Ba mẫu xe hot vẫn bán 'bia kèm lạc', dân tình bức xúc

Tình trạng nhiều đại lý tung chiêu 'cắt cổ' khách bằng cách bán bia kèm lạc lên đến vài trăm triệu đồng đối với một số mẫu ô tô mới như Hyundai SantaFe, Hyundai Tucsson, Ford Explorer 2022 khiến người tiêu dùng không khỏi bức xúc.

Viện lý do khan hàng, xe hot bán "bia kèm lạc" cả trăm triệu

Thị trường ô tô Việt sau Tết Nguyên đán đang trong giai đoạn kinh doanh thấp điểm, cùng với đó sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến người tiêu dùng còn dè dặt hơn trong việc mua ô tô mới. Đó là nguyên nhân khiến nhiều ô tô được giảm giá khá sâu để kích cầu ngay sau Tết. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều đại lý ô tô tung chiêu bán bia kèm lạc khá cao đối với một số mẫu xe mới gây bức xúc người tiêu dùng.

Một trong những mẫu xe hiện được bán chênh nhiều nhất đó là 2022.

Sau hơn 1 tháng ra mắt, mẫu SUV Ford Explorer 2022 đã chính thức về các đại lý sẵn sàng giao tới tay khách hàng ngay trong tháng 2.

Ford Explorer 2022 hiện đang là mẫu xe có mức giá "bia kèm lạc" cao nhất thị trường.

Đáng chú ý, tình trạng mua "bia kèm lạc" đối với Ford Explorer 2022 đã xuất hiện ngay từ khi xe mới ra mắt và vẫn kéo dài tới bây giờ. Những khách đặt cọc Explorer 2022 đầu tiên, trước Tết với mức chênh "bia kèm lạc" lên đến 200-300 triệu đồng sẽ được nhận xe vào khoảng cuối tháng 2 này hoặc đầu tháng 3 tới.

Giá xe niêm yết 2,366 tỷ đồng. Trong khi đó, các đại lý chào bán Explorer ở mức khoảng 2,5 đến 2,6 tỷ đồng bao gồm cả tiền chênh lệch.

Lý giải về mức chênh nói trên, các đại lý lấy lý do nguồn cung xe nhập Mỹ không sẵn, khách hàng muốn nhận xe sớm phải trả thêm tiền.

Tương tự như Ford Explorer, hai mẫu xe nhà Hyundai đó là Tuccson và SantaFe hiện đang gây sốt khi được các đại lý chào giá kèm "lạc" từ 50 đến 100 triệu đồng.

Một đại lý tại khu vực Hà Nội hiện đang mở bán Hyundai Tucson phiên bản tiêu chuẩn với giá 885 triệu đồng, cao hơn niêm yết 40 triệu đồng; phiên bản Turbo 1.6 đang bị bán chênh 50 triệu đồng kéo giá xe tại đại lý lên đến 1,070 tỷ đồng); Tusson bản đặc biệt (chạy xăng) cũng có giá hơn 1 tỷ đồng. Phiên bản đặc biệt (máy dầu) còn chênh lên đến 60-70 triệu đồng.

Hai mẫu xe nhà Hyundai đó là Tuccson và SantaFe hiện đang gây sốt khi được các đại lý chào giá kèm "lạc" từ 50 đến 100 triệu đồng.

Hyundai Santafe 2022 bản 2.5 xăng cao cấp, Hyundai Santa Fe 2.2 dầu cao cấp ngoài việc được chính hãng công khai tăng giá bán thêm 20 triệu đồng thì hiện các đại lý cũng đồng loạt bán chênh thêm 50-100 triệu đồng.

Cũng chung hoàn cảnh mẫu xe SUV cỡ nhỏ Toyota Raize cũng rơi vào tình trạng khan hàng, khách phải “mua bia kèm lạc” thêm 25 triệu đồng. Giá lăn bánh của Raize sau khi cộng đủ thuế phí bị đẩy lên gần 630 triệu đồng.

Tuy nhiên, dù tăng giá, bán bia kèm lạc cao ngất ngưởng như vậy nhưng điểm chung khiến khách hàng bức xúc hơn hết là hiện nay các đại lý đều khan hiếm xe, khách muốn mua phải chấp nhận chờ từ 2-4 tháng mới được nhận xe.

Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng nên vấn đề sản xuất, lắp ráp trong và ngoài nước đều bị chậm trễ. Xe về đại lý nhỏ giọt.

