Mở cửa sáng 13/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 85,5 - 88,5 triệu đồng, giảm 3,3 triệu đồng chiều mua vào và 2,8 triệu đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước. Như vậy so với mức đỉnh thiết lập vào 10/5, mỗi lượng vàng miếng đã hạ gần 4 triệu đồng, sau khi Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiểm tra ngay thị trường vàng.
Các đơn vị kinh doanh vàng khác sáng nay cũng điều chỉnh mạnh giá mua bán vàng miếng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI hạ giá vàng miếng về 85,5 - 87,5 triệu đồng một lượng. Tại Mi Hồng, giá vàng miếng cũng xuống 86 - 88,5 triệu.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn và nữ trang tại các đơn vị kinh doanh sáng nay vẫn đi ngang và bình ổn quanh vùng 76,5 triệu đồng, theo diễn biến của kim loại quý trên thị trường quốc tế.
Mở cửa phiên đầu tuần, giá vàng thế giới đi ngang quanh vùng 2.360 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, tương đương 72,5 triệu đồng mỗi lượng.
Cú lao dốc của vàng miếng sáng nay khiến chênh lệch với giá thế giới được thu hẹp từ mức gần 20 triệu đồng vào cuối tuần trước hiện về 16 triệu đồng một lượng.
Lâu nay, giá vàng miếng SJC vẫn thường biến động khó lường và thường lệch pha với thế giới. Một lượng cung không đổi vàng miếng lưu thông trên thị trường trong chục năm qua, nằm trong két người dân hoặc được mua đi bán lại. Chỉ tới gần đây thông qua việc đấu thầu, nguồn cung mới được tăng thêm nhưng cũng chưa đáng kể.
Giá vàng miếng đắt hơn bao nhiêu so với thế giới, theo chuyên gia, phụ thuộc vào hai yếu tố là cung, cầu trong nước. Phía cung phụ thuộc vào việc Ngân hàng Nhà nước tăng cung ra thị trường bao nhiêu. Phía cầu dựa vào tâm lý, kỳ vọng của người dân. Vàng miếng là kênh đầu tư mang nặng yếu tố tâm lý bởi tính khan hiếm về nguồn cung.
Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục đấu thầu cung ứng khối lượng và tần suất phù hợp nhu cầu thị trường, đồng thời khuyến cáo người dân thận trọng khi giao dịch để tránh rủi ro.
Nguồn: vnexpress