trong phân đoạn tiếp theo.

Với tính chất hệ trọng như vậy, theo kế hoạch của BCĐ, sau phiên họp thứ ba này, tổ biên tập sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý theo góp ý của các thành viên BCĐ. Tiếp đó, BCĐ sẽ tổ chức ba hội nghị ở ba miền Bắc, Trung, Nam để lấy ý kiến các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức liên quan.

Tiếp đó, BCĐ sẽ họp phiên thứ tư, tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện các dự thảo để báo cáo Bộ Chính trị.

Qua các vòng lấy ý kiến Bộ Chính trị, gửi lấy ý kiến các đảng bộ trực thuộc trung ương, đề án cùng các dự thảo tờ trình, nghị quyết sẽ được Bộ Chính trị trình BCH Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 6, dự kiến vào tháng 10 tới.

Nguồn: https://plo.vn/de-an-nha-nuoc-phap-quyen-di-vao-van-de-cot-loi-post682395.html

Tin liên quan