Chính phủ các nước châu Á đang đồng loạt đưa ra biện pháp kích thích kinh tế như thế nào?

Ảnh: MoneyMarketing

Các chính phủ châu Á đang nỗ lực để kích thích tăng trưởng kinh tế, động thái này được đưa ra khi mà ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang giảm bớt các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong ngày thứ Năm, Chính phủ Nhật công bố gói kích cầu mới với quy mô 26 nghìn tỷ yên tức khoảng 329 tỷ USD, khoảng hơn nửa trong số tiền này đến từ chi tiêu chính phủ. Động thái trên được đưa ra chỉ sau việc chính quyền thành phố Hồng Kông công bố gói hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động bởi bất ổn chính trị chỉ một ngày.

Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Maybank Kim Eng, ông Hak Bin Chua, nhận định: “Chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều chính phủ đưa ra gói kích cầu nữa. Dư địa của chính sách tiền tệ đã giảm đi bởi xét đến việc lãi suất lãi suất các đồng tiền hiện đã giảm xuống gần ngưỡng 0%. Giờ đây, người ta đang ngày một nhận ra rằng không thể phụ thuộc mãi vào các Ngân hàng Trung ương, chính phủ cần phải cung cấp hỗ trợ thông qua các biện pháp tài khóa”.

Tất nhiên điều này bao giờ nói cũng dễ hơn làm. Không giống các quyết định lãi suất được đưa ra chủ yếu bởi một nhóm nhỏ thành viên điều hành ngân hàng trung ương, các gói kích thích tài khóa cần đến sự chấp thuận từ chính phủ và nhiều khi cả nghị viện, nó có thể đẩy trần nợ công lên cao.

Trưởng bộ phận giao dịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Ngân hàng Scotia ở Singapore, ông Tuuli McCully, nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải chấp nhận rằng sẽ cần phải làm cái gì đó, thực tế đang buộc họ phải nhận ra họ cần phải “mở ví” ra.

Dưới đây là tổng quan của những gì các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Á đã làm

Nhật

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã công bố về gói kích cầu mới, một phần trong ba trụ cột của kinh tế Nhật, nhằm hỗ trợ cho những đối tượng phải chịu tác động từ thảm họa, ngăn ngừa rủi ro đi xuống của nền kinh tế và chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn sau năm Olympic Tokyo năm 2020. Gói này sẽ giúp tăng trưởng nhích thêm được 1,4 điểm phần trăm, theo dự thảo chính sách.

Trung Quốc

Trong năm nay, Trung Quốc đã đưa ra chính sách tài khóa chủ động, theo đó Chính phủ Trung Quốc giảm thuế khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ, tức khoảng 284 tỷ USD, dù việc giảm này khiến thâm hụt ngân sách tăng lên, nó vẫn chưa ngăn được kinh tế suy giảm và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xuống dưới 6% trong năm sau.

Ấn Độ

Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn sự suy giảm của nền kinh tế, chính phủ Ấn Độ đưa ra thêm gói kích thích tiền tệ ngoài gói giảm lãi suất 5 năm.

Nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế mà Chính phủ Ấn Độ đưa ra bao gồm gói giảm thuế doanh nghiệp quy mô 20 tỷ USD, gói 1,4 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho các dự án nhà ở, ngoài ra có gói 7 tỷ USD hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman hiện đang tính đến việc giảm thêm thuế, tuy nhiên dư địa không còn nhiều bởi chính phủ nhiều khả năng sẽ để mức thâm hụt ngân sách 3,3% GDP bị phá vỡ.

Hàn Quốc

Khi mà tăng trưởng kinh tế rớt xuống mức thấp trong 1 thập kỷ, Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất mức ngân sách kỷ lục 513,5 nghìn tỷ won tức 431 tỷ USD cho năm sau, mức tăng 9,3% so với năm nay. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki đã gọi bản kế hoạch ngân sách này là mang tính hỗ trợ thật nhiều. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục.

Thái Lan

Chính phủ Thái Lan đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế hiện đang có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm. Vào tuần trước, Chính phủ Thái Lan đã công bố về gói kích cầu với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trước đó vào tháng 8/2019, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra gói kích cầu 10 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho người nông dân và người thu nhập thấp, ngoài ra là nhiều sáng kiến giúp tăng tiêu dùng và đầu tư.


Nguồn: Báo BizLIVE

Tin liên quan