Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 17/7: Brazil vượt 2 triệu ca bệnh, Ấn Độ vượt 1 triệu ca

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 233.000 ca mắc COVID-19 và trên 5.300 ca tử vong.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Niteroi, Rio de Janeiro, Brazil ngày 22/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua là Mỹ (trên 64.000 ca), Brazil (trên 41.000 ca) và Ấn Độ (trên 35.000 ca).

Về số ca tử vong, trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận nhiều người chết nhất (1.165 ca), tiếp đó là Mỹ (813 ca) và Ấn Độ (680 ca).

Trong nhiều ngày qua, Mỹ, Brazil và Ấn Độ luôn là ba nước có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới xét cả về số ca mắc và ca tử vong. Tính tới 6 giờ sáng 17/7 (giờ Việt Nam), Brazil đã vượt mốc 2 triệu ca bệnh, còn Ấn Độ vượt mốc 1 triệu ca, còn Mỹ đã vượt mốc 3 triệu ca từ nhiều ngày trước.

Châu Mỹ

Mỹ ghi nhận trên 64.000 bệnh nhân trong 24 giờ qua

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Houston, Texas, Mỹ, ngày 2/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Với trên 64.000 bệnh nhân trong 24 giờ qua, Mỹ hiện có trên 3,6 triệu ca bệnh, trong đó gần 141.000 người tử vong.

Trong 10 ngày trở lại đây, số ca mắc COVID-19 ở Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên thế giới, liên tục tăng ở mức 55.000-65.000 ca/ngày. Số ca tử vong hiện là trên 136.400 ca.

Số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã tăng cao trở lại kể từ cuối tháng 6 vừa qua, chủ yếu ở các bang miền Nam và Tây nước này. Đáng chú ý, hai bang Texas và Florida ghi nhận số ca bệnh ở mức trên 10.000 ca/ngày, lên mức cao nhất kể từ khi bùng dịch.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, chuỗi siêu thị bán lẻ hàng đầu ở Mỹ Walmart thông báo kể từ ngày 20/7 sẽ yêu cầu tất cả khách hàng phải đeo khẩu trang khi mua sắm. Trước đó, Walmart chỉ khuyến cáo khách hàng nên đeo khẩu trang chứ không ra quy định bắt buộc.

Tại New York, nơi từng là tâm dịch lớn nhất nước Mỹ, dự kiến sẽ mở cửa giai đoạn 4 vào ngày 20/7 tới. Tuy nhiên, các không gian hoạt động trong nhà như trung tâm mua sắm, bảo tàng hay phòng tập thể thao sẽ vẫn phải đóng cửa mặc dù đây là giai đoạn cuối trong lộ trình mở cửa lại gồm 4 giai đoạn do Thống đốc Andrew Cuomo đưa ra.

Mở cửa giai đoạn 4 là sự kiện hết sức quan trọng đối với New York bởi đây sẽ là thời điểm ông Cuomo cân nhắc và quyết định kế hoạch mở lại các trường học như thế nào, kết hợp vừa học trực tuyến và học trực tiếp như thế nào, vào tháng 9 tới.

Hiện nay, ngoài yêu cầu khách tới New York từ 22 bang điểm nóng dịch bệnh phải khai báo các mối quan hệ tiếp xúc, Thống đốc Cuomo chỉ cho phép các quán bar bán đồ uống có cồn cho khách có mua kèm đồ ăn nhằm hạn chế số người tụ họp đám đông và không đảm bảo giãn cách xã hội.

Giới chức bang New York đưa ra quyết định mở cửa thận trọng như vậy bởi lo ngại về tình trạng người dân tụ tập thành nhóm đông người ăn uống và không tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh như tình trạng đã xảy ra trong mấy tuần vừa qua.

Venezuela siết chặt biện pháp giãn cách tại thủ đô Caracas

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Caracas, Venezuela ngày 14/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Venezuela đã quyết định siết chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội ở thủ đô Caracas và bang Miranda chỉ hai ngày sau khi chấp thuận nới lỏng do sự gia tăng bất thường của các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các địa phương này.

Trong thông báo trên mạng xã hội Twitter, Phó Tổng thống Delcy Rodriguez cho biết Tổng thống Nicolas Maduro đã ký sắc lệnh đưa hai địa phương trên quay trở lại giai đoạn 1 của chương trình cách ly triệt để nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và bảo vệ sức khỏe của người dân.

