Việt Nam đối mặt nguy cơ 4 dịch chồng nhau

Trong nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, Covid-19 có thể bùng phát trở lại thì số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A có chiều hướng gia tăng

Hiện các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta rất lớn.

Nhiều dịch bệnh tăng số ca mắc

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Hiên - chuyên gia dịch tễ, Tổ chức WHO tại Việt Nam - hiện Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng.

Điều trị cúm A cho bệnh nhân tại Bệnh viện Thanh Nhàn (TP Hà Nội)

Việt Nam đang kích hoạt hàng loạt các biện pháp ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ. GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết cùng với việc tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế chú ý các dấu hiệu lâm sàng để phát hiện và cách ly kịp thời ca bệnh. Theo ông Lân, Bộ Y tế đang xây dựng các kịch bản để khi có ca bệnh thì không bị động, đồng thời Việt Nam đã kích hoạt Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp và hằng tuần sẽ họp để thu thập thông tin nhằm thảo luận, đánh giá các nguy cơ và có biện pháp ứng phó.

Những ngày qua, dịch Covid-19 vẫn phức tạp với số ca mắc tăng cao so với nhiều tuần trước đó. Đặc biệt, ngày 26-7, nước ta đã ghi nhận gần 1.800 ca nhiễm, tương đương với thời điểm cách đây khoảng 2 tháng. Số ca bệnh nặng cũng gia tăng tại các cơ sở y tế. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chỉ trong 3 ngày qua đã tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch từ nhiều địa phương chuyển về. Trong số này có 13 bệnh nhân phải thở máy, số còn lại phải thở ôxy. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân hầu hết đều là người cao tuổi, có bệnh nền. Tiên lượng của các bệnh nhân này đều xấu, nhiều ca có nguy cơ tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Bệnh viện Thanh Nhàn (TP Hà Nội), cho biết vấn đề đáng lo ngại nhất ở thời điểm này là đã có hiện tượng "dịch chồng dịch" bởi tại đây đã tiếp nhận bệnh nhân rất nguy kịch khi mắc đồng thời cả Covid-19 và sốt xuất huyết (SXH). Bệnh nhân là nam, 35 tuổi, được đưa tới cấp cứu trong tình trạng đau đầu, sốt cao và co giật. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã sốt ngày thứ hai, có lúc lên tới 40 độ C. Tại bệnh viện, nam bệnh nhân được test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và chuyển tiếp sang phòng khám sàng lọc của bệnh viện. Bệnh nhân được tầm soát và ghi nhận thêm bệnh nền SXH đang diễn biến trong khoảng từ 1-5 ngày.

Theo Sở Y tế Hà Nội, cùng với dịch Covid-19, dịch SXH đang lưu hành, hiện bệnh cúm trên địa bàn thành phố đang có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp mắc cúm, đặc biệt là số ca nhiễm cúm A tăng nhanh trong những tuần qua. Một bác sĩ cho biết SXH, Covid-19, cúm và bệnh đậu mùa khỉ đều là bệnh gây ra do virus. Với SXH và Covid-19 có thể gây ra những triệu chứng chồng lấp, gây khó khăn cho việc điều trị cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. "Bệnh nhân mắc SXH đơn thuần sẽ thấy mệt mỏi, sốt cao nhưng nếu kèm theo mắc Covid-19 thì triệu chứng sẽ nặng hơn, phải điều trị kéo dài" - bác sĩ này phân tích.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 120.000 ca SXH với 40 ca tử vong. Mỗi tuần hiện có hơn 10.000 ca SXH. Bộ Y tế cảnh báo số ca SXH sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do mùa mưa còn kéo dài.

Không chủ quan với bất cứ dịch nào

Các chuyên gia y tế nhận định thời gian tới, cùng với số ca mắc Covid-19, SXH thì bệnh cúm có xu hướng gia tăng. Với từng dịch, Bộ Y tế đã đề ra cách phòng tránh cụ thể và truyền thông để người dân bảo vệ mình, không chủ quan với bất cứ bệnh nào.

Với Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục nhấn mạnh vai trò của tiêm vắc-xin Covid-19 trong việc hạn chế khả năng và tình trạng tăng nặng nếu nhiễm bệnh. Các nghiên cứu mới nhất trên thế giới cho thấy hiệu quả của vắc-xin Covid-19 giảm dần theo thời gian, khoảng 6 tháng sau khi tiêm. Vì vậy, WHO và CDC Mỹ đã khuyến cáo tiêm mũi 3, 4 để phòng chống dịch, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và nhiều quốc gia đã ghi nhận các biến thể phụ của chủng Omicron.

Với bệnh cúm mùa, ngành y tế khuyến cáo người dân bảo đảm vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Ngoài ra, có thể chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm hằng năm.

Trong khi đó với bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ Đỗ Hồng Hiên cho biết việc giám sát và phát hiện bệnh được cho là không dễ dàng bởi thời gian ủ bệnh kéo dài từ 5-21 ngày. "Đáng lưu ý với bệnh này, rất nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng không điển hình, không phát ban, thậm chí không triệu chứng khiến cho việc chẩn đoán khó khăn" - bác sĩ Hiên nói.

Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp và nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, cúm mùa cũng đang vào thời điểm tăng theo mùa, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng chống các dịch bệnh này. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thành lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là SXH.

Theo một chuyên gia dịch tễ, để phòng chống các bệnh truyền nhiễm cần tiếp tục truyền thông về lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vắc-xin; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bằng kết hợp các phương pháp: "2K" (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân...

Nguồn: nld.com.vn

Tin liên quan