Ra trường sớm, lợi thế nhiều, áp lực cũng không kém

Tốt nghiệp sớm có thể mang lại lợi thế cho sinh viên. Tuy nhiên, việc học dồn để ra trường và đi làm toàn thời gian sớm khiến nhiều người áp lực, khủng hoảng.

Nếu không chuẩn bị tốt, việc ra trường và đi làm toàn thời gian sớm có thể tạo nhiều áp lực. Ảnh minh họa: Wall Street Journal.

Ngay từ năm nhất, Viết Trường (23 tuổi, cử nhân ngành Kinh tế Quốc tế, ĐH Ngoại thương) được nghe nhiều câu chuyện về sinh viên khóa trước ra trường sớm. Tâm lý “bằng bạn, bằng bè” trở thành động lực để Trường lên kế hoạch tốt nghiệp sớm, nhanh chóng bước chân vào thị trường lao động.

Không có tâm lý đó nhưng Hải Bình (22 tuổi, cử nhân ngành Quan hệ công chúng, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận thấy lịch học nhà trường sắp xếp không quá căng thẳng, còn trống nhiều thời gian, bản thân hoàn toàn có thể ra trường sớm nếu có kế hoạch tốt. Vì vậy, mỗi kỳ, Bình đều đăng ký học 24-26 tín chỉ, thay vì 15-20 tín như các bạn cùng lớp.

Cả Trường và Bình đều hoàn thành chương trình học trong vòng 3 năm. Trường cho biết đi làm sớm, cậu có lợi thế khi được công ty tạo điều kiện thử sức ở nhiều vị trí. Từ đó, cậu có kinh nghiệm làm việc đa dạng cũng như sớm biết mình phù hợp với công việc gì.

Chính vì vậy, tháng 6/2022, khi các bạn cùng khóa đang dần ổn định công việc, với kinh nghiệm đã có, Trường tự tin nghỉ công việc văn phòng để khởi nghiệp.

Trong khi đó, có kinh nghiệm đi làm thêm đúng ngành khi còn đi học, Hải Bình tìm được công việc phù hợp ngay sau khi thực tập xong và duy trì đến hiện tại.

Với ưu thế ra trường sớm, cậu có nhiều hơn các bạn cùng khóa một năm kinh nghiệm. Đồng thời, việc đi làm sớm giúp cậu có đủ tài chính để phục vụ và đầu tư ngược lại cho bản thân như mua các khóa học bổ trợ, đầu tư trang thiết bị phục vụ công việc.

Có nhiều lợi thế, tuy nhiên, cả 2 người trẻ trên đều khẳng định việc đốt cháy giai đoạn để ra trường và đi làm toàn thời gian sớm gặp không ít áp lực.

Việc đăng ký học quá nhiều môn trong một học kỳ đôi khi khiến Trường mệt mỏi, dễ rơi vào khủng hoảng. Ảnh: NVCC.

Stress, khủng hoảng khi học quá nhiều

Áp lực đồng trang lứa khi xung quanh là nhiều sinh viên giỏi, đa tài, Trường đặt ra mục tiêu hoàn thành chương trình học sớm nhưng cần đảm bảo kết quả học tập tốt, đồng thời sắp xếp thời gian đi làm thêm và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.

Tuy nhiên, việc đăng ký học quá nhiều môn trong một học kỳ đôi khi khiến Trường mệt mỏi, dễ rơi vào khủng hoảng, stress nếu không cân bằng tốt.

“Để đốt cháy giai đoạn, mỗi kỳ học, mình đăng ký trung bình 7-8 môn, có kỳ nhiều nhất 12 môn. Lúc đó, cả tuần không có buổi trống, chỉ tranh thủ đi làm thêm buổi tối, thậm chí cả ban đêm. Có lúc, mình quá tải với việc học tập, thi cử và làm thêm bên ngoài. Thỉnh thoảng, mình phải xin đi muộn hoặc xin vắng mặt 1-2 buổi học vì quá mệt”, Trường nói.

Theo Trường, thời gian cậu dễ bị vỡ kế hoạch nhất là mỗi cuối kỳ thi hết học phần. Có kỳ, cậu học tới 12 môn, thay vì ôn 3-5 ngày cho thi giữa kỳ, 1-2 tuần cho bài cuối kỳ, thời gian ôn bị rút ngắn, chỉ còn 1-2 ngày cho bài giữa kỳ và 3 ngày cho bài cuối kỳ. Cuối cùng, kết quả không tệ nhưng vẫn không được như kỳ vọng.

Sau lần đó, Trường bắt đầu sắp xếp lại kế hoạch phù hợp hơn, ưu tiên cho việc học và chú ý tập trung nghe giảng trên lớp để rút ngắn thời gian ôn tập.

Theo Bình, cần chuẩn bị tốt kiến thức và kỹ năng nếu xác định đi làm toàn thời gian sớm. Ảnh: NVCC.

Áp lực tăng thu nhập

Không gặp quá nhiều khó khăn trong học tập như Trường, Hải Bình gặp một số vấn đề khi đi làm toàn thời gian. So với các bạn bằng tuổi chọn làm partime vì vướng lịch học, Bình chắc chắn phải đáp ứng yêu cầu cao hơn.

Lúc này, cậu phải làm việc với thái độ hoàn toàn nghiêm túc, mục tiêu hoàn thành tốt công việc được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, cậu không thể lấy lý do còn là sinh viên hoặc thiếu kinh nghiệm để biện minh cho những lỗi sai như trước đây.

