Ý kiến khác nhau về miễn lấy phiếu tín nhiệm người chữa bệnh hiểm nghèo

Nhiều đại biểu đồng tình miễn lấy phiếu với người đang chữa bệnh hiểm nghèo, song có ý kiến nói lãnh đạo nghỉ 6 tháng là không đủ sức khỏe làm việc, cần thay thế.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ chiều 30/5 về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Dự thảo sửa đổi lần này đã bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên. Kết quả tổng hợp thảo luận cho thấy có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định tại dự thảo nhưng đề nghị giải trình rõ lý do quy định 6 tháng; cần nêu rõ là 6 tháng liên tục để bảo đảm chặt chẽ; đồng thời xác định rõ bệnh hiểm nghèo là bệnh gì và xác nhận của cơ sở y tế ở cấp nào. Có đại biểu cho rằng nếu đã bị bệnh hiểm nghèo thì không nên quy định thời gian nghỉ việc đến 6 tháng mà chỉ cần từ 3 tháng trở lên.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người mắc bệnh hiểm nghèo đang phải chữa bệnh và không trực tiếp đảm nhiệm chức vụ trong thời gian từ 6 tháng trở lên là không phù hợp vì không bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe đối với cán bộ lãnh đạo. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý cán bộ hoặc người đã trình Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn cần làm thủ tục đề nghị Quốc hội, HĐND miễn nhiệm, thay thế người mới.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, một số ý kiến đề nghị bổ sung chức vụ vào diện được lấy phiếu tín nhiệm như Thẩm phán TAND tối cao, Phó trưởng Ban của HĐND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND; không lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh thuộc cơ quan lập pháp vì chức danh này không có vai trò quản lý nhà nước; cân nhắc việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã bị kỷ luật Đảng vì nếu trường hợp này lại đạt tín nhiệm cao thì sẽ là không hợp lý.

Về các hành vi bị nghiêm cấm tại dự thảo nghị định, một số ý kiến đề nghị bổ sung hành vi hứa, tặng, cho "lợi ích tinh thần", "lợi ích phi vật chất" hoặc "lợi ích khác" nhằm tác động đến đại biểu Quốc hội, HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số hành vi, trường hợp bị nghiêm cấm, như: lôi kéo, gặp gỡ, đe dọa, can thiệp vào quá trình kiểm phiếu; tác động đến thân nhân của các đại biểu dân cử; mua chuộc, khiếu nại, tố cáo, cung cấp thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến kết quả.

Một số đại biểu đề nghị Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong mỗi nhiệm kỳ (hiện nay một lần); thay vì lấy phiếu, bỏ phiếu, miễn nhiệm thì quy định một bước là xác định tín nhiệm và không tín nhiệm, trong đó quy định cụ thể tỷ lệ tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp và không tín nhiệm.

Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo nghị quyết tại hội trường chiều 9/6, biểu quyết thông qua vào ngày 23/6.

Nguồn: VnExpress

Cũng có ý kiến cho rằng, trường hợp này cần tham khảo ý kiến của người giữ chức vụ, nếu người đó đồng ý thì vẫn tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Tin liên quan