TẬP HUẤN KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG BẦU CỬ CHO NGƯỜI ỨNG CỬ ĐBQH KHÓA XV KHỐI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Toàn cảnh buổi tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho người ứng cử ĐBQH khóa XV khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tham dự hội nghị có 41 ứng cử đại biểu khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể Trung ương và địa phương.

Hội nghị trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn nhằm giúp các ứng cử viên hiểu sâu hơn về một số kỹ năng trong vận động bầu cử như: Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và một số quy định của pháp luật về vận động bầu cử. Kỹ năng vận động bầu cử của người ứng cử ĐBQH.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực để xây dựng bản chương trình hành động nếu được bầu làm ĐBQH thì cần nghiên cứu kỹ một số quy định chủ yếu của Luật Tổ chức Quốc hội như vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội; Vị trí, vai trò và quyền, trách nhiệm của ĐBQH. Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 22/5/2021). Việc vận động bầu cử được tiến hành bằng các hình thức: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực trao đổi tại buổi làm việc.

Một trong những kỹ năng vận động bầu cử của người ứng cử được quan tâm đề cập là kỹ năng giao tiếp với báo chí, truyền thông và trình bày chương trình hành động của ứng viên ĐBQH và HĐND. Để cử tri có thể hiểu rõ hơn về các hoạt động của mình, ĐBQH thường thông qua báo chí, truyền hình để báo cáo với cử tri về thực hiện chương trình hành động tranh cử, qua đó xây dựng hình ảnh của mình trước cử tri và công chúng.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến trao đổi kinh nghiệm vận động bầu cử.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho biết kỹ năng quan hệ với báo chí gồm tranh thủ cơ hội để chủ động tiếp cận báo chí, chuẩn bị thông tin đầy đủ về vấn đề đại biểu quan tâm; xác định hình ảnh công chúng mà đại biểu muốn có trên báo chí; xác định và hoàn thiện các thông điệp; tạo mối quan hệ hợp tác với báo chí; Ngoài ra, đại biểu còn có thể thường xuyên viết bài cho báo chí về những vấn đề, những đề tài mình quan tâm một cách có chiều sâu hoặc bày tỏ chính kiến theo dòng thời sự khi cần…

Tại hội nghị, các ý kiến trao đổi cũng nhận định, trên thực tế, kỹ năng xây dựng chương trình hành động và vận động bầu cử là căn cứ để cử tri đánh giá ứng cử viên, góp phần quyết định thái độ ủng hộ của cử tri đối với ứng cử viên, chương trình hành động còn là định hướng hoạt động của ứng cử viên sau khi trở thành đại biểu, từ đó đại biểu thường xuyên đối chiếu hoạt động của mình với chương trình hành động đã cam kết trước cử tri./.

Nguồn Quốc Hội

Tin liên quan