Cô gái được mai mối 28 lần trong 2 tháng

Zing trích dịch bài đăng trên Hangzhou Daily kể về câu chuyện của một cô gái 25 tuổi sống tại Trung Quốc, phải liên tục đi xem mặt để tìm kiếm bạn đời dưới sự thúc ép của gia đình.

Shanshan năm nay 25 tuổi và lớn lên tại thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp đại học, cô ở lại thành phố Hàng Châu làm việc. Trong mắt bạn bè, Shanshan là người có vẻ ngoài nổi bật, yêu thích thời trang và biết cách ăn diện. Cô cũng nhận được nhiều sự yêu mến của bạn khác giới.

Thế nhưng, Shanshan cũng không tránh khỏi chuyện bị người nhà giục lấy chồng.

Tại Trung Quốc, các cô gái sau 25 tuổi còn độc thân bị coi là “phụ nữ còn sót lại”, chịu áp lực lớn từ người xung quanh.

Tết Nguyên đán vừa qua, bố mẹ Shanshan đã sắp xếp cho con gái nhiều buổi xem mặt. Nhưng tất cả đã phải hủy bỏ do dịch Covid-19. Tình hình tốt hơn trong 2 tháng gần đây nên các buổi hẹn đều nằm trong danh sách chờ mà cô gái 25 tuổi có nghĩa vụ hoàn thành càng sớm càng tốt.

Giờ đây, bất kể thời gian nào không làm việc như sau giờ làm, cuối tuần, nghỉ lễ, Shanshan đều phải đi xem mặt. Nếu tính sơ sơ, cô đã gặp 28 chàng trai trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Cô gái đeo mặt nạ ở các buổi hẹn hò giấu mặt tại Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

Cỗ máy xem mặt

Trên thực tế, Shanshan đã bắt đầu được mai mối từ khi vừa tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, tần suất các cuộc hẹn không cao lắm vì bố mẹ cô chưa tạo quá nhiều áp lực.

Thế nhưng, khi Shanshan chạm mốc 25 tuổi, người nhà cô sốt sắng hơn rất nhiều. “Không chỉ bố mẹ, đến cả ông bà nội ngoại, cậu mợ, cô dì đều gọi điện hỏi thăm, thúc giục tôi. Có lần vì quá mệt mỏi, tôi đã phản ứng lại. Mẹ tôi thậm chí trách móc: ‘Thật bất hạnh khi con gái đến tuổi này vẫn không chịu kết hôn’”.

Shanshan đã rất bất lực và phải xin lỗi bố mẹ. Kể từ đó, cô liên tục đi xem mặt. Không chỉ cuối tuần, các cuộc hẹn còn được sắp xếp vào buổi sáng sớm hoặc tối muộn khi cô và đối phương không có việc bận.

Thông tin về người độc thân được treo ở một sự kiện mai mối. Ảnh: SCMP.

“Khi tôi đang ăn tối với người này, một người khác đang trên đường tới. Tôi trở nên suy sụp, nghẹt thở vì suốt ngày bị giục. Quá nhiều cuộc hẹn khiến tôi không tìm được nhịp điệu trong mối quan hệ. Tôi không khác gì một cỗ máy xem mặt không cảm xúc”.

Mỗi ngày, Shanshan có hàng trăm tin nhắn chưa đọc trong điện thoại, bao gồm cả tin nhắn từ nơi làm việc, đối tượng xem mặt, các thành viên trong gia đình và cả của người mai mối.

“Đa số chàng trai tôi gặp đều thân quen với họ hàng hoặc bạn bè của tôi. Nếu không cẩn thận tôi có thể đánh mất các mối quan hệ”, cô nói.

Kết hôn là cách báo hiếu duy nhất

Shanshan nhớ lại buổi xem mặt đầu tiên, cô có một chút lo lắng và hồi hộp. “Đúng như người ta mô tả, những buổi hẹn như vậy giống như đi mua vé số, tưởng rằng mình sẽ trúng độc đắc, vậy mà giờ lại đối mặt với nỗi thất vọng”.

Tất nhiên cuộc gặp gỡ đó chẳng đi đến đâu. Cứ như vậy vài năm qua, cô đã gặp hàng chục chàng trai. Họ đến từ nhiều tầng lớp xã hội, cũng có những người giàu có.

Song, Shanshan chỉ ăn cơm cùng họ đúng một lần rồi không bao giờ gặp lại nữa. Cô thậm chí còn không nhớ rõ mặt từng người.

“Mỗi lần gặp nhau đều như một cực hình.Tôi luôn mặc thật đẹp nhưng không còn mong chờ đoạn kết nữa”.

Nhiều người bạn không hiểu tại sao một cô gái độc lập như Shanshan lại nghe theo sự sắp đặt của người nhà để tham gia những cuộc hẹn mù quáng như vậy. Tuy nhiên, cô gái 25 tuổi có lý do của riêng mình.

Các đôi thu thập thông tin về nhau trong buổi xem mặt. Ảnh: Sixth Tone.

Shanshan là con lớn trong gia đình. Em gái cô đang học đại học, còn bố mẹ đã già yếu. Từ nhỏ đến lớn, Shanshan được người thân chu cấp mọi thứ. Nhưng đến khi cô trưởng thành, họ không mong muốn tiền bạc từ cô.

“Kết hôn, sinh con là điều duy nhất tôi có thể làm để khiến bố mẹ cảm thấy được báo đáp”, Shanshan cho hay.

Thế nhưng, dù có muốn phụ huynh hài lòng đến đâu, Shanshan vẫn không thể tìm được người phù hợp sau hàng chục cuộc hẹn.

Ban đầu, cô không thấy ai có thể làm “trái tim loạn nhịp”. Sau vài lần tán gẫu, các chàng trai đều biến mất. Điều này cũng khiến cô ngày càng tự ti.

Về sau, Shanshan thay đổi quan điểm. Cô cố “tẩy não” mình rằng hôn nhân khác tình yêu, có duyên thì tốt, song không có cũng chẳng sao và tình cảm có thể vun đắp từ từ.

“Nhưng khi một người đàn ông phù hợp xuất hiện, tôi cũng không có ác cảm gì với anh ta song lại chẳng thể mở lòng như mình muốn”, cô nói.


Nguồn: Báo Zing

Tin liên quan