Từ chối triệu đô, CEO trẻ khát vọng xây thương hiệu robot công nghiệp Made in Vietnam
Từ chối bán Công ty với sản phẩm 'cánh tay Robot' cho một công ty Hà Lan với khoản tiền 5 triệu đô la, CEO Đoàn Hồng Trung đặt kỳ vọng xây dựng được thương hiệu robot công nghiệp Made in Vietnam lớn trên thế giới.
PV Infonet đã có buổi phỏng vấn thú vị với Founder, CEO Đoàn Hồng Trung của Công ty IMWI về hành trình khởi nghiệp của chàng trai trẻ chưa từng tốt nghiệp đại học này.
- PV: Tôi khá tò mò khi biết Trung là founder của một công ty sản xuất robot mà chưa tốt nghiệp đại học dù trước đó là học sinh trường chuyên tỉnh Quảng Bình. Vì sao đang theo học ngành tự động hóa (ĐH Bách Khoa Đà Nẵng), Trung lại bất ngờ bỏ giữa chừng?.
CEO Đoàn Hồng Trung: Từ năm nhất đại học, em đã xác định mình sẽ khởi nghiệp vào năm 3 đại học. Để chuẩn bị cho điều này mỗi ngày em dành ra 16 tiếng để học các kiến thức về cơ khí, điện tử, lập trình, ngoại ngữ, thiết kế đồ họa.
Vào năm 2 đại học, em bắt đầu dạy học cho những bạn trong lớp để có thể tìm ra được người có thể đồng hành cùng mình. Sau khi thất bại trong việc kiếm người đồng hành. Em bắt đầu đi xin việc để lấy kinh nghiệm.
Đoàn Hồng Trung tham gia chương trình Shark Tank mùa thứ 5
Đến năm 4, từ kiến thức và nguồn vốn mình có được, em đã may mắn có được công việc có thể mang về rất nhiều tiền. Đó là những thời điểm em không làm gì cũng mang về thu nhập từ tiền triệu mỗi ngày, đó là giao dịch tiền ảo nhưng dựa trên một thuật toán AI mà em phát triển được. Việc này giúp em giao dịch tốt hơn. Lợi nhuận từ đó cũng mang về nhiều hơn.
Nhưng dù kiếm được nhiều tiền trong lòng em vẫn luôn trống rỗng, cảm thấy không mang lại giá trị gì cho xã hội, hơn thế nữa em cảm thấy tiền bạc không phải là thứ mình theo đuổi.
Vậy là em dừng lại, không kiếm tiền bằng cách đó cũng không tiếp tục theo học mà dùng số tiền kiếm được (hơn một tỷ đồng) để hỗ trợ cho các bạn sinh viên khác học tập và nghiên cứu cùng mình trong các dự án robot. Sau 2 năm đã tiêu tốn một số tiền rất lớn và cuối cùng em cũng đã có được những người cùng chí hướng khởi nghiệp.
- PV: Và hành trình khởi nghiệp của người không coi trọng tiền bạc hẳn cũng lắm gian nan?
CEO Đoàn Hồng Trung: Thú thực, đời không như là mơ, khi bắt tay vào em mới thấy quá nhiều những khó khăn: Từ việc mò mẫm kiến thức không biết bắt đầu từ đâu, không biết tìm kiếm bạn đồng hành như thế nào, rồi thiếu vốn, không nhận được sự tin tưởng từ gia đình, nhất là không được đánh giá cao trong cộng đồng khởi nghiệp, không biết cách tiếp cận khách hàng, thiếu kiến thức về kinh doanh…
Đặc biệt, em lại khởi nghiệp ở lĩnh vực ít người làm ở Việt Nam, đó là robot. Thời gian đầu, người thân khuyên em dừng lại, người không thân thì coi thường bởi ý tưởng khởi nghiệp tưởng chừng như “điên rồ” của em.
Nhưng những điều ấy cũng không cản được niềm đam mê. Cuối năm 2019, công ty ra đời với số vốn lưu động chỉ 70 triệu đồng và 4 thành viên. Lúc đó kinh doanh trong lĩnh vực robot và in 3D.
- PV:Sản phẩm ban đầu còn sơ khai, thiếu vốn trầm trọng, không được đón nhận.... làm thê nào để em không bỏ cuộc?
CEO Đoàn Hồng Trung: Thú thực những ngày đầu mới thành lập công ty thiếu đủ thứ. Trước khởi nghiệp em nghĩ chắc mình sẽ bỏ cuộc nếu thất bại ngay lần đầu tiên. Vì thất bại thì hết sạch tiền rồi đâu có cơ hội đi tiếp. Nhưng khi cưỡi lên thuyền rồi, dù trải qua không biết bao nhiêu lần khó khăn, bao lần hết sạch tiền, áp lực từ mọi phía, … nhưng khi nghĩ về lý do mình bắt đầu, rồi vì niềm tin mà các bạn đặt vào mình từ ngày đầu, em chẳng muốn bỏ cuộc chút nào. Em vẫn tin nếu mình không thực hiện lý tưởng lớn của mình thì thật khó có ai làm điều đó cả. Vì thế phải cố sống sót và bước tiếp thôi.
