Chủ nhà hàng ở TP.HCM: 'Tôi chờ ngày này lâu lắm rồi'

Trong khi nhiều nhà hàng đã sẵn sàng phục vụ khách ăn tại chỗ, một số địa chỉ ẩm thực tại TP.HCM vẫn chưa thể mở bán lại ngay vì nhận thông báo quá bất ngờ, không kịp chuẩn bị.

Trong khi nhiều nhà hàng đã sẵn sàng phục vụ khách ăn tại chỗ, một số địa chỉ ẩm thực tại TP.HCM vẫn chưa thể mở bán lại ngay vì nhận thông báo quá bất ngờ, không kịp chuẩn bị.

Ngày 27/10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa ký văn bản khẩn về hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Theo đó, UBND TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ từ ngày 28/10 và phải đảm bảo một số điều kiện.

Sau nhiều ngày chờ đợi, trên fanpage chính thức, nhiều nhà hàng tại TP.HCM chia sẻ thông báo mở cửa đón khách trở lại.

Chi phí vận hành tăng gấp đôi

Chủ nhà hàng Amun không giấu nổi sự vui mừng khi nhận được thông báo TP.HCM cho phép hàng quán hoạt động tại chỗ. "Hôm nay là ngày đầu tiên Amun phục vụ khách tại chỗ. Toàn bộ nhân sự đều thấp thỏm trông mong tin này suốt nhiều tháng qua", chị Hồ Mỹ, chủ nhà hàng Amun chia sẻ với Zing.

Đại diện nhà hàng cho biết cách đây 2 tuần đã dọn dẹp, khử khuẩn, làm việc lại với nhà cung cấp. Để mở cửa lại, nhà hàng gặp nhiều trở ngại về nhân sự vì phải tuyển mới và đào tạo lại khoảng 50% nhân viên. Nhà hàng phải cắt giảm thời gian hoạt động để có đủ thời gian đào tạo nhân sự mới.

"Hiện, khoảng 50% nhân sự cũ đi làm lại được. Một số bạn về quê và không có khả năng quay lại do chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, có bạn là F0 cách ly và nhiều trường hợp nghỉ việc, chuyển nghề sau dịch", chị Mỹ nói.

Chủ nhà hàng cho biết chi phí vận hành lại gần như tăng gấp đôi là điều chị trăn trở. "Nhân viên mới tuyển thường làm 12-14 tiếng, ai cũng khó khăn nên nhà hàng phải tính thêm lương ngoài giờ, chưa kể tiền khử khuẩn định kỳ, thay mới hàng tồn, cây cối, bảo trì cơ sở vật chất... Tôi chỉ mong chủ nhà giảm bớt tiền mặt bằng để đảm bảo chi phí vận hành khi mở bán tại chỗ, nhưng chắc khó", chị Mỹ tâm sự.

Chị Mỹ cho rằng phải vực dậy sau cú sốc đóng băng quá lâu. Bên cạnh việc phục vụ tại chỗ, nhà hàng buộc phải phát triển thêm dòng sản phẩm tiếp cận với nhóm khách mua mang đi. "Hiện tại, nhà hàng mở bán cà phê mua mang đi vào buổi sáng. Tôi đầu tư nhiều vào việc trang trí ly đựng để đẩy mạnh thương hiệu, mong thời gian tới sẽ có kết quả tốt", đại diện nhà hàng chia sẻ.

Khách hàng nhắn tin đặt bàn ngay sau thông báo mở cửa

Sau thông tin được phép mở bán tại chỗ, trang fanpage chính thức của nhà hàng Sushi World đã đăng tải dòng trạng thái mở cửa đón khách ngay trong ngày 28/10.

Anh Nguyễn Minh Triết, Marketing Manager, cho biết ban đầu, thực khách còn e ngại do chưa nhận thông tin chính thức, đến tối 27/10, lượng tin nhắn đặt bàn tăng rõ rệt. Đó là tín hiệu đáng mừng trong ngày đầu thương hiệu mở bán.

Trao đổi với Zing, anh Triết nói từ tuần trước nhà hàng đã tiến hành chỉnh sửa, kiểm tra lại trang thiết bị nội, ngoại thất, làm việc với bên cung cấp nguyên liệu. Đến nay, 80% nhân viên đã sẵn sàng, tất cả đều được tiêm 2 mũi vaccine.

Thực khách có thể đặt chỗ online hoặc đến dùng bữa trực tiếp tại nhà hàng. Song, để đảm bảo 5K, thương hiệu này chỉ nhận đủ 50% khách so với thời điểm trước dịch.

Anh chia sẻ khó khăn chung của ngành F&B có lẽ là dịch bệnh vẫn còn, kinh tế hạn chế và thói quen ăn uống của thực khách thay đổi ít nhiều. Doanh thu ảnh hưởng khá nhiều do công suất phục vụ của nhà hàng chỉ ở mức 50%. Tuy nhiên, ai cũng phải chấp nhận làm đúng quy định vì sức khỏe và an toàn của cộng đồng.

Vừa mừng vừa lo

Đó là tâm trạng của quản lý nhà hàng Le Corto khi nhận được thông báo thành phố cho phép hàng quán phục vụ tại chỗ.

"Mỗi sáng thức giấc việc đầu tiên tôi làm là xem tin tức nhà hàng được mở cửa trên báo đài. Nhận được tin chính thức, tôi vừa mừng vừa lo", chị Lê Phụng, quản lý nhà hàng Le Corto chia sẻ với Zing.