Dân tình bức xúc, làn sóng kêu gọi tẩy chay đại lý

'Bia kèm lạc', chiêu cắt cổ khách của đại lý ô tô không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch bệnh, các mẫu xe mới đang ngày càng rẻ hơn, đẹp hơn, nhiều option hơn cho người dùng lựa chọn thì thông tin xe tăng giá hay thậm chí "bán bia kèm lạc" luôn gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Đang tham khảo giá để mua chiếc Hyundai Tucsson bản 2.0 máy dầu cao cấp nhưng bị đại lý báo giá lên đến 1,090 tỷ đồng, tức chênh so với giá niêm yết hãng 60 triệu, anh Lê Công Cường ở Đống Đa, Hà Nội bức xúc: "Các đại lý đang lợi dụng độ hot của xe và việc giảm thuế để "bắt chẹt" khách. Tôi nói thật, xe thì tôi cũng thích đấy, nhưng tôi không dại gì dâng 60 triệu cho không đại lý như vậy.

Hyundai Tucsson đang tạo cơn sốt trên thị trường đầu năm 2022 vì mức bán "bia kèm lạc" khá cao.

Tôi đang tính mua xe khác sẵn hàng, vừa rẻ hơn, vừa dư được ra một ít sắm sửa thêm đủ thứ trang bị cho xe mà lại đỡ ức chế".

Khác với anh Cường, anh Lê Thanh Long ở Long Biên, Hà Nội cho biết, anh vừa ký xong hợp đồng mua chiếc Hyundai SantaFe cách đây 1 tháng với mức chênh ban đầu là 40 triệu. Nhưng đến nay được đại lý thông báo nếu muốn nhận xe phải trả thêm 30 triệu (tức chênh 70 triệu) thì mới có xe. Họ giải thích là xe khan hàng, thiếu link kiện, nếu mua ngay phải chấp nhận chênh 70 triệu, dù vậy vẫn chưa biết được chính xác thời điểm nhận xe. Điều này khiến anh Long khó chịu vì nghĩ mình như bị dính "quả lừa".

"Sau một hồi dò la tìm hiểu, tôi được biết có một đại lý kia có đến khoảng 100 hợp đồng ký chờ nhận xe. Nhiều khách trong đó có tôi, nghe sale tư vấn, cam kết chắc nịch là thời điểm này, thời điểm kia sẽ có xe thôi và cuối cùng lại không có xe giao đúng lịch. Khách lại bị một vố đau đầu", anh Long nói.

“Mình cọc xe Ford Explorer hơn 2 tháng rồi chưa được nhận xe nhưng đi đâu cũng thấy các sale đăng tin có xe giao ngay. Thực sự rất bức xúc. Họ muốn “lùa” khách xuống cọc rồi sau đó thích nâng giá bao nhiêu thì nâng. Một số người tức quá đành rút cọc, chuyển hướng sang mua xe khác. Trên các diễn đàn cũng kêu gọi nhau tẩy chay các đại lý bán “lạc”, anh Nguyễn Dũng ở Hà Nội chia sẻ.

Bình luận về vấn đề này, anh Nguyễn Hữu Hùng, trưởng phòng kinh doanh mộ đại lý ô tô ở Hà Nội chia sẻ: “Tình trạng lượng xe về đại lý nhỏ giọt do hiếm hàng thời điểm này là có thật. Tuy nhiên, việc bán chênh giá cao hay thấp là do chính sách kinh doanh của từng đại lý.

Người mua nên tham khảo nhiều đại lý khác nhau để tìm ra nơi còn suất mua bán xe sát giá. Và đặc biêt lúc làm hợp đồng mua xe nên “chốt” rõ thời điểm nhận xe để có thể khiếu nại nếu đại lý không làm đúng hợp đồng”.

Được biết, việc đại lý tăng giá bán xe để kiếm lời không chỉ xảy ra ở Việt Nam, ở Mỹ tình trạng này cũng đang nhức nhối. Thậm chí, mới đây, chính hãng Ford tại Mỹ cũng phải lên tiếc khuyến cáo, đe dọa sẽ cắt giảm hàng phân bổ nếu đại lý vi phạm chính sách giá gây ảnh hưởng đến khách hàng.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/gia-xe/ba-mau-xe-hot-van-ban-bia-kem-lac-dan-tinh-buc-xuc-817951.html

Tin liên quan