- PV:Cánh tay Robot, sản phẩm hay được em gọi vui là "máy đánh trứng" made in Việt Nam là 1 trong 10 sản phẩm tiêu biểu nhất vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lựa chọn trưng bày tại diễn đàn thanh niên khởi nghiệp quốc gia hôm 1/10 vừa qua, hẳn là "đứa con" siêu "khủng" của team?
CEO Đoàn Hồng Trung: Vâng đó là con robot tiềm năng nhất hiện tại của công ty. Là thành quả nghiên cứu 4 năm của team. Đây là một mẫu cánh tay robot delta công nghiệp có tên là Delta XS thường được dùng trong các ứng dụng gắp thả, phân loại sắp xếp sản phẩm trên dây chuyền sản xuất công nghiệp.
Để làm được cánh tay robot này từ con số 0 là một việc rất rất khó, cần một lượng kiến thức sâu rộng và nguồn tài chính dồi dào. Tuy nhiên bọn em thì chỉ là mấy đứa sinh viên mới ra trường, không có học vị cao, tài chính lại hạn hẹp.
Sản phẩm của công ty IMWI
Vậy mà 3 năm kinh doanh khó khăn vẫn xoay vòng vốn để đầu tư làm ra được nó. Đây là thứ em rất tự hào.
Và tự hào hơn nữa là đã làm được cánh tay robot delta công nghiệp đầu tiên của thế giới có giá thành cực rẻ, chỉ bằng 5-20 lần so với robot delta trên thị trường nhưng hiệu năng lại đạt 60-80%.
Em tin nó sẽ là cuộc cách mạng cho lĩnh vực tự động hóa sau này. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất SME trong mọi ngành nghề sẽ có cơ hội tiếp cận các giải pháp tự động hóa giá rẻ, sản phẩm tạo ra sẽ tối ưu hóa chi phí hơn. Sẽ có nhiều hơn các dự án, ý tưởng hay về robot sẽ được thực hiện để nâng cao cuộc sống của con người. Em tin rằng chỉ cần vượt qua giai đoạn thiếu vốn này để hoàn thiện Delta XS, thì công ty phát triển rất nhanh vì Delta X là một sản phẩm rất tiềm năng.
- PV:Nhưng có nghĩa là đến thời điểm hiện tại, cánh tay Robot Delta XS vẫn chưa đưa ra được thị trường?
CEO Đoàn Hồng Trung: Vâng đúng thế, Robot Delta XS vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Nhưng bản trước nó là Delta X thì đã bán ra thị trường 3 năm nay. Công ty đã có khách hàng từ các nước nhưng chỉ bán thử nghiệm để kiểm chứng thị trường nên doanh số còn ít (300 đơn vị mẫu robot cho giáo dục, nghiên cứu và 50 đơn vị mẫu robot công nghiệp). Hiện mỗi năm doanh thu của công ty thu về từ 2- 4 tỉ đồng và nguồn thu chính vẫn là từ bán sản phẩm robot Delta X.
Robot delta là loại robot thường được dùng trong tác vụ gắp thả sắp xếp sản phẩm trên dây chuyền sản xuất công nghiệp. Nó có đặc điểm là sở hữu cánh tay linh hoạt và nhanh nhẹn có thể được dùng trong nhiều ứng dụng.
- PV:Em từng nhận được không ít những lời đề nghị “bán công ty” với mức giá hấp dẫn. Với người trẻ khởi nghiệp, vốn là yếu tố khá quan trọng để tái đầu tư, vì sao em lại không bán đi để lại “khởi nghiệp”?
CEO Đoàn Hồng Trung: Công ty em từng có nhiều lời đề nghị mua lại suốt 3 năm qua đến từ những khách hàng nước ngoài. Hấp dẫn nhất là lời đề nghị mua công ty với giá 5 triệu đô của một công ty robot Hà Lan. Nếu bán thì em có thể thu về cho bản thân 50 tỉ đồng, đây là một con số rất lớn với một người mới 27 tuổi như em.
Nhưng điều kiện là em phải làm cho họ trong vòng 5 năm. Em thấy điều đó không đáng vì tự do làm chủ trong 5 năm có giá trị hơn thế rất nhiều.
Chưa kể em bắt đầu startup này với một lý tưởng lớn cần phải thực hiện. Với em, startup không phải chỉ dừng ở sản phẩm, mô hình kinh doanh mà phải thực hiện một sứ mệnh dài 10 - 20 năm.
Em đã đặt sứ mệnh cho Công ty IMWI là phải xây dựng được thương hiệu lớn robot công nghiệp Made in Vietnam với thế giới. Đây là một sứ mệnh khó mà ít ai dám nghĩ tới và nhóm startup của em đã đánh đổi rất nhiều thứ để duy trì nó. Nếu em từ bỏ công ty bây giờ thì rất khó có ai dám đi tiếp con đường này.
- PV: Khởi nghiệp trong lĩnh vực khá kén người, vậy điều em cảm thấy cần thiết nhất hiện nay là gì?
CEO Đoàn Hồng Trung: Tự động hóa chính là thứ quyết định sự phát triển của một đất nước. Nhưng hiện nay đây là thứ chưa được chú trọng đầu tư ở nước ta. Trong cộng đồng khởi nghiệp thì số startup trong lĩnh vực tự động hóa chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi mảng công nghệ số thì có tới hàng ngàn. Em nghĩ nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ vốn cho startup trong lĩnh vực này.
Nguồn: infonet.vietnamnet.vn