Chị Phụng cho biết cả tuần nay đội ngũ nhân viên đã khẩn trương sửa sang, sắp xếp lại nhà hàng để khi nhận tin là có thể đón khách ngay. Nhà hàng chính thức đón khách ngồi tại chỗ từ 29/10.

Bước đầu quay trở lại, nhà hàng sẽ duy trì khoảng 80% nhân sự. Thực đơn cũng được thu nhỏ lại còn 80%. "Hiện tại, chúng tôi đã nhận được những đơn đặt bàn đầu tiên. Đó là tín hiệu đáng mừng cho ngày quay lại sau nhiều tháng đóng cửa", chị Phụng nói.

Phục vụ tại chỗ trong dịch sẽ khó tránh khỏi những rủi ro bất đắc dĩ như trường hợp có khách hàng là F0. "Trước hết, toàn bộ nhân sự đều được tiêm vaccine và tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Nếu khách hàng là F0, nhà hàng cũng nhanh chóng phối hợp với chính quyền để đưa ra hướng giải quyết an toàn, hiệu quả nhất", quản lý Le Corto bày tỏ.

Phục vụ tại chỗ từ đầu tháng 11

"Đây là thông tin rất đáng mừng không chỉ với riêng tôi mà với tất cả những người kinh doanh ngành F&B", anh Phạm Hoàng Nam, chủ hệ thống Cơm gà chị Tư bày tỏ sự phấn khởi khi nhận được thông báo hàng quán tại TP.HCM được phục vụ tại chỗ từ 28/10.

Anh Nam cho biết thường xuyên theo dõi thông tin từ thành phố, hồi hộp chờ đợi ngày được đón khách lại. Trong thời gian bán mang về, anh Nam cũng khai trương thêm một chi nhánh mới trong hệ thống ở quận 2. Vì thế, thông tin được phục vụ khách tại chỗ là niềm hạnh phúc lớn với anh.

Chủ hệ thống cơm gà này cho biết chưa vội mở cửa ngay trong 28/10, cần vài ngày để chuẩn bị. Các cửa hàng của anh sẽ đón khách tại chỗ từ đầu tháng 11.

"Hiện tại, tôi đang xem bộ tiêu chí thành phố mới đưa ra để có những bước chuẩn bị phù hợp. Trước hết, cửa hàng phải đăng ký mã QR, sắp xếp lại bàn ghế ngồi giãn cách. Các tiêu chí 5K bên tôi đã chuẩn bị từ đầu tháng 10 nên không mất thời gian cho vấn đề này", anh Nam chia sẻ.

Về vấn đề nhân sự, chủ hệ thống cơm gà thông tin nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và 100% nhân sự sẽ hoạt động lại, thậm chí phải bổ sung thêm để phục vụ khách mang về. "Điều thuận tiện cho bên tôi là hầu hết nhân viên đều ở trong thành phố, dễ liên lạc và đi lại", chủ tiệm Cơm gà chị Tư nói thêm.

Chia sẻ về kế hoạch phục vụ khách tại chỗ trong thời gian tới, anh Nam cho biết các cửa hàng chỉ hoạt động với công suất 50% và vẫn hướng đến bán mang về nhiều hơn.

Chờ hướng dẫn chính thức

Chị Ngọc Anh, Giám đốc điều hành của Lobster Bay, nói với Zing đã nắm được thông tin TP.HCM cho phép hàng quán phục vụ khách tại chỗ. Tuy nhiên, khi hỏi địa phương về vấn đề mở bán, quy định, nhà hàng này nhận được câu trả lời vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Lobster Bay đang trong trạng thái chờ đợi cập nhật thông tin mới.

Đại diện thương hiệu cho biết nếu nhận công văn chính thức, nhà hàng cũng phải mất thêm 3-5 ngày mới có thể quay trở lại. "Để mở bán trực tiếp suôn sẻ, chúng tôi phải có đủ nhân viên và thêm thời gian dọn dẹp, sửa sang không gian quán", chị Anh nói.

Trong mùa dịch, chi nhánh quận 3, quận 10 vẫn đang hoạt động với khoảng 30% nhân viên gồm thu ngân, đầu bếp... để tối giản chi phí.

Việc duy trì mở bán online không chỉ để khách hàng nhớ, dễ nhận diện thương hiệu mà còn giúp nhà hàng duy trì một số bộ phận: "Tôi đoán việc tuyển dụng sau dịch sẽ rất khó khăn do nhân viên về quê, đổi nghề".

Chị Ngọc Anh chia sẻ trước đây, lượng khách đặt qua các kênh online chiếm khoảng 35-40%. Mùa dịch, đơn hàng mua về tăng gấp đôi do nhu cầu, cộng với việc mua thực phẩm khó khăn. Đây là hình thức kinh doanh được nhà hàng tập trung đẩy mạnh trong thời bình thường mới.

Diễn biến 2 năm nay nằm ngoài tầm quyết định và kiểm soát nên doanh nghiệp F&B chỉ hy vọng đại dịch sớm được khống chế để tập trung kinh doanh.

Nguồn: https://zingnews.vn/chu-nha-hang-o-tphcm-toi-cho-ngay-nay-lau-lam-roi-post1273563.html

Tin liên quan