Dự báo rút bảo hiểm xã hội tăng sau cắt giảm lao động

Chuyên gia dự báo số người rút bảo hiểm xã hội một lần sau cắt giảm lao động tăng mạnh, đặc biệt ở nhóm lớn tuổi, số năm đóng bảo hiểm cao.

Ba năm trước, chị Nguyễn Lệ Chi là một trong hơn 2.800 công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) bị cắt giảm do nhà máy thiếu đơn hàng. Với thâm niên 11 năm, chị được doanh nghiệp hỗ trợ 78 triệu đồng.

Mất việc khi Covid-19 lan rộng, tuyển dụng hạn chế, người mẹ đơn thân quyết định về Cần Đước (Long An) buôn áo quần cũ. Tuy nhiên, do không kinh nghiệm, chị mất gần 30 triệu đồng tiền vốn sau hai tháng tập tành kinh doanh. Chi phí nuôi con nhỏ, cha mẹ già, không có việc làm khiến số tiền hỗ trợ của công ty nhanh chóng tiêu tan.

Hết tiền giữa lúc dịch bùng phát khiến nữ công nhân luôn trong trạng thái lo lắng. Tháng 9/2021, khi vừa nhận xong 11 tháng trợ cấp thất nghiệp, chị quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần để có một khoản phòng thân. Với 100 triệu đồng nhận được, chị sắm vàng để dành.

Nữ công nhân nói cả nhóm gần 20 người nghỉ cùng đợt ở Pou Yuen đều rút bảo hiểm bởi cùng suy nghĩ "tiền về túi mình mới chắc". Hiện, chị đã tìm được việc ở một công ty thực phẩm gần nhà, lương cơ bản gần 4 triệu đồng. "Lương không đủ tiêu. Hai cây vàng để dành chắc cũng sắp lấy ra xài", người mẹ hai con nói.

Rút bảo hiểm sau một năm mất việc cũng là kế hoạch của chị Tạ Thị Quá, công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân). Chị Quá nằm trong số hơn 1.200 lao động bị cắt giảm cuối năm ngoái do công ty hết đơn hàng. Ở tuổi 44, chị không thể tìm được việc làm mới, đặc biệt khi nhu cầu tuyển dụng giảm sâu.

"Tôi cùng 6 người đi phỏng vấn vào công ty nhựa. Sau 5 người được gọi đi làm, họ chừa tôi với một chị 40 tuổi ra", chị Quá kể lại lần tìm việc gần nhất vào một nhà máy sản xuất ở Bình Tân. Nhiều lần thất bại khi xin việc, chị nghĩ bản thân khó quay lại nhà máy để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chờ nhận lương hưu.

Nữ công nhân nói rằng ngoài khó tìm việc, lý do khiến rút bảo hiểm là lo lắng chính sách thay đổi sẽ khiến mình thiệt thòi, chờ không nổi tuổi hưu và "lỡ chết là mất hết".

Chị Quá, chị Chi là những lao động đã và sẽ chọn rút bảo hiểm xã hội một lần ngay khi có cơ hội, tức đáp ứng điều kiện sau một năm nghỉ mà chưa tìm được việc làm mới. Theo khảo sát hơn 1.300 công nhân của Liên đoàn lao động TP HCM cuối năm 2021 về lựa chọn rút "một cục" sau khi mất việc, tỷ lệ nhận chiếm hơn 62%, chỉ 19% nói "không" và gần 19% trả lời "chưa biết".

Lý do chọn rút bảo hiểm được công nhân đưa ra là có một khoản tiền lo cho gia đình, nhận trợ cấp một lần lợi hơn là chờ lương hưu, không tin tưởng vào chính sách hưởng sau này và không thể tiếp tục đóng.

Tương tự, một khảo sát về lao động di cư bị tác động bởi Covid-19 vào cuối năm ngoái của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội cho kết quả trong 1.200 lao động được hỏi, hơn 50% có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc. Hơn 44% cho biết sẽ dùng số tiền cho chi tiêu trong gia đình.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội cho biết có ba yếu tố để đánh giá xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần sắp tới là tình trạng công việc, khả năng cầm cự của người lao động và mức độ tin cậy vào hệ thống bảo hiểm. "Thời gian sắp tới hội đủ cả ba yếu tố này nên khả năng làn sóng rút bảo hiểm sẽ rất dữ dội", ông Lộc cho biết.

Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM Trần Dũng Hà nói nhìn vào số người rút bảo hiểm có thể thấy được tình hình kinh tế một năm trước đó. Ví dụ, nửa đầu năm ngoái kinh tế phục hồi tốt, số người mất việc ít nên đầu năm nay số người nhận trợ cấp cũng thấp. Ngược lại vào năm 2020-2021 khi dịch bắt đầu lan rộng, nhiều công ty chấm dứt hợp đồng với lao động khiến số người nhận bảo hiểm ở cùng kỳ năm sau tăng theo.

Ông Hà cho hay nửa cuối năm ngoái nhiều công ty bắt đầu giảm đơn hàng, cắt giảm lao động. Những trường hợp này sẽ đủ điều kiện rút bảo hiểm từ nửa cuối năm nay. Số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, năm ngoái số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp gần 160.000 người, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt con số này tăng mạnh ở nửa cuối năm. Nếu thị trường vẫn thiếu việc làm, đặc biệt ở nhóm sản xuất, chi phí sinh hoạt cao... người nhận trợ cấp một lần sẽ tăng.

Nhiều năm phụ trách lĩnh vực chi trả chế độ cho lao động, ông Nguyễn Đăng Tiến, nguyên Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, nói kinh tế suy giảm, mất việc tăng cao, rất khó để ngăn tình trạng người nhận trợ cấp một lần. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn có cách để giảm nhẹ làn sóng rút bảo hiểm, giữ công nhân ở lại lưới an sinh.

Theo ông Tiến, việc đầu tiên chính quyền phải thay đổi cách thức thông tin liên quan trợ cấp đến nhóm dễ rời lưới an sinh nhất. Ví dụ những lao động bị cắt giảm, thời điểm tuyên truyền là lúc họ vừa nhận quyết định nghỉ việc hoặc những lần đến đăng ký trợ cấp thất nghiệp.

Ông Tiến chỉ ra thực tế nhiều công nhân luôn mặc định trong đầu nếu không rút bảo hiểm bây giờ sau này "chết là hết tiền". Tuy nhiên, trong hàng triệu người lĩnh lương hưu, số người nhận vài tháng hưu trí rồi qua đời rất hy hữu. Trường hợp không may xảy ra, nếu con cái của người đóng bảo hiểm dưới 18 tuổi, cha mẹ già không lương hưu sẽ được nhận trợ cấp từ quỹ bảo hiểm xã hội, tức thay mình lo cho gia đình.

Ngoài ra, nhiều công nhân mất việc muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm nhưng không có điều kiện. Hiện, ngành bảo hiểm có các chương trình vận động các nguồn xã hội hóa giúp lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện. Nguyên lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP HCM cho rằng tập trung hỗ trợ kinh phí cho nhóm này, sau đó phối hợp các ngành chức năng đưa họ quay lại thị trường lao động với các công việc phù hợp hoặc giới thiệu các quỹ trợ vốn, giúp mưu sinh. Các giải pháp tổng thể, đa dạng sẽ phần nào giữ được lao động ở lại lưới an sinh.

Nguồn: VnExpress

Tin liên quan