Đồng chí Lê Văn Lương - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng

Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, trên cương vị nào, ông Lê Văn Lương cũng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'cán bộ là cái gốc của mọi công việc'.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 – 28/3/2022), sáng 26/3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Đồng chí Lê Văn Lương - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Với gần 40 tham luận, các đại biểu tham dự hội thảo đã ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, tôn vinh những cống hiến to lớn của người cộng sản kiên trung Lê Văn Lương đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Ông Lê Văn Lương tên khai sinh là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28/3/1912, tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và khoa bảng, ở một vùng quê văn hiến và cách mạng.

Ngay từ tuổi thiếu niên, đồng chí Lê Văn Lương đã mang trong mình tinh thần yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1927, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; tháng 6/1929, ông gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.

Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, ông Lê Văn Lương được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiều trọng trách như: Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ (1945); Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng (1947-1948); Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (1951-1956) và (1973-1976); Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (1949-1956); Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (1959-1960); Bí thư Thành ủy Hà Nội (1976-1986)... Trên cương vị nào, ông cũng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Trong tham luận “Lê Văn Lương, người cộng sản kiên cường, hạt nhân lãnh đạo các cuộc đấu tranh và giành chính quyền ở Côn Đảo”, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định, gần 12 năm ở Côn Đảo, ông Lê Văn Lương luôn đứng ở tuyến đầu đấu tranh chống chế độ hà khắc ở nhà tù, đặc biệt, với cương vị trong Ban lãnh đạo của Chi bộ nhà tù. Ông đã góp phần biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, góp phần xây dựng quan điểm đúng đắn về phương pháp đấu tranh trong tù nhất là trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền tháng 8/1945:

“Với việc tổ chức cho tù chính trị học lí luận một cách bài bản, ông Lê Văn Lương và chi ủy đã biến nơi đọa đầy của kẻ thù thành trường học cách mạng, nơi đào tạo cán bộ cho Đảng, nơi nâng cao trình độ tri thức, bản lĩnh cách mạng. Có thể nói, đối với ông Lê Văn Lương, nhà tù Côn Đảo thực sự là một trường tranh đấu, nơi thử thách, rèn luyện ý chí, phẩm chất người cộng sản" - PGS.TS Nguyễn Minh Đức cho biết.

Các tham thuận cũng khẳng định, trong thời chiến cũng như trong thời bình, ông Lê Văn Lương luôn được Đảng, Nhà nước giao đảm trách nhiều công việc quan trọng của đất nước và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trong giai đoạn ông Lê Văn Lương làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (1976-1986), sau khi thống nhất đất nước, đây là giai đoạn cả nước đứng trước nhiều thời cơ nhưng cũng nhiều khó khăn thách thức, ông luôn trăn trở tìm con đường đổi mới. Từ khóa 7 đến khóa 9, ông Lê Văn Lương đã luôn thể hiện quan điểm xuyên suốt “Phát huy nội lực của Thủ đô, không ỷ lại cấp trên”, tập trung phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, quan tâm tổ chức lại chính quyền thành phố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng:

"Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội luôn nhớ về ông Lê Văn Lương là lãnh đạo của Đảng, của thành phố, luôn là nhà lãnh đạo gương mẫu về mọi mặt, kiên định, khoa học, nhiệt huyết trong công việc nhưng cũng chân thành, gần gũi, giản dị, hòa đồng trong sinh hoạt và cuộc sống. Những cống hiến, đóng góp của ông trong giai đoạn rất quan trọng đó hiện nay vẫn là tiền đề để cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và phát triển" - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, hội thảo là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với ông Lê Văn Lương - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, suốt đời gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng.

"Trong bối cảnh hiện nay, hội thảo càng có ý nghĩa thiết thực, góp phần bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ để tiếp nối, phát huy những thành quả cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và các thế hệ tiền bối cách mạng đã dày công xây dựng để chúng ta góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc" - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh./.

Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/dong-chi-le-van-luong-nguoi-cong-san-kien-trung-nha-lanh-dao-tai-nang-cua-dang-post933100.vov

Tin liên quan