Vì sao 'chiếc vòi bạch tuộc' của nhà đầu tư cá nhân đang vươn tới mọi nơi trên thế giới?

Ảnh: Dũng Minh

Hiệu ứng Robinhood trên thế giới…

Trong những năm gần đây với sự xuất hiện của các startup công nghệ tài chính (fintech), bộ mặt của ngành môi giới chứng khoán thế giới đã có nhiều thay đổi. Nhờ ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các fintech đã tạo ra những áp lực lớn, buộc những cây đại thụ trên thị trường tài chính thế giới phải thay đổi nếu vẫn muốn giữ vững thị phần của mình.

Những người hành nghề chứng khoán tại các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, những năm gần đây không còn xa lạ gì với ứng dụng đầu tư chứng khoán có tên gọi Robinhood. Nền tảng giao dịch này cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán miễn phí tại Mỹ, trong bối cảnh các ông lớn Phố Wall vẫn theo đuổi chính sách thu phí, thậm chí ở mức cao, đối với từng giao dịch của nhà đầu tư.

Những nhà đầu tư trẻ không thích điều này. Sinh ra và trưởng thành trong thời đại Internet và điện thoại thông minh, họ thích sự tiện lợi và tự ra quyết định. Vì thế họ yêu thích Robinhood. Kể từ khi ra đời vào năm 2013, số lượng người dùng của Robinhood tăng mạnh hàng năm, cho tới đầu tháng 5/2020 đã đạt tới con số 13 triệu người dùng. Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm nay khi dịch Covid-19 lan rộng tại Mỹ, số lượng người đăng ký tài khoản tại ứng dụng này đã tăng thêm 3 triệu người.

Thành công của Robinhood đã truyền cảm hứng cho không ít fintech ở nhiều nơi trên thế giới tham gia vào lĩnh vực này, thu hút sự quan tâm đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân trẻ, đến nỗi tờ báo nổi tiếng trên thế giới là Wall Street Journal đã phải thốt lên: “Chiếc vòi bạch tuộc của nhà đầu tư cá nhân hiện đã vươn tới mọi nơi trên thế giới”.

Wall Street Journal miêu tả, tại Anh, chỉ trong hai tháng 4 và 5 vừa qua, số lượng nhà đầu tư ở độ tuổi 25-34 đăng ký tài khoản giao dịch tại Interactive Investor - một ứng dụng tương tự như Robinhood - đã tăng tới 238%.

Chuyện tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra nóng tới mức ông David Friedland, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Interactive Brokers phải miêu tả: “Trên báo chí và các mạng xã hội, giao dịch chứng khoán đã trở thành câu chuyện thời sự của mọi người”.

“Việc tiếp cận thị trường dễ dàng với chi phí thấp và sự tăng giá mạnh của nhiều cổ phiếu kể từ tháng 3 là những nguyên nhân chính đứng sau hiện tượng này”, David lý giải và nói thêm: “Ranh giới giữa nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đang tiếp tục mờ đi và nhà đầu tư cá nhân đã cho thấy khả năng chi phối thị trường như thế nào trong thời gian qua”.

....Và thực tế tại Việt Nam

Số liệu thống kê cập nhật của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, cho tới thời điểm này Việt Nam có gần 2,6 triệu tài khoản chứng khoán được mở. Trong đó chủ yếu là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Đáng chú ý là trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra mạnh, các chỉ số chứng khoán trong nước giảm điểm sâu, người dân phải thực hiện giãn cách xã hội và làm việc tại nhà, số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán tăng mạnh.

Ngoài việc nhà đầu tư nhận ra cơ hội lớn trên thị trường chứng khoán thì việc các công ty chứng khoán trong nước đưa ra các chính sách hấp dẫn cũng là một nhân tố giúp họ giữ chân được nhà đầu tư cũ và thu hút thêm nhà đầu tư mới

Đặc biệt, việc gỡ bỏ quy định về mức phí sàn đối với dịch vụ chứng khoán tại Thông tư 127/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính đã tạo cơ sở pháp lý để các công ty miễn giảm phí giao dịch. Vì thế, đã có một vài công ty trong nước mạnh tay miễn phí giao dịch để hỗ trợ nhà đầu tư, trong đó phải kể đến công ty chứng khoán VPS.

Công ty này hiện đang miễn phí giao dịch cho khách hàng mở mới tài khoản chứng khoán phái sinh, trong khi áp dụng mức phí giao dịch thấp nhất thị trường đối với khách hàng cũ. Với khách hàng mở mới tài khoản giao dịch cổ phiếu, VPS hiện đang miễn phí với những giao dịch ở tiểu khoản đuôi 1.


Nguồn: Báo ĐTCK

Tin liên quan