Kinh tế - trụ cột hàng đầu trong quan hệ hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc

Lãnh đạo các Tập đoàn Hàn Quốc đều khẳng định tin tưởng vào nền tảng kinh tế vĩ mô dài hạn của Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn, ổn định, cam kết mở rộng đầu tư và kinh doanh lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội dự tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 12-15/12/2021 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang Hàn Quốc sau hai năm do tác động của đại dịch COVID-19, tiếp tục làm sâu sắc và tạo xung lực mới thúc đẩy Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc, hướng đến kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2022).

Hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm Hàn Quốc tập trung vào các nội dung xúc tiến đầu tư, kinh tế. Hoạt động đầu tiên ngay khi đến Hàn Quốc và hoạt động cuối cùng trước khi lên máy bay đều là nội dung tiếp xúc doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác kinh tế, góp phần vào thành công chung của chuyến thăm Hàn Quốc lần này. Đồng thời, khẳng định kinh tế luôn là trụ cột quan trọng hàng đầu trong quan hệ hợp tác song phương vốn đang phát triển hết sức tốt đẹp thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có 13 buổi tiếp xúc con thoi với Lãnh đạo các Tập đoàn, nhà đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc (Samsung Electronics, SK, Lotte, Hyosung, Hanwha, Ngân hàng KDB, Ngân hàng Hana, Amkor Technology, Daewoo E&C, GS E&C, Hanwha Energy...).

Tại các buổi tiếp, Lãnh đạo các Tập đoàn Hàn Quốc đều khẳng định tin tưởng vào nền tảng kinh tế vĩ mô dài hạn của Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn, ổn định, cam kết mở rộng đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Trong đó, có các lĩnh vực kinh tế xanh, công nghệ cao như bán dẫn, hydrogen, nhiệt điện khí LNG, R&D, vật liệu mới, chuyển đổi số, ngân hàng số, fintech...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Pyeong Seug đã đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI), Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào chiều ngày 13/12/2021. Sự kiến thu hút hơn 600 đại biểu, doanh nghiệp hai nước tham dự.

Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội đã chứng kiến việc ký và trao 27 giấy chứng nhận, các thỏa thuận đầu tư giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước với giá trị gần 10 tỷ USD, hứa hẹn sẽ thổi luồng sinh khí mới cho hoạt động đầu tư, giao thương giữa hai nước trong bối cảnh mới. Hai nước đang hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào 2030.

Đặc biệt, Tập đoàn Amkor Technology được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án nhà máy lắp và thử nghiệm vật liệu thiết bị bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong 2, tỉnh Bắc Ninh. Đây là dự án có quy mô lớn đầu tiên ở miền Bắc trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Với mức đầu tư lên đến 1,6 tỷ USD, dự án quan trọng này sẽ là động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung trong những năm tiếp theo; từ đó, tạo điều kiện thu hút thêm các nhà đầu tư lớn khác tham gia nhằm hoàn thiện hệ sinh thái trong lĩnh vực tiềm năng và quan trọng này.

Tổng giám đốc tập đoàn Amkor Technology Ji Jong-rip cho biết: “Chúng tôi cho rằng Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng vì có nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng phát triển, con người Việt Nam thông minh, cần cù và chăm chỉ. Chính phủ Việt Nam có sự hỗ trợ nhiệt tình cho doanh nghiệp. Đó chính là những lý do chúng tôi chọn Việt Nam là điểm đến lần này.”

Ông Ji Jong-rip cho biết để phát triển lĩnh vực bán dẫn thành công, đòi hỏi rất nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng, hậu cần, nguồn nhân lực... Vì thế, tập đoàn rất mong được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp để dự án này có thể sớm khởi công và đi vào hoạt động sản xuất khoảng cuối năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Amkor Technology Ji Jong-rip. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn TTXVN tại thủ đô Seoul, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết: Tập đoàn Amkor Technology đầu tư vào Bắc Ninh với tổng giá trị là 1,6 tỷ USD, sản xuất linh kiện bán dẫn và đây là nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh. Đây cũng là nhà máy mà tập đoàn Amkor rất kỳ vọng là có thể mở rộng thành cơ sở đứng đầu Đông Nam Á của hãng. Chúng tôi đã tận dụng tối đa để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, xin cơ chế đặc thù của chính phủ để đón tiếp, cam kết ưu đãi đầu tư về hạ tầng, giảm thời gian làm các thủ tục hành chính xuống chỉ còn 1/3 thời gian thông thường.

Chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra một động lực mới trong sự phát triển công nghệ sản xuất bán dẫn, công nghệ điện tử trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Về các nhà đầu tư Hàn Quốc thì chúng tôi đánh giá đây là các nhà đầu tư rất có tiềm lực, có công nghệ rất cao, có suất vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường và là công nghệ hiện đại.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã chủ trì buổi Đối thoại bàn tròn với Lãnh đạo 15 Tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc. Sự kiện có sự tham gia của cả 5 Tập đoàn tài chính tư nhân lớn nhất Hàn Quốc, gồm KD, Shinhan, Hana, Woori và Nonghyup và các Tập đoàn công nghiệp hàng đầu như LG, Hyundai, Seoul Semiconductor, Hanwha, Posco, CJ, KSEO, Doosan.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đều tin tưởng Việt Nam sẽ sớm vượt qua những khó khăn tạm thời do tác động của đại dịch. Tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội và các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ đã trực tiếp trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp Hàn Quốc về các định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới, các ưu tiên của Quốc hội Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung các luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới và hoàn thiện thể chế cho các lĩnh vực mới của nền kinh tế số; Các doanh nghiệp Hàn Quốc kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, khó khăn trong vấn đề đi lại, thông thương, đồng thời thể hiện sự quan tâm đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng, xe điện, M&A, tài chình-ngân hàng, vật liệu.

Bên lề các hoạt động chính thức của Chủ tịch Quốc hội, hoạt động xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành và địa phương cũng diễn ra hết sức sôi nổi và thực chất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế làm việc với Công ty SK Bioscience về hợp tác trong lĩnh vực vaccine, sinh dược; Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK) và một số quỹ đầu tư Hàn Quốc; Tỉnh Hải Dương làm việc với công ty Daewoo E&C; Tỉnh Thái Bình tổ chức Diễn đầu Xúc tiến đầu tư, thương mại theo hình thức trực tuyến và trực tiếp và làm việc với một số đối tác như LG, Jinro; Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh làm việc với công ty bán dẫn Amkor Technology; Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang làm việc với công ty bán dẫn Hanamicron và công ty Seojin Systems...

Các cuộc tiếp xúc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội và các Bộ, ngành với lãnh đạo các Tập đoàn, Hiệp hội doanh nghiệp, Quỹ đầu tư của Hàn Quốc cho thấy sự quan tâm, tin tưởng và có nhiều tín hiệu tích cực thúc đẩy đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, khẳng định dư địa hợp tác song phương còn rất phong phú. Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, xây dựng môi trường đầu tư theo các tiêu chuẩn quốc tế, thân thiện với nhà đầu tư. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng hợp tác đầu tư hơn nữa tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, hạ tầng, kinh tế xanh, năng lượng sạch, CNTT, khởi nghiệp (startups)... Kết quả chuyến công tác này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, hướng đến mục tiêu nâng tầm Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) Huh Chang-soo cho biết mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia diễn đàn doanh nghiệp tại Seoul cho thấy doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm đến Việt Nam. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư Hàn Quốc. Đã có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam và xu thế này sẽ còn tăng. Có một số nhà đầu tư Hàn Quốc đang lo ngại về giá nhân công ở Việt Nam tăng cao.

Hiện nhiều nhà đầu tư chế xuất ở Trung Quốc đang có xu hướng di chuyển dây chuyền sản xuất. Chính phủ Việt Nam nên quan tâm và nếu Việt Nam dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp thì chiều hướng họ di chuyển sang Việt Nam là điều tất yếu./.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/kinh-te-tru-cot-hang-dau-trong-quan-he-hop-tac-viet-nam-va-han-quoc/761441.vnp

Tin liên quan