Nỉ non tiếng hát xẩm giữa vùng đất cổ Hoằng Hóa

Trong ký ức của người thị thành xưa, hát xẩm thường gắn liền với mưu sinh nhọc nhằn, vất vả của những thân phận yếu thế, nghèo khổ trong xã hội. Tiếng hát ấy, khi thì réo rắt nơi mom sông, bến nước; khi thì nỉ non nơi góc chợ, đầu đình hay trên hè phố. Có lẽ bởi vậy, mỗi một làn điệu xẩm là đại diện cho tiếng nói của nhân tình thế thái, là những câu chuyện đời rất chung và cũng rất riêng gắn liền với đời sống nhân dân. Những làn điệu xẩm phổ biến, được nhiều người yêu mến như: Xẩm Thập ân, xẩm anh Khóa, xẩm Quê choa, xẩm Huê tình, xẩm Hà liễu, xẩm Ba bậc, xẩm Trống quân, xẩm Hò khoan... đều răn dạy chúng ta nhiều đạo lý, lẽ sống trên đời. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, cũng như nhiều giá trị văn hóa truyền thống khác, tiếng hát xẩm ngày càng trở nên lạc lõng, lu mờ giữa nhịp sống hối hả, xô bồ. Hát xẩm đang dần bị quên lãng và đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền vì không có thế hệ kế thừa. Chính thực tế đau lòng ấy đã trở thành nguồn động lực để nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Hương, nghệ danh Thiên Hương - người con của quê hương Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) đi đến quyết định thành lập nhóm xẩm mang tên: “Hương đồng nội xứ Thanh”. Trải lòng mình về quyết định có phần táo bạo ấy, chị Hương kể: “Tôi đến với xẩm khá muộn, muộn hơn nhiều quãng thời gian tôi gắn bó và gặt hái được những thành công nhất định với nghệ thuật chèo và nghệ thuật ca trù. Nói theo cách khác, việc tôi đến với nghệ thuật hát xẩm tựa hồ là cơ duyên, định mệnh không ai có thể cưỡng cầu hay chối từ”.

Giữa những cơ duyên tốt lành ấy, chị Hương nhắc nhiều đến cội nguồn quê hương và người thầy mà chị hết mực kính trọng – NNƯT Tô Quốc Phương - người hát xẩm có tiếng của đất Hoằng Phượng nói riêng, cả nước nói chung. Chị giãi bày: “Nếu cội nguồn văn hóa của làng Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng là dòng sữa ngọt lành tưới tắm, nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ trong tôi ngày một lớn khôn thì thầy Tô Quốc Phương chính là nhịp cầu đưa tôi đến gần và gắn bó với nghệ thuật hát xẩm”. Chính cách cụ sống và nỗ lực cống hiến hết mình cho niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này đã truyền cho tôi nhiệt huyết, can đảm dấn thân, phấn đấu bứt mình ra khỏi những giới hạn, tự làm mới mình. NNƯT Tô Quốc Phương là người đã dạy dỗ, uốn nắn cho chị Hương từng giai điệu, lối hát xẩm. Chị Hương ngậm ngùi: “Con người, tính cách của thầy Phương như thế nào thì cách thầy hát xẩm cũng mộc mạc, dân dã mà sâu lắng, mượt mà như vậy. Chỉ tiếc một điều rằng, cùng với sự chảy trôi của thời gian, những tinh hoa cuối cùng của nghệ thuật hát xẩm như: NNƯT Hà Thị Cầu, NNƯT Tô Quốc Phương... người thì đã về với cát bụi, người thì cũng đã không còn đủ tinh anh, minh mẫn để tiếp tục cống hiến, lưu giữ và phát triển nghề. Trong khi đó, phần lớn thế hệ trẻ ngày nay thì vẫn còn thờ ơ, lạnh nhạt với những bộ môn nghệ thuật truyền thống, dân gian lắm”.

Chính bởi sự thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ kế cận thực sự có tâm huyết, niềm đam mê, đặc biệt là thế hệ trẻ đã khiến chị Hương gặp rất nhiều khó khăn, thử thách trong quá trình theo đuổi bộ môn nghệ thuật hát xẩm. Tuy nhiên, với niềm đam mê, nỗ lực phấn đấu, chị Hương kiên trì “bước từng bước một”, không nản lòng cũng không quá vội vã. Chị cho biết: “Trước khi tận tâm theo đuổi nghệ thuật hát xẩm, tôi đã gặt hái được những thành công nhất định ở nghệ thuật chèo và ca trù. Khi ấy, tôi đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật Chèo làng Vĩnh Gia. Tuy nhiên, dù công việc có bận bịu, vất vả đến đâu, tôi cũng luôn dành thời gian, tâm ý để tìm hiểu, học hỏi, tập luyện hát xẩm”.

