Tướng Lê Văn Cương: 'GĐ Bệnh viện làm sai, Thứ trưởng, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm'

Rất cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân trong phòng ngừa tham nhũng, để không ai lẩn trốn và 'cài gối' tập thể để lợi dụng công quyền được cả.

Thiếu tướng Lê Văn Cương (PGS.TS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an Việt Nam) nhấn mạnh như trên khi trao đổi với PV về việc nhiều quan chức ngành Y trong thời gian vừa qua liên tiếp bị kỷ luật, khởi tố, bắt giam.

PHẢI CHĂNG HỆ THỐNG GIÁM SÁT CỦA TA CÓ VẤN ĐỀ?

- Thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương, trước việc hàng loạt cán bộ cao cấp ngành Y tế bị khởi tố như vừa qua, ông có suy nghĩ, đánh giá gì khi rõ ràng đây là một chuyện chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong nhiệm kỳ XII vừa qua, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đã có tính bước ngoặt. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng, một nhiệm kỳ (2016-2021) mà có tới 4 Nghị quyết về chống tham nhũng cùng ra đời (NQTW 4, 6, 7 khóa XII, và quy định Nêu gương 08).

Thứ hai, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng ban Chống tham nhũng đã tạo ra đột phá trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua đấu tranh chống tham nhũng.

Không chỉ có sai phạm ở ngành Y tế, mà 4,5 năm qua đã có tới 113 cán bộ cao cấp ở nhiều lĩnh vực, nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng, nhiều Bí thư, Chủ tịch tỉnh, kể cả tướng lĩnh công an, quân đội... cũng bị xử lý kỷ luật vào tù. Chứng tỏ Đảng ta đang mạnh lên thông qua đấu tranh chống tham nhũng, lòng tin của người dân, Đảng viên vào Đảng là rất lớn.

Nhưng đúng như NQ của Đại hội Đảng XIII và Tổng Bí thư cũng đã nói: cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không có ngừng nghỉ. Sẽ không có chuyện "đánh được bao nhiêu vụ đó là xong". Cuộc chiến này sẽ vẫn còn phải tiếp tục trường kỳ với thái độ kiên quyết hơn.

Về bản chất khoa học, ở đâu có nhà nước, ở đó có tham nhũng. Không phải chỉ có ở Việt Nam. Ở Pháp có chuyện Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy phải ngồi tù vì tham nhũng. Ở Pakistan thì Nawaz Sharif - Cựu Thủ tướng cũng bị phế truất vì tham nhũng. Hoặc Hàn Quốc đã có tới 4 đời Tổng thống phạm tội tham nhũng. Quyền lực không được giám sát thì sẽ bị tha hóa. Đó là quy luật muôn đời. 5000 năm trước và 5000 năm sau vẫn vậy.

Vấn đề là làm sao nước ta có thể đẩy lùi tham nhũng về mức không còn gây nhức nhối cho xã hội. Chống tham nhũng nước ta đang làm tốt. Nhưng việc phòng ngừa tham nhũng vẫn còn rất nhiều việc cần làm tốt hơn.

Lấy ví dụ, việc ông Đinh La Thăng làm sai thì không ai bảo vệ ông ấy cả. Nhưng điều đáng nói là Nhà nước giao vào tay ông Thăng hàng chục tỷ đô la mà hệ thống giám sát lại vô cùng lỏng lẻo? Phải chăng đã có nơi nào đó chưa làm tròn nhiệm vụ?

Đối với lĩnh vực Y tế, Thứ trưởng sai thì trách nhiệm là của Trung ương... Nhưng nếu GĐ Bệnh viện vi phạm thì trách nhiệm chắc chắn của Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ y tế… Vậy rất cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân trong phòng ngừa tham nhũng, để không ai lẩn trốn và "cài gối" tập thể để lợi dụng công quyền được cả.

- Ý ông là, việc phanh phui hàng loạt sai phạm trong ngành Y tế như vừa qua phần lớn được thúc đẩy bởi cơ chế mới của Đảng trong vấn đề phòng chống tham nhũng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Y tế trước đây cũng có tham nhũng nhưng có thể vụ việc không lớn chứ không phải trong sạch hoàn toàn đâu. Nhưng tại sao bây giờ mới rộ lên những việc như thế? Bởi vì vừa qua mới có điều kiện và cơ hội để nhập thuốc. Vừa là để phục vụ chống dịch Covid-19, vừa là vì khi đời sống cao lên, bệnh tật cũng phát sinh nhiều hơn và chúng ta có nhu cầu rất lớn nhập khẩu, mua thuốc, kể cả các loại thuốc đắt tiền.

Trong điều kiện đó, nếu kiểm soát, giám sát không chặt chẽ thì tất nhiên sẽ xảy ra tham nhũng.

