Các doanh nghiệp vận tải, trong đó có hàng không, đường sắt đang cạn dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Phạm Thanh
Tiến gần ngưỡng mất khả năng thanh toán
Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đặng Sỹ Mạnh cho hay, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đúng vào cao điểm hè đã làm ngành đường sắt thiệt hại nặng. Riêng dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua, gần 11.400 vé tàu bị khách trả lại. Toàn mạng đường sắt chỉ khai thác 2 đôi tàu khách Bắc - Nam, tổng công ty có 1.169 lao động phải tạm hoãn hợp đồng, 136 người nghỉ việc không lương. “Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài qua năm 2022, nguy cơ tổng công ty mất hết vốn chủ sở hữu và không còn đủ tiền trả lương người lao động”, ông Mạnh đánh giá.
Theo lãnh đạo VNR, trong 5 tháng đầu năm nay, doanh thu tổng công ty chỉ đạt hơn 1.114 tỷ đồng, giảm 40% so với năm 2019 - năm chưa có dịch COVID-19 (giảm 19% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, tàu khách chỉ mang về doanh thu hơn 400 tỷ đồng (giảm 35% so với cùng kỳ năm trước). Điểm sáng chỉ tới từ vận tải hàng hóa, khi mang về doanh thu hơn 713 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm trước).
Tình hình tài chính của Vietnam Airlines cho thấy, 3 tháng đầu năm lỗ 4.800 tỷ đồng và dự kiến hết tháng 6 lỗ 10.000 tỷ đồng. Hãng này đang nợ quá hạn 6.240 tỷ đồng và cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản. Trong khi các tổ chức tín dụng chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ cho Vietnam Airlines, nên dừng giải ngân các gói vay, cũng không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Với hàng không, theo Bộ KH&ĐT, năm 2020 và 5 tháng đầu năm nay vô cùng khó khăn. Nhu cầu khách và doanh thu giảm trên 60% so với thời điểm chưa có dịch bệnh. “Khả năng thanh toán của các DN hàng không suy giảm và tiến sát giới hạn mất khả năng thanh toán”, Bộ KH&ĐT đánh giá. Bộ này dẫn tình hình tài chính của Vietnam Airlines cho thấy, 3 tháng đầu năm lỗ 4.800 tỷ đồng và dự kiến hết tháng 6 lỗ 10.000 tỷ đồng. Hãng này đang nợ quá hạn 6.240 tỷ đồng và cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản. Trong khi các tổ chức tín dụng chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ cho Vietnam Airlines, nên dừng giải ngân các gói vay, cũng không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airlines, Vietjet Air, dù DN đã tối ưu hoạt động, chuyển nhượng tài sản và dự án đầu tư để duy trì sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, dự báo hoạt động của các hãng tiếp tục khó khăn tới hết năm và dần hết nguồn lực về tài chính để duy trì hoạt động. Vietjet ước tính thiếu 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Từ tháng 11/2020, Vietnam Airlines đã được Quốc hội thông qua gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 12.000 tỷ đồng. Trong đó có 4.000 tỷ đồng vay ưu đãi và 8.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo tin từ Vietnam Airlines, tới nay đã 8 tháng, hãng vẫn chưa được giải ngân đồng vốn hỗ trợ khẩn cấp nào.
Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ, nhưng các bước thủ tục vẫn là rào cản lớn. Hãng này kỳ vọng cuối tháng 6 này hoặc đầu tháng 7 tới có thể được giải ngân gói vay. Trong khi chờ được giải ngân gói hỗ trợ khẩn cấp trên, hãng phải tự tìm giải pháp để duy trì hoạt động như: điều chỉnh lịch bay và lao động theo diễn biến dịch bệnh để giảm chi phí nhân công; tái cơ cấu tài sản, tăng cho thuê máy bay, thanh lý máy bay cũ; khuyến mại để hút khách, kích cầu; chuyển đổi máy bay chở khách sang chở hàng; đàm phán để giãn, hoãn các khoản thanh toán, gia hạn vay... Năm 2020, hãng đã cắt giảm chi phí hơn 8.600 tỷ đồng, năm nay dự kiến cắt giảm hơn 9.400 tỷ đồng.
Ðồng loạt xin vay...
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, dự kiến hoạt động vận tải khách của ngành đường sắt tiếp tục sụt giảm đến hết năm nay. Để vượt qua khó khăn, VNR đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN báo cáo Thủ tướng xem xét cho tổng công ty được vay ưu đãi khoảng 3.000 tỷ đồng để bù vốn lưu động do thua lỗ; có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang mất và thiếu việc làm. Bên cạnh đó, đường sắt cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm phí sử dụng đường sắt các năm tới; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê đất...
Với hàng không, bên cạnh kiến nghị miễn, giảm thuế, phí, các hãng hàng không tư nhân cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay. Áp dụng từ nay tới năm 2023, điều kiện vay tương tự như gói vay của Vietnam Airlines. Trong đó, VietJet Air đề nghị được vay 4.000-5.000 tỷ đồng, lãi suất 4%/năm. Bamboo Airways đề nghị được vay khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó một nửa là vay dài hạn với lãi suất ưu đãi, nửa còn lại vay qua hình thức tái cấp vốn với lãi suất 0%.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cuối năm 2020, VCCI thực hiện điều tra trên cả nước, các DN đều đánh giá tích cực về phản ứng chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, có nhiều chính sách tỷ lệ DN tiếp cận ít, như giảm lãi suất, cơ cấu lại khoản vay, một số chính sách có các điều kiện đi kèm phi thực tế, khó tiếp cận. Do đó, theo ông Tuấn, các chính sách hỗ trợ DN có thể không lớn, nhưng cần thực tế và hữu ích, với các điều kiện phù hợp, thủ tục nhanh gọn, vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Không phải đợi cho DN đứng bên bờ vực phá sản, hoặc phải chứng minh mình sắp phá sản, sắp dừng hoạt động mới nhận được hỗ trợ.