Trào lưu 'revenge shopping'

Revenge shopping được đề cập nhiều sau đại dịch vì người tiêu dùng bị 'kìm chân', không được mua sắm trong thời gian dài.

Revenge shopping /rɪˈvendʒ ˈʃɒp.ɪŋ/ (danh từ): Mua sắm trả thù, mua sắm phục thù

Định nghĩa:

Revenge shopping là việc người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền mua sắm xa xỉ vì họ cảm thấy họ từng bị "tước đi" cơ hội mua sắm hoặc những trải nghiệm tương tự. Khái niệm này được đề cập nhiều sau đại dịch Covid-19, khi cuộc sống của con người bị đảo lộn vì những đợt phong tỏa, không được ra ngoài vui chơi, mua sắm.

Ngoài revenge shopping, một khái niệm tương tự được đề cập sau đại dịch là revenge travel (du lịch phục thù). Sau đại dịch, nhiều người đua nhau đi du lịch để bù cho những ngày chỉ quanh quẩn trong nhà.

Tại Mỹ, người tiêu dùng cũng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi xu hướng mua sắm mới, họ bắt đầu mua sắm bất chấp, chi nhiều tiền hơn cho quần áo, đi du lịch và trải nghiệm dịch vụ.

Theo CNBC, người Mỹ hiện chi trung bình 314 USD/tháng cho những lần mua sắm trả thù. Năm 2021, con số này là 276 USD và 183 USD trong năm 2020.

Trung Quốc cũng ghi nhận làn sóng "mua sắm trả thù" sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tháng 4/2020, cửa hàng Hermès tại Quảng Châu, Trung Quốc thu về ít nhất 19 triệu nhân dân tệ, tương đương 2,7 triệu USD doanh thu bán hàng chỉ trong ngày đầu tiên mở bán trở lại sau đại dịch.

Ứng dụng của revenge shopping trong tiếng Anh:

- The idea of revenge shopping is that we’re seeking justice for the year the pandemic stole.

Dịch: Khái niệm mua sắm trả thù nghĩa là chúng ta tìm công lý cho năm bị đại dịch "đánh cắp".

- Revenge shopping is consumers making up for lost time with an increase in spending.

Dịch: Mua sắm trả thù nghĩa là người tiêu dùng bù đắp thời gian đã mất bằng cách tiêu tiền.

Nguồn: zingnews.vn

Tin liên quan