Hiện Venezuela phải đối phó với cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội sâu sắc, do vậy giới chuyên gia lo ngại việc bùng phát mạnh của dịch COVID-19 sẽ khiến cho hệ thống y tế của nước này sụp đổ.

Theo thống kê chính thức, Venezuela đã ghi nhận 10.428 ca mắc COVID-19, trong đó có 100 ca tử vong.

Tổng thống Brazil vẫn dương tính với SARS-CoV-2

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tới dự một hội nghị cấp Bộ trưởng ở Brasilia ngày 12/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với phóng viên tại thủ đô Brasilia, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết một lần nữa ông đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, một tuần sau khi ông thông báo mắc căn bệnh này. Ông cho hay sẽ xét nghiệm lần nữa trong vài ngày tới.

Trước đó cùng ngày, đài CNN tiếng Brazil đã đưa tin về kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 của Tổng thống Bolsonaro.

Tính tới 6 giờ sáng 17/6, tổng số ca bệnh ở Brazil đã vượt mốc 2 triệu, trong đó có trên 76.000 ca tử vong.

Châu Á

Trung Quốc: Hong Kong ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng cao kỷ lục

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 15/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Lần thứ hai trong tuần này, Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong đã ghi nhận số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở mức cao kỷ lục tính theo ngày.

Trung tâm Chăm sóc y tế Hong Kong (CHP) ngày 16/7 cho biết có thêm 63 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và 4 ca lây nhiễm từ bên ngoài, nâng tổng số tại vùng lãnh thổ này lên 1.655 ca.

Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 35 ca chưa rõ nguồn lây nhiễm, trong khi 28 ca liên quan tới các ca nhiễm trước đó. Tính tới trưa cùng ngày, 319 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 6 trường hợp nguy kịch.

Số ca "ngoại nhập" ở Hàn Quốc chưa có dấu hiệu giảm

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại sân bay quốc tế Incheon, phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 1/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 16/7 cho biết số ca nhiễm mới đã tăng trở lại ngưỡng 60 ca, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 13.612 người.

Trong số 61 ca nhiễm mới có 47 ca lây nhiễm từ bên ngoài và là số ca nhiễm "ngoại nhập" nhiều nhất kể từ khi ghi nhận 51 ca vào ngày 25/3 vừa qua. Trong các ca nhiễm này, 20 người được phát hiện trong quá trình kiểm dịch ở sân bay và cảng biển, 27 người còn lại xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 trong thời gian cách ly tập trung và cách ly tại nhà.

Theo KCDC, kể từ ngày 26/6 đến nay, số ca nhiễm từ bên ngoài đã 3 tuần liên tiếp duy trì mức hai chữ số. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tái bùng phát, nhiều nước trên thế giới lại nới lỏng các biện pháp phong tỏa, số người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Hàn Quốc bắt đầu tăng do ngành nông nghiệp và công nghiệp trong nước đang vào mùa cần nhân công. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm ngoại nhập tăng nhanh trong vài tuần trở lại đây. KCDC nhận định, với các biện pháp kiểm dịch và cách ly chặt chẽ như hiện nay, các ca nhiễm ngoại nhập ít có khả năng lây lan ra cộng đồng trong quá trình tự cách ly. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới hàng ngày đang có dấu hiệu tăng trở lại, gây tâm lý bất an và gánh nặng cho hệ thống phòng dịch và y tế của Hàn Quốc.

Số ca nhiễm mới tại thủ đô của Nhật Bản tăng nhanh

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 26/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Thị trưởng thành phố Tokyo Yuriko Koike cho biết thành phố có 280 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 16/7. Đây là số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục tại thủ đô Tokyo, một ngày sau khi thành phố này nâng cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm lên mức cao nhất.

Theo Thị trưởng Koike, số ca nhiễm mới này, vượt kỷ lục trước đây là 243 ca ghi nhận vào ngày 10/7, phản ánh số lượng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được triển khai ở thủ đô Tokyo lên tới 4.000 xét nghiệm/ngày, cũng ở mức cao mới.

Sau khi Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hồi cuối tháng 5, số ca nhiễm mới đã gia tăng tại thủ đô Tokyo, với đỉnh điểm là 243 ca nhiễm được ghi nhận vào ngày 10/7. Giới chức thành phố cho biết nhiều ca nhiễm mới bắt nguồn từ các khu vui chơi giải trí ban đêm và những người mắc bệnh ở độ tuổi 20 và 30, nhóm tuổi vốn ít có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng.

