Công an TP Hồ Chí Minh: Không đổi giấy đi đường sau ngày 6/9

 

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Huyền Mai.

Đến ngày 6/9, vấn đề được nhiều cá nhân, đơn vị quan tâm là về thời hạn của giấy đi đường do Công an TP Hồ Chí Minh cấp phát. Phát biểu tại cuộc họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, quyết định của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào, Công an Thành phố sẽ gia hạn kéo dài thời gian hiệu lực của giấy đi đường đã cấp đến ngày đó.

Công an TP Hồ Chí Minh sẽ không đổi giấy đi đường để tránh gây thêm phiền phức cho các đối tượng đã được cấp.

Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, thời gian tới, đối với các địa phương kiểm soát được tình hình dịch như quận 7, huyện Củ Chi…, thành phố sẽ có các phương án khởi động lại các hoạt động sản xuất kinh doanh để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh về kinh tế và đời sống của người dân.

Công an TP Hồ Chí Minh đã tính đến nhiều giải pháp để đến khi thành phố đặt ra các tiêu chí an toàn (hiện vẫn đang bàn luận) như tiêm vắc xin, xét nghiệm, tuân thủ các quy định về 5K trong các hoạt động, lưu thông có điều kiện… sẽ áp dụng kịp thời.

Theo đó, Công an TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cập nhật dữ liệu liên quan tới tiêm ngừa vắc xin, bệnh nhân mắc Covid-19, an sinh xã hội, các trường hợp được cấp giấy đi đường... vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Khi thành phố đặt ra các điều kiện an toàn với đối tượng nào, diện nào được lưu thông, Công an Thành phố sẽ quản lý được thông qua mã QR.

Hiện nay, Công an TP Hồ Chí Minh đang mở rộng thêm các điểm kiểm soát quét mã QR để kiểm tra diện lưu thông trên đường xem có đúng tiêu chuẩn, tiêu chí hay không.

Khi hoàn thành, không cần tới giấy đi đường vẫn có thể xác minh được người dân có thuộc đối tượng được lưu thông hay không.

Ngoài ra, Công an TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai, mở rộng thêm các chốt kiểm soát có sử dụng camera quét mã QR để kiểm soát lưu lượng người dân mà không cần thông qua giấy đi đường.

Về trường hợp luật sư chưa được cấp giấy đi đường mặc dù các hoạt động pháp lý vẫn đang diễn ra liệu có ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi của người bị tạm giam, tạm giữ, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, hiện nay, các luật sư không nằm trong đối tượng được cấp giấy đi đường nhưng Ban lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo đến các cơ quan tố tụng trên địa bàn rằng, đối với từng vụ việc cụ thể, khi có nhu cầu bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị can, người tạm giam, Cơ quan điều tra có trách nhiệm báo cáo gửi cho Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh.

Từ đó, Công an TP Hồ Chí Minh thực hiện cấp giấy đi đường trong phạm vi hoạt động và có thời gian giới hạn cụ thể cho luật sư.

Nguồn GDTĐ

Tin liên quan