Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công: Động lực tăng trưởng kinh tế

Dự án đường Vành đai 3 đoạn đi qua hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đang được tập trung thi công, phấn đấu hoàn thành vào dịp 10-10-2020. Ảnh: Mạnh Hà

Đòi hỏi nỗ lực lớn

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 được HĐND thành phố phê duyệt là 107.303 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã bố trí 101.019 tỷ đồng. Số vốn còn lại sẽ được thu xếp tiếp trong thời gian tới. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 31-1-2020, lũy kế kết quả giải ngân vốn trung hạn nói trên mới đạt 67.490 tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch đã giao của giai đoạn 2016-2019 và bằng 62,9% tổng mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 được phê duyệt. Như vậy, khối lượng công việc còn khá nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, địa phương và các chủ đầu tư.

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, theo Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hương, quý I-2020, tỷ lệ giải ngân qua kho bạc đạt 10,7%. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không chỉ nguồn cung nguyên vật liệu bị thiếu trầm trọng mà nguồn lao động cũng khan hiếm khiến các chủ đầu tư, nhà thầu gặp khó khăn trong việc đấu thầu, triển khai thi công.

Bên cạnh đó, trong tháng 1-2020, chủ đầu tư vừa triển khai kế hoạch vốn đầu tư năm 2020, vừa tập trung hoàn thiện hồ sơ thủ tục để thanh toán khối lượng hoàn thành thuộc kế hoạch vốn năm 2019, nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. "Trên cơ sở kế hoạch vốn thành phố giao kiểm soát qua Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các ban quản lý dự án khoảng 10,6%. Trong đó, Ban Quản lý xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp chỉ đạt 0,7% (14 tỷ đồng); Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 2,5% (10 tỷ đồng)", bà Nguyễn Thị Thanh Hương thông tin.

Chia sẻ thêm nguyên nhân, Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Quốc Chương cho rằng, khó khăn trong giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án. "Thực tế cho thấy, các huyện Quốc Oai, Ba Vì hay quận Bắc Từ Liêm có tỷ lệ giải ngân cao là do làm tốt việc giải phóng mặt bằng, từ đó tiến độ dự án được đẩy nhanh. Ngược lại, huyện Thường Tín, Phúc Thọ… đạt kết quả giải ngân vốn thấp cũng vì chưa khắc phục được nguyên nhân này", ông Nguyễn Quốc Chương nêu ví dụ.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) đang được đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thi công. Ảnh: Yên Khánh

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Theo UBND thành phố Hà Nội, dù hụt thu ngân sách vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng thành phố Hà Nội không điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020, bao gồm 22.000 tỷ đồng vốn kế hoạch của năm, 11.000 tỷ đồng từ các kỳ giải ngân trước chuyển sang và khoảng 6.000 tỷ đồng vốn kết dư ngân sách năm 2019 đã được giao cho đầu tư công năm 2020. Đây là con số rất lớn và nếu giải ngân được sẽ có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thành phố, trước mắt là tác động tới tăng trưởng kinh tế trong quý II-2020.

Trước tình hình trên, thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19; tăng cường rà soát, đánh giá dự án và sắp xếp thứ tự ưu tiên, trong đó dự án không vướng giải phóng mặt bằng phải khởi công trước ngày 30-6, các dự án còn lại khởi công chậm nhất trước ngày 30-9. Trong vòng 4 ngày kể từ khi có khối lượng được nghiệm thu, chủ đầu tư phải làm thủ tục thanh toán với kho bạc; Kho bạc Nhà nước thanh toán ngay trong vòng 3 ngày khi đủ điều kiện giải ngân...

Các sở, ngành, địa phương trong thẩm quyền, trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, giải phóng mặt bằng. Thành phố sẽ tăng cường thanh tra công vụ chủ đầu tư 2 tháng liền có tỷ lệ giải ngân vốn thấp hơn 20% tỷ lệ giải ngân chung, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây khó khăn làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...

Từ góc độ đơn vị quản lý dự án, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn thông tin, một số dự án trọng điểm đang được đơn vị đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, dự án Vành đai 3 đoạn đi qua hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) dự kiến hoàn thành vào dịp 10-10-2020; dự án nút giao đường Hoàng Quốc Việt và đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy) dự kiến hoàn thành dịp Quốc khánh 2-9-2020... Đơn vị tập trung triển khai theo hướng đồng bộ, tăng tốc độ chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đấu thầu để khởi công dự án mới bên cạnh việc đôn đốc nhà thầu tăng ca đối với các dự án đang triển khai.

Cũng liên quan đến hoạt động các ban quản lý dự án, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ rõ, các ban quản lý dự án phải chấn chỉnh ngay tình trạng thiếu ý thức, trách nhiệm của cán bộ làm việc trực tiếp. Đây chính là tồn tại lớn nhất dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư thời gian qua. Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố lập tổ công tác để rà soát, tháo gỡ điểm nghẽn của từng dự án; điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án không bảo đảm tiến độ sang dự án cần khởi công, hoàn thành sớm.

Thành phố Hà Nội cũng đã kiến nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng; cho phép chỉ định thầu một số công trình cấp bách trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, chống ùn tắc giao thông.

Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh việc rà soát những cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giải ngân vốn, cần rà soát, làm rõ ngay việc phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên các ban quản lý dự án theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ lưu ý, cùng với việc tập trung nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thành phố chính là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.


Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Tin liên quan