Cùng với việc không ngừng học hỏi, rèn luyện, chị Hương còn tích cực, chủ động kết nối, dụng công đưa nghệ thuật hát xẩm đến gần hơn với sân khấu và khán giả. Với mỗi chương trình, tiết mục biểu diễn cá nhân, chị đều cố gắng lồng ghép vào đó những làn điệu xẩm với mục đích giúp người nghe có thể tiếp cận, gần gũi, hiểu và yêu mến giá trị nghệ thuật, nhân văn sâu sắc trong từng thanh âm, làn điệu mộc mạc, thân tình ấy. Bên cạnh đó, chị Hương còn dành nhiều thời gian, tâm huyết rong ruổi khắp các nẻo đường nhằm tìm kiếm những nhân tố có niềm yêu thích với hát xẩm nhằm tạo nên sự giao lưu, kết nối, trao đổi kinh nghiệm và bồi dưỡng, đào tạo thí sinh cho nhiều cuộc thi. Hơn thế, chị Hương trực tiếp liên hệ với nhiều giáo viên dạy nhạc ở các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trao đổi và động viên họ tạo điều kiện lồng ghép những bộ môn âm nhạc dân gian, truyền thống của dân tộc như: Ca trù, hát xẩm, chầu văn, chèo vào chương trình giảng dạy. Chị cứ đi, cứ diễn một cách say sưa và nhiệt tình như thế, chẳng màng về những gánh nặng kinh tế, hao mòn thể lực hay những phút chạnh lòng về nhân tình thế thái. Sau nhiều năm cống hiến trong âm thầm, lặng lẽ, năm 2018, chị Hương được mời tham gia vào nhóm Xẩm Hà Thành. Từ đây, hành trình bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát xẩm của chị Hương vơi bớt đi phần nào sự cô đơn khi có được sự chung tay, góp sức, đồng lòng bởi những người cùng chung chí hướng. Điều đó đã trở thành nguồn động lực, thôi thúc chị đi đến quyết định táo bạo. Năm 2019, chị Hương giao lại vị trí Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật Chèo làng Vĩnh Gia (xã Hoằng Phượng) cho đội ngũ kế cận, mạnh dạn thành lập nhóm xẩm “Hương đồng nội xứ Thanh”. Ngay sau khi nhóm xẩm ra đời, chị Hương kêu gọi những người bạn, đồng nghiệp trong hoạt động nghệ thuật hát xẩm về giảng dạy miễn phí. Lớp học được tổ chức ngay tại nhà của chị Hương, trong niềm vui mừng, hứng khởi của cả người học và người dạy. Cùng với sự lớn mạnh của nghệ thuật chèo, ca trù, bức tranh văn hóa – nghệ thuật của xã Hoằng Phượng nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung lại hòa thêm tiếng hát xẩm.

Tuy số lượng thành viên tham gia nhóm xẩm còn hạn chế nhưng với tinh thần “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, thầy và trò nơi đây vẫn say sưa dạy và học, luyện tập không ngừng nghỉ. Quả thật, nghề không phụ người có tâm, cuối năm 2019, nhóm xẩm Hương đồng nội xứ Thanh tham gia Liên hoan hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc – Ninh Bình năm 2019 do tỉnh Ninh Bình tổ chức và giành được những thành công ngoài mong đợi. Trong đó, em Nguyễn Thị Trang Nhung, tuy mới theo học xẩm đã xuất sắc đạt giải B. Chị Hương chia sẻ trong niềm vui xen chút niềm tự hào, xúc động: “Khi đăng ký cho nhóm xẩm Hương đồng nội xứ Thanh tham dự liên hoan, chúng tôi đã xác định rất rõ tinh thần giao lưu, học hỏi là chính. Bởi lẽ, thời điểm đó, thời gian hoạt động của nhóm chưa nhiều, mọi thứ còn bỡ ngỡ. Nhưng có lẽ, chính niềm đam mê, hăng hái luyện tập, cống hiến của các thành viên trong nhóm và sự dẫn dắt tận tình của các nghệ nhân đã góp phần tạo nên tiết mục biểu diễn hay, thuyết phục ban giám khảo”. Thông qua sự kiện này, nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, thành viên các CLB, nhóm hát ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có điều kiện giao lưu, gặp gỡ, nhân lên tình yêu mến với bộ môn nghệ thuật hát xẩm. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục hoạt động năng nổ, nhiệt huyết hơn nữa nhằm lan tỏa tình yêu hát xẩm đến với đông đảo quần chúng nhân dân.

Tự ví mình giống như một người đang lội ngược dòng, chị Hương biết con đường bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát xẩm mà chị đã, đang và tiếp tục bước đi vẫn còn đó đầy rẫy những khó khăn, thử thách. Nhưng chị Hương vẫn nhất mực tin rằng: “Cứ đi rồi sẽ tới”. Bằng tình yêu, nỗ lực cống hiến, chị Hương hy vọng sẽ ngày càng có thêm nhiều người yêu mến, tìm hiểu về hát xẩm hơn nữa để cùng chị gắn bó và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của “món ăn” dân dã, mộc mạc này.


Nguồn: Báo Thanh Hóa

Tin liên quan