Chưa đầy 2 năm, trên cả nước đã có 5 giám đốc, phó giám đốc các bệnh viện từ tuyến Trung ương đến địa phương bị khởi tố, bắt tạm giam.

dù không biết, lãnh đạo ký sai vẫn phải chịu trách nhiệm

- Trên nghị trường, một số vị ĐBQH đã nêu quan điểm: Chuyện cán bộ ngành Y tế bị kỷ luật là điều rất đau lòng. Cơ chế đưa người giỏi chuyên môn lên làm lãnh đạo đã khiến nhiều vị bác sĩ giỏi, có uy tín vướng vào lao lý bởi họ vốn chỉ giỏi chữa bệnh, chứ không giỏi việc quản lý. Ông có đánh giá gì về những ý kiến như thế?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vấn đề mà các vị ĐBQH nêu ra hoàn toàn đúng. Không chỉ có Bộ Y tế, tất cả các Bộ khác đều thế cả, nguyên tắc bố trí cán bộ vẫn phải dựa vào năng lực, sở trường và phẩm chất của họ.

Một vị Giáo sư giỏi là tài sản quý của cả quốc gia. Họ có thể làm nên các sản phẩm khoa học, có thể lãnh đạo một nhóm nghiên cứu 50-70 hoặc thậm chí cả trăm người trong lĩnh vực chuyên môn. Nhưng vị giáo sư giỏi đó chưa chắc sẽ là nhà quản lý giỏi. Đối tượng quản lý của lãnh đạo rất khác với đối tượng quản lý của một nhà khoa học.

Ở Mỹ, các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng… không có mấy ai là giáo sư, tiến sĩ. Nhưng họ lại là người đưa ra được các chiến lược quan trọng, còn việc chi tiết về chuyên môn thì đã có người khác làm. Điều quan trọng của một chính khách là phải có đầu óc kinh bang tế thế.

Vụ việc vừa qua đối với ngành Y tế cũng chỉ là một vài con sâu làm rầu nồi canh. Trong Đại dịch vừa qua thì từ Bộ trưởng, Thứ trưởng cũng phải lăn lội trong Nam ngoài Bắc, lên rừng xuống biển. Đội ngũ y bác sĩ phải hy sinh nhiều nhất.

Và trong cuộc đời, bất cứ ai từ thường dân đến Thủ tướng, lớn lên đều được 2 người thầy là thầy giáo, và thầy thuốc chăm lo. Một người lo về sức khỏe, một người lo về giáo dục, trí tuệ. Cả thế giới này phải nhớ ơn họ.

Nhưng trong số đó cũng có người lợi dụng chức quyền, chuyện đó cũng khó mà tránh được.

Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, vừa bị khởi tố để điều tra về những vi phạm trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000. Ảnh: NLĐ

- Nhưng nếu đưa người không giỏi chuyên môn lên làm quản lý thì lại có chuyện cấp dưới không phục. Còn nếu đưa người giỏi chuyên môn lên làm quản lý thì lại có chuyện vì họ không có kỹ năng quản lý, nên một bác sĩ chỉ biết đọc bệnh án sẽ rất dễ phạm sai lầm khi ký các quyết định về tài chính. Ông có nghĩ như vậy không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thật tình cũng có một số vị lãnh đạo rất giỏi về chuyên môn nhưng quản lý tài chính thì họ không nắm được. Cấp dưới tham mưu thế nào thì họ ký như thế. Chuyện đó là có thật. Nhưng ngay cả trong trường hợp như thế thì người lãnh đạo vẫn phải chịu trách nhiệm chứ!

Đúng ra nếu họ không biết thì họ phải hỏi ý kiến của tập thể. Nếu đem một vấn đề lớn để hỏi ý kiến của cả tập thể hàng trăm con người thì chẳng lẽ trong đó không có ai đủ đạo đức và sáng suốt để đóng góp ý kiến đúng? Hoặc họ có thể mời chuyên gia trong Bộ y tế, chuyên gia tài chính vào cuộc cho ý kiến chứ, đúng không?

- Trước việc hàng loạt lãnh đạo cấp cao bị xử lý kỷ luật, khởi tố bắt giam như thời gian qua thì theo ông, việc đấu tranh chống tham nhũng liệu có thể làm triệt để được không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng ta có thể đẩy lùi tham nhũng, tuy không phải ở mức số 0, nhưng chỉ ở mức 1- 2 thôi, tức là không còn gây nhức nhối cho xã hội như vừa qua.

NQ XII của Đại hội Đảng nói như thế này:

- Phải triệt để thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ

- Phải xây dựng cơ chế cho người dân tham gia xây dựng chính sách, giám sát xây dựng chính sách đánh giá xây dựng chính sách

- Xây dựng cơ chế để người dân đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ quan công quyền và các cán bộ Đảng viên. Lấy sự vừa lòng của người dân để đánh giá hiệu quả, uy tín của cá nhân, tổ chức.

Đấy là những điểm mới, nếu như từ nay đến 2024-2025 chúng ta làm triệt để được như vậy thì có thể đẩy lùi được tham nhũng.

Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!

Nguồn: https://toquoc.vn/tuong-le-van-cuong-gd-benh-vien-lam-sai-thu-truong-bo-truong-phai-chiu-trach-nhiem-820211111103429267.htm

Tin liên quan