Doanh nghiệp thực hiện '3 tại chỗ' sẽ trụ được bao lâu?

Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, các chi phí cho doanh nghiệp (DN) đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn. Việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các DN vừa, các DN lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần…

Đó là khó khăn vừa được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Theo VASEP, hiện nay, hầu hết các tỉnh thành phía Nam đã yêu cầu các DN chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp. Các DN thủy sản đã thực hiện nghiêm các quy định nhằm vừa chống dịch vừa duy trì được sản xuất.

Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện vừa qua đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập tác động lớn tới việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng như nỗ lực duy trì sản xuất, xuất khẩu (XK).

Thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các DN thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%.

Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến – XK cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho DN đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.

VASEP và các DN thấy rằng, việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các DN vừa, các DN lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần.

Trong khi đó, kết quả XK thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 đạt được thành tích hết sức khả quan khi tranh thủ được nhu cầu tiêu thụ của các nước tăng cao. Tổng XK đạt 4,12 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020…

Xuất khẩu thủy sản tháng 7/2021 đã giảm 4% so với cùng kỳ do dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: Cảnh Kỳ

Để phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng cũng như sinh kế cho hàng triệu công nhân và nông, ngư dân khai thác, sản xuất nguyên liệu thủy sản, VASEP kiến nghị, trước mắt là tiêm vắc xin và thực hiện mục tiêu kép với trọng tâm mới.

Theo đó, sau những người làm tại các cơ sở y tế và những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền thì thứ tự tiêm vắc xin tiếp theo là những người lao động (trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; nhà máy, khu công nghiệp – sản xuất cho XK nói chung và thủy sản nói riêng), đặc biệt ưu tiên cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng “3 tại chỗ”.

Thực hiện phương châm “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tình thế không thể kéo dài do sức chịu đựng của các DN là có hạn, do đó rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế tại các địa phương sau khi được tiêm vắc xin để các DN chủ động lên phương án sản xuất; các DN đang tạm ngưng sản xuất chuẩn bị đáp ứng các điều kiện chống dịch để quay lại sản xuất đáp ứng đơn hàng XK tăng vào dịp cuối năm.

VASEP cũng kiến nghị khẩn Thủ tướng có chỉ đạo để chính quyền địa phương cùng hành động với các DN và các hiệp hội DN khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ đã có của Chính phủ.

Có các chính sách ưu tiên như: giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% cho các DN. Hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn…

Nguồn Tienphong

Tin liên quan