Ngày 15/7, chính quyền thành phố Tokyo đã nâng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm lên mức cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp độ, đồng nghĩa dịch bệnh có thể lan rộng. Chính quyền thủ đô đã kêu gọi người dân tránh các chuyến đi không cần thiết tới các tỉnh khác và hạn chế tới các câu lạc bộ ban đêm và các nhà hàng vốn là những nơi chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

Ấn Độ vượt 1 triệu ca mắc

Chuyển bệnh nhân nghi mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 10/7. Ảnh: THX/TTXVN

Ấn Độ đã ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục, ở mức 35.468 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên trên 1 triệu ca, trong đó có 24.609 ca tử vong.

Cho đến nay Ấn Độ có 612.814 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, với tỷ lệ hồi phục tăng lên đến 63,24%. Ấn Độ khẳng định việc đẩy mạnh xét nghiệm, chẩn đoán kịp thời và quản lý hiệu quả bệnh nhân thông qua cách ly tại nhà có giám sát hoặc chăm sóc y tế tích cực tại bệnh viện đã giúp tỷ lệ phục hồi tăng mạnh, vượt xa số ca mắc bệnh. Ngoài ra, các quy chuẩn cách ly tại nhà kết hợp với sử dụng máy đo oxy đã giúp theo dõi các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, từ đó giảm áp lực đối với cơ sở hạ tầng y tế.

Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng y tế ở Ấn Độ để điều trị bệnh nhân COVID-19 bao gồm 1.378 bệnh viện chuyên dụng, 3.077 trung tâm y tế chuyên dụng và 1.0351 trung tâm chăm sóc sức khỏe. Các cơ sở này được trang bị 21.738 máy thở, 46.487 giường hồi sức tích cực và 165.361 giường hỗ trợ thở oxy.

Iran vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/7, Iran thông báo số ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia này tăng lên 267.061 ca sau khi ghi nhận 2.500 ca mắc trong 24 giờ qua.

Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia Trung Đông này là 13.068 ca, tăng 198 ca so với một ngày trước đó.

Tới nay, 230.608 bệnh nhân COVID-19 tại Iran đã hồi phục và còn 3.471 bệnh nhân đang điều trị trong tình trạng nguy kịch. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari, hiện 25 tỉnh của Iran có nguy cơ cao hoặc trong tình trạng cảnh báo dịch bệnh.

Châu Âu

Slovakia, Bồ Đào Nha chuẩn bị ứng phó làn sóng thứ 2

Nhà Vua Tây Ban Nha Felipe (phải), Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa (thứ 2 phải), Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (trái) và người đồng cấp Bồ Đào Nha Antonio Costa (thứ 2 trái) tại buổi lễ mở cửa trở lại biên giới chung tại Badajoz, Tây Ban Nha, ngày 1/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Slovakia đang chuẩn bị các biện pháp để ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 2 dịch COVID-19 cũng như tình huống dịch COVID-19 diễn biến xấu đi.

Sau cuộc họp với Ban xử lý khủng hoảng quốc gia, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Roman Mikulec cho biết cơ quan chức năng nước này đã đánh giá tất cả các yếu tố liên quan tình hình dịch bệnh, kể cả phương án tái áp đặt các biện pháp hạn chế để ứng phó trong thời gian tới.

Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Trencin, Richard Rybnicek, người tham dự cuộc họp cho biết Ban xử lý khủng hoảng quốc gia đã kiến nghị các địa phương không nên tổ chức các hội chợ vì có thể gây rủi ro cao đối với khách tham quan. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu các hội chợ Giáng sinh năm nay tại Slovakia có được tổ chức hay không.

Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antoniao Costa cho rằng nước này cần chuẩn bị "ngay từ bây giờ" các biện pháp ứng phó với làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 vào mùa đông tới. Theo Thủ tướng Costa, không thể tái áp đặt các biện pháp thực thi trong thời gian Bồ Đào Nha ban bố tình trạng khẩn cấp vài tháng trước đây, vì xã hội và người dân sẽ không đủ sức chịu đựng. Ông cảnh báo mùa đông sắp tới sẽ là thời điểm khó khăn hơn cả thời gian dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Do đó, Bồ Đào Nha cần nhanh chóng triển khai mọi nỗ lực trong khả năng để đảm bảo sự vận hành của xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và dịch vụ công cộng.

Pháp bắt buộc người dân đeo khẩu trang

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 10/7. Ảnh: THX/TTXVN

Nhà chức trách Pháp cho biết đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc tại nhiều khu vực thuộc vùng Mayenne, Tây Bắc nước này, từ ngày 16/7, sau khi số ca mắc COVID-19 tăng cao tại đây.

