Báo động các bệnh đường tiêu hóa, gan mật gia tăng, nhiều người trẻ mắc bệnh
Bệnh biểu hiện đa dạng, phong phú, tiến triển âm thầm nhưng cũng có diễn biến phức tạp, nhiều biến chứng nặng nặng nề và nguy cơ tử vong cao.
Tại Hội nghị khoa học chuyên đề “Các tiến bộ mới trong quản lý và điều trị bệnh lý tiêu hóa và gan mật” do Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật tổ chức ngày 11/12, PGS.TS. Nguyễn Duy Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, trào ngược dạ dày là một trong những căn bệnh phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng ở nước ta. Căn bệnh này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống hằng ngày của người bệnh và còn có những biến chứng nguy hiểm nếu không được đánh giá đúng mức và điều trị kịp thời.
GS.TS.BS Đào Văn Long nội soi đường tiêu hóa cho bệnh nhân.
GS.TS.BS Đào Văn Long - Chủ tịch hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cho biết, các bệnh lý tiêu hóa gan mật ngày càng tăng ở nước ta và có xu hướng trẻ hóa. Trong khi đó, người bệnh thường phải sống chung với bệnh lý tiêu hóa.
Số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa hiện lên đến gần 10% dân số, từ những bệnh thông thường như: rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi đến nặng hơn như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư.
Bệnh lý tiêu hóa - gan - mật - tụy là một bệnh lý khá phổ biến trên thế giới, gặp ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Số bệnh nhân có bệnh lý tiêu hóa - gan - mật - tụy đến khám bệnh tại các bệnh viện trong toàn quốc ngày càng gia tăng.
Bệnh biểu hiện đa dạng, phong phú, tiến triển âm thầm nhưng cũng có diễn biến phức tạp, nhiều biến chứng nặng nặng nề và nguy cơ tử vong cao.
Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày thực quản, ung thư gan mật tụy, ung thư đại trực tràng ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.
Theo đó, mỗi năm ở nước ta có khoảng gần 18.000 người mắc ung thư dạ dày, trong đó 15.000 trường hợp tử vong. 16.000 người mắc ung thư đại trực tràng và có đến hơn 7.000 người chết vì căn bệnh này.
Do đó, việc chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí điều trị và thời gian sống của người bệnh.
GS.TS.BS Đào Văn Long - Chủ tịch hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa.
Bên cạnh đó, các việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo hay tiến bộ mới, người bệnh có thể nhận được những thông tin hữu ích về bệnh, theo dõi triệu chứng, chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, nhắc lịch uống thuốc và đặc biệt là có thể tương tác trực tiếp với bác sĩ. Theo đó, người bệnh hoàn toàn có thể theo dõi, quản lý tình trạng sức khỏe của mình.
PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện nay tỉ lệ bỏ sót polyp đại tràng trên thế giới đang dao động từ 20-47%.
Theo một nghiên cứu dọc trong 10 năm, mỗi 1% tăng được tỉ lệ phát hiện u tuyến trong đại tràng sẽ giúp bệnh nhân giảm 3% tiến triển thành ung thư đại tràng. Vì vậy, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi đường tiêu hóa là xu thế tất yếu và mang đến những kết quả đột phá trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa.
Nguồn: nguoiduatin.vn