Theo đó, tác phẩm về hình tượng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (tác giả: Lê Thế Song; đạo diễn: NSND Tự Long) được dàn dựng trong vòng 2 tháng, với sự tham gia của gần 100 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công mà nòng cốt là các nghệ sĩ Đoàn 1 của Nhà hát.
Vở diễn là những lát cắt về cuộc đời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ từ khi tham gia cách mạng đến khi bị địch giam cầm và hy sinh. Với thể loại chính kịch và khắc họa chân dung nhân vật lịch sử, đạo diễn đã chọn cách thể hiện mộc mạc, kết cấu vở diễn lần lượt các màn, bắt đầu từ khi Nguyễn Văn Cừ là học sinh trường Bưởi, đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, nhận ra bản chất kẻ thù của dân tộc là thực dân xâm lược và dám đứng lên đấu tranh, chống lại áp bức, bất công.
Tiếp sau đó là các màn: Nguyễn Văn Cừ bỏ học về Bắc Ninh tiếp tục gây dựng phong trào cách mạng ở quê nhà, tuyên truyền và đưa hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội phát triển rộng khắp các làng quan họ; Bị địch truy lùng ráo riết, dưới sự che chở, đùm bọc của đồng bào, đồng chí thoát khỏi lưới giăng bủa vây của quân thù và đến Quảng Ninh tiếp tục gây dựng phong trào cách mạng tại các khu mỏ.
Với sự dẫn dắt của Nguyễn Văn Cừ, hàng loạt cuộc đình công, bãi khóa yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập của thợ mỏ ở Hòn Gai được diễn ra. Do trong tổ chức có kẻ phản bội, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt và giam tại nhà tù Côn Đảo. Trong cảnh lao tù, Nguyễn Văn Cừ vẫn cùng các đồng chí khác tiếp tục đấu tranh, không nao núng tinh thần cho tới khi hy sinh...
Chia sẻ về vở diễn, đạo diễn, NSND Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội bày tỏ, chúng tôi phải chia vở diễn thành ba giai đoạn. Phần đầu “Tiếng hát quê hương” là âm hưởng của gia đình, của vùng đất quê Kinh Bắc đã hun đúc nên một con người như vậy. Chúng tôi đã tận dụng miền quê đó với những làn điệu dân ca quan họ kết hợp với chèo để làm cho vở diễn ngọt ngào hơn.
Hai phần đầu gắn với quê hương Bắc Ninh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cũng vì thế mà mềm mại, nhẹ nhàng hơn. Đến phần hoạt động của cố Tổng Bí thư ở mỏ, giai đoạn này có sự hun đúc, có những hoạt động thực tiễn của đồng chí đối với công nhân… Không những vậy, vở diễn cũng đề cập đến những câu nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ liên quan đến việc tự chỉnh đốn mình.
NSND Tự Long cho biết, những tư liệu về những bài học tự chỉnh đốn mình như trong vở diễn có nhiều trong cuộc sống, nhưng phải chắt lọc sao cho giảm bớt sự khô. Toàn bộ những lời nói trích dẫn trong vở của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đều được ê kíp thực hiện nghiên cứu rất kỹ lưỡng. “Cụ là người đi tuyên truyền, phải làm toát lên tinh thần của cụ. Phải dùng những ngôn từ cực kỳ sắc bén và ngắn gọn như của cụ mới lột tả được hình tượng con người cụ, đó cũng là cái khó của những người dựng vở”- NSND Tự Long nói.
“Nguyễn Văn Cừ - Tuổi trẻ chí lớn” là một vở diễn hay ra đời đúng vào dịp chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vở diễn đề cập tới tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng. Qua vở diễn, khán giả có thêm những hiểu biết về cống hiến to lớn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.