Triển khai gói hỗ trợ: Đừng gây khó cho dân

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề nghị, phải coi hiệu quả và tiến độ giải ngân gói hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là tiêu chí đánh giá năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, cũng như người đứng đầu địa phương.

Nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi từ gói hỗ trợ, một số địa phương đã đưa ra nhiều quy định ràng buộc, như ở Hà Nội, người dân muốn nhận tiền hỗ trợ phải có giấy xác nhận hai chiều. Quy định này có vẻ chặt chẽ, nhưng lại gây rất nhiều khó khăn cho người dân, thưa ông?

Rút kinh nghiệm từ lần trước, việc triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng đã cải tiến, loại bỏ khá nhiều thủ tục, để thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì lo tiền hỗ trợ không đúng đối tượng, để tránh gian lận, có địa phương đặt ra những quy định quá chặt chẽ, gây phiền hà, khó khăn khi thực hiện.

Việc quán triệt tinh thần chỉ thị của Thủ tướng, thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên quy trình, thủ tục như vậy rất phiền hà, nhiêu khê. Người dân phải đi lại trong điều kiện dịch bệnh như vậy là không phù hợp.

Như báo chí phản ánh ở Hà Nội, quy định phải có xác nhận hai đầu, không chỉ nơi đang làm việc, sinh sống mà còn phải có xác nhận ở quê. Việc quán triệt tinh thần chỉ thị của Thủ tướng, thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên quy trình, thủ tục như vậy rất phiền hà, nhiêu khê. Người dân phải đi lại trong điều kiện dịch bệnh như vậy là không phù hợp.

Đặc biệt, Hà Nội hiện đang thực hiện quy định giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, chỉ ra đường trong những trường hợp thật cần thiết. Ngay cả đi chợ còn phải phát phiếu đến từng hộ gia đình, kèm theo chứng minh thư mới đi được. Như vậy, việc phải có giấy xác nhận ở quê không phù hợp. Đồng thời gây chậm trễ tiến độ cứu trợ, không đạt được mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, nên cần điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Vậy theo ông, các địa phương cần quy định như thế nào cho phù hợp nhất, vừa đảm bảo hỗ trợ nhanh, kịp thời, cũng vừa không để bị trục lợi, thất thoát?

Theo tôi vẫn có nhiều cách làm cho phù hợp và hiệu quả, vừa nhanh gọn, chặt chẽ, đúng đối tượng, vừa tránh lợi dụng, thất thoát. Muốn vậy, địa phương có thể yêu cầu người lao động phải cam kết, nếu sai phạm, sau này khi kiểm tra, rà soát, phát hiện ra gian lận thì không chỉ thu hồi mà sẽ áp dụng chế tài xử phạt ở mức cao. Đi kèm với đó, phải đẩy mạnh hơn khâu hậu kiểm bằng các cơ chế, tổ chức khác nhau cả ở quê quán và nơi sinh sống. Chỉ như vậy chúng ta mới giải ngân nhanh, kịp thời, hiệu quả gói hỗ trợ cho người dân.

Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác đang thực hiện các giải pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Sức khoẻ, tính mạng của người dân được đặt lên trên hết, trước hết. Để đạt được điều đó, chúng ta đã phải hi sinh một phần mục tiêu kinh tế. Dẫn đến tình trạng người lao động mất việc làm, không có thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, lao động ngoại tỉnh đổ về các thành phố lớn, phải thuê nhà, nuôi con, gánh chịu đủ các loại chi phí nên càng bộn bề khó khăn. Việc cứu trợ có thể không nhiều, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nếu triển khai hỗ trợ đúng thời điểm cũng có ý nghĩa lớn với người lao động lúc này.

Với tính cấp thiết này, theo ông, có cần đưa ra một chế tài cụ thể nào đó cho chính cán bộ địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ này?

Rõ ràng việc làm chậm trễ gói cứu trợ không phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, bức xúc trong xã hội. Khắc phục điều này, có lẽ phải đưa ra tiêu chí cụ thể cho các địa phương. Tránh tình trạng vì sợ trách nhiệm mà quy định cứng nhắc, gây phiền hà cho người dân.

Việc làm chậm trễ gói cứu trợ không phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, bức xúc trong xã hội.

Theo tôi, cần phải giao cho địa phương chịu trách nhiệm về hai việc: không chỉ thực hiện đúng đối tượng, mà đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc triển khai nhanh, kịp thời gói hỗ trợ. Cần coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương. Đặc biệt, phải coi đó là chỉ tiêu đánh giá năng lực của người đứng đầu địa phương. Có như vậy mới đảm bảo được tính hiệu quả, kịp thời trong thực hiện chính sách.

Cảm ơn ông.

Nguồn Tienphong

Tin liên quan