“Mình hưởng chính sách đãi ngộ của một nhân viên chính thức. Vì vậy, mình không thể là người thiếu kinh nghiệm, kỹ năng như lúc còn là sinh viên đi làm thêm”, Bình khẳng định.

Theo Bình, không chỉ người tốt nghiệp sớm, mọi sinh viên đều phải lên kế hoạch, chuẩn bị sẵn kiến thức, kỹ năng để vượt qua áp lực khi thay đổi môi trường từ đi học sang đi làm.

Đối với Bình, ngay từ khi còn là sinh viên, dù học nhiều hơn, cậu vẫn dành thời gian đi làm thêm đúng ngành để tiếp xúc, va chạm sớm với công việc định hướng sau này. Vì vậy, cậu có sự chuẩn bị tốt, dù chưa thể quen ngay lập tức, cũng không quá bị ngợp khi bắt đầu đi làm.

Tuy nhiên, Bình cảm thấy áp lực nhiều hơn ở vấn đề phải tăng thu nhập. Nghĩ tích cực hơn, cậu cho rằng điều này không bắt nguồn từ việc tốt nghiệp sớm bởi có tốt nghiệp sớm hay muộn thì ai cũng sẽ đối diện với điều này.

Với Bình, áp lực tăng thu nhập xuất phát từ định kiến đàn ông phải có kinh tế, sự nghiệp và thành công. Bên cạnh đó, tốt nghiệp sớm cũng có thể coi là một thành tích để gia đình kỳ vọng, mong đợi vào Bình nhiều hơn. Chính vì vậy, Bình đặt ra áp lực không làm người thân thất vọng, từ đó tạo động lực cố gắng.

Để cân bằng, cậu luôn khẳng định với người nhà rằng tốt nghiệp sớm không đồng nghĩa với học giỏi. Với cậu, tốt nghiệp sớm là "hoàn thành các môn học trước thời gian quy định".

Tuy nhiên tới giờ, sau khi đi làm hơn một năm, đôi lúc Bình vẫn cảm thấy stress vì chưa tiến nhanh hơn. Bình cho rằng các bạn ra trường sau thậm chí sẽ khủng hoảng hơn.

"Để cân bằng cảm xúc, mình phải suy nghĩ tích cực hơn. Sau đó, mình lên mục tiêu và kế hoạch mới để trau dồi, rèn luyện mỗi ngày", Bình nói.

Tốt nghiệp sớm là điểm cộng

Bà Trần Ngọc Thảo, Trưởng bộ phận Phát triển Con người và Văn hóa tại một công ty ở TP.HCM, người sáng lập cộng đồng HR Talks, nhận định hiện nay, các trường đều tạo điều kiện cho sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo trước thời hạn.

Những sinh viên tốt nghiệp sớm có một số lợi thế như rút ngắn được thời gian học tập, sớm bước vào thị trường lao động và tạo ra thu nhập, đồng thời biết cách sắp xếp, sử dụng thời gian hiệu quả. Điều đó có ích trong quá trình làm việc sau này. Bên cạnh đó, việc ra trường sớm phần nào giúp giảm tỷ lệ cạnh tranh với những sinh viên cùng khóa tốt nghiệp cùng lúc.

Bà Thảo nhận định xu hướng tuyển dụng đang có dấu hiệu chậm lại, việc ra trường sớm hay không thì cơ hội đều giống nhau bởi sự cạnh tranh cung - cầu. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp sớm có thể gặp một số hạn chế như thời gian dành cho bản thân không nhiều, không cân bằng được các vấn đề sức khỏe. Việc học quá nhiều môn cùng lúc cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập, thi cử.

Ngoài ra, khi dành quá nhiều thời gian học trên trường, nếu không cân bằng tốt, sinh viên sẽ không có thời gian trau dồi ngoại ngữ hay kỹ năng mềm. Điều này có thể gây bất lợi khi đi xin việc.

“Khi phỏng vấn, ngoài kiến thức, kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề, giao tiếp của ứng viên luôn được nhà tuyển dụng đánh giá cao”, bà Thảo nói.

Dù có nhiều lợi thế kể trên, theo bà Thảo, trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, việc tìm kiếm công việc của các bạn sinh viên ra trường trong năm nay có phần "chật vật" hơn.

"Từ bây giờ cho đến quý I/2023, mặt bằng chung các công ty đang ở giai đoạn thu hẹp, chấn chỉnh và cải tổ. Vì vậy, xu hướng tuyển dụng sẽ chậm lại, việc ra trường sớm hay không thì cơ hội đều giống nhau bởi sự cạnh tranh cung - cầu. Nếu công ty có nhu cầu tuyển dụng, ứng viên phải là người có đa kỹ năng để thích ứng với tình hình", bà Thảo phân tích.

Theo bà Thảo, thông thường, nhà tuyển dụng chú trọng vào những công việc, dự án, hoạt động mà các bạn đã làm trong quá trình học tập. Cơ hội của sinh viên tốt nghiệp sớm có phần hơn những sinh viên tốt nghiệp đúng hạn hoặc ra trường muộn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

“Con đường từ gửi CV đến khi nhận việc phải trải qua nhiều thử thách. Điểm số chỉ là một phần năng lực. Tuy nhiên, việc ra trường sớm có thể là điểm cộng, thể hiện một phần năng lực của ứng viên như tính kỷ luật, chủ động, tính cầu tiến và cầu thị cao”, bà Thảo nhận định.

Nguồn: zingnews.vn

Tin liên quan