Ba năm trước, quận Phú Nhuận lên kế hoạch mở rộng đoạn đường Trương Quốc Dung dài hơn 150 m từ 4 m lên 8 m với tổng vốn 73 tỷ đồng. Đến nay sau nhiều lần vận động, 47 trong tổng số 51 hộ dân đồng ý nhận tạm ứng đền bù, tháo dỡ nhà để bàn giao đất. Hiện, phần lớn mặt bằng đã có nhưng công trình chưa thể thi công vì chờ thủ tục điều chỉnh dự án.
"Người dân đã chấp nhận di dời mà nhiều tháng qua dự án không động tĩnh. Nút cổ chai trên đoạn đường này chưa được tháo dỡ nên tuyến vẫn thường ùn tắc, đi lại khó khăn", bà Lê Thị Diệu, 78 tuổi, nhà ở khu vực nói.
Dự án mở rộng đường Trương Quốc Dung gặp vướng mắc sau khi TP HCM thực hiện chính quyền đô thị (tháng 7/2021) theo Nghị quyết 131. Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng cho biết trước đây các dự án cải tạo hẻm chừng vài trăm triệu đến vài tỷ đồng thuộc thẩm quyền của quận. Giờ đây với quy định mới, địa phương phải gửi hồ sơ qua sở chuyên ngành thẩm định, sau đó trình UBND thành phố xem xét, báo cáo HĐND thông qua.
Chính vì vướng mắc thẩm quyền phê duyệt, Phú Nhuận hiện có một số đường, hẻm cần mở rộng nhưng quận không thể tự thực hiện như: hẻm 694 Nguyễn Kiệm, hẻm 247 Hoàng Hoa Thám, hẻm 120/29 Thích Quảng Đức... Các hẻm nhỏ hẹp vừa ảnh hưởng cuộc sống người dân, vừa gây khó cho xe chữa cháy, cứu thương chạy vào khi xảy ra sự cố.
Tương tự, Phó chủ tịch UBND quận 6 Huỳnh Minh Hùng cho biết nhu cầu đầu tư phát sinh ở địa bàn rất lớn nhưng đang gặp vướng về nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị trong lĩnh vực đầu tư công. Theo ông, quận đang có nhu cầu đầu tư nhiều dự án quy mô nhỏ với tổng vốn dưới 5 tỷ đồng, thậm chí không tới 500 triệu đồng, song gặp khó vì vướng thủ tục.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, chính quyền thành phố đã chấp thuận bố trí ngân sách cho 22 dự án trước đây dùng nguồn vốn của quận, nhưng địa phương không thể chủ động quyết định phê duyệt mà phải chờ UBND thành phố. Quy trình này làm quận mất chủ động, không kịp bố trí vốn cho các dự án dân sinh cấp bách.
Tại buổi giám sát của HĐND TP HCM về thực hiện dự án đầu tư công diễn ra mới đây, một số ý kiến cho rằng quy định như trên không chỉ gây khó cho đầu tư hạ tầng dưới cơ sở mà còn tạo áp lực cho đơn vị phê duyệt. Đơn cử, bộ phận thẩm duyệt hồ sơ ở Sở Giao thông Vận tải với khoảng 20 người đã quá tải với hàng trăm dự án lớn cấp thành phố, nay sẽ thêm khó khăn khi thẩm định nhiều dự án mở rộng, nâng cấp hẻm có giá trị nhỏ ở quận đưa lên.
Trước những vướng mắc như trên, Chủ tịch quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng đề xuất thành phố nghiên cứu bố trí nguồn vốn chi đầu tư phát triển hàng năm cho các quận. Bởi việc không có nguồn để chủ động chi đầu tư phát triển ngoài ảnh hưởng sự phát triển của mỗi quận còn tác động tới thành quả kinh tế xã hội các địa phương tích lũy từ trước.
Về phía sở ngành, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Phan Công Bằng cho biết sở đã đề xuất ủy quyền các quận thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp hẻm, vỉa hè quy trình như trước đây. Việc này tạo thuận lợi cho địa phương khi làm dự án và giảm áp lực cho bộ phận thẩm duyệt hồ sơ của sở.
Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, UBND TP HCM đề xuất chuyển chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn qua lại giữa các sở, ngành hoặc từ các sở xuống phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện. Nếu được thông qua, các sở chuyên ngành sẽ giảm áp lực thẩm duyệt dự án.
Chính quyền thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu điều chỉnh Quyết định 19/2021 (nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các dự án đầu tư công) theo hướng HĐND TP HCM ủy quyền cho UBND thành phố thông qua chủ trương đầu tư dự án nhóm C (tổng mức đầu tư dưới 80 tỷ đồng) để rút ngắn quy trình.
Nguồn: VnExpress