Theo tuyên bố của Chính quyền cùng Mayenne, người dân sẽ phải đeo khẩu trang tại thành phố Laval cùng 5 đô thị khác là Bonchamp-les-Laval, Change, L'Huisserie, Louverne và Saint-Berthevin. Trong khi đó, phát biểu trên đài phát thanh France Inter, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nhấn mạnh tình hình dịch bệnh hiện nay tại Mayenne rất phức tạp.

Cùng ngày, Chính phủ Pháp cho biết người dân sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang khi tới các địa điểm công cộng trong nhà từ tuần tới. Hiện Pháp mới chỉ yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc tại các địa điểm công cộng - những nơi không thể thực hiện giãn cách xã hội.

Tính đến nay, Pháp ghi nhận 173.838 ca mắc COVID-19, trong đó có 30.138 người tử vong.

Hungary hoãn kỷ niệm ngày Quốc khánh

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 tại trung tâm y tế ở Budapest, Hungary ngày 27/3. Ảnh: AFP/TTXV

Ngày 16/7, Chính phủ Hungary ra thông báo hoãn việc tổ chức lễ mừng ngày Quốc khánh của nước này vào ngày 20/8 tới do dịch COVID-19.

Thông thường buổi lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh, với các màn bắn pháo hoa chào mừng, thu hút hàng chục nghìn người dân tới tham dự ở thủ đô Budapest. Hungary đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế nhằm khống chế dịch COVID-19 vào tháng 5 vừa qua, song vẫn cấm tổ chức các buổi hòa nhạc và lễ hội tập trung hơn 500 người cho đến ngày 15/8.

Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết kể từ đầu tháng 5, số ca mắc COVID-19 tại nước này liên tục giảm. Điều này cho thấy các biện pháp mà chính phủ áp dụng đa phát huy hiệu quả. Dự kiến, vào cuối tháng này, chính phủ sẽ quyết định liệu có cho phép tổ chức lại các sự kiện lớn, tập trung đông người từ nửa cuối tháng 8 hay không.

Ngày 12/7, Hungary đã ban hành thêm các quy định về việc đi lại với các nước trong bối cảnh một số nước láng giềng và trong vùng Balkans ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng.

Tính đến nay, Hungary ghi nhận 4.279 ca mắc COVID-19, trong đó có 595 người tử vong.

Tây Ban Nha tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì COVID-19

Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI phát biểu tại lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì COVID-19 ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 16/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Tây Ban Nha ngày 16/7 đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ hơn 28.400 người dân nước này tử vong vì căn bệnh COVID-19.

Phát biểu tại buổi lễ, Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI đã hoan nghênh phản ứng của người dân trước đại dịch, đồng thời kêu gọi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.

Gần 3 tuần sau khi mở cửa lại nền kinh tế đất nước, Tây Ban Nha đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng trở lại, với hàng chục ổ dịch mới. Hiện khu vực đáng quan ngại nhất về dịch bệnh là ở trong và xung quanh thành phố Lerida thuộc vùng tự trị gồm Catalonia. Chính quyền vùng đã yêu cầu người dân ở nhà, gây ảnh hưởng tới 160.000 người, đồng thời yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang khi tới các địa điểm công cộng.

Trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ nhất, Chính phủ Tây Ban Nha đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 14/3, và áp đặt các biện pháp phong tỏa được cho là nghiêm ngặt nhất thế giới.

Tính đến sáng 17/7, Tây Ban Nha ghi nhận 305.935 người mắc COVID-19, trong đó có 28.416 trường hợp tử vong.

Châu Phi: Algeria tái phong tỏa 29 tỉnh, thành

Người dân di chuyển trên đường phố tại Algiers, Algeria ngày 14/6. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 16/7, Văn phòng Thủ tướng Algeria cho biết chính phủ nước này đã quyết định tái phong tỏa một phần trong thời gian 10 ngày đối 29 tỉnh, thành phố trên toàn quốc để ngăn chặn dịch COVID-19.

Theo Văn phòng Thủ tướng Algeria, lệnh giới nghiêm - kéo dài từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau - sẽ được áp dụng đối với 29 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, lệnh giới nghiêm này còn cấm cả hoạt động giao thông đường bộ đối với những phương tiện cá nhân đến và đi giữa các địa phương vừa nêu, nhưng không áp dụng đối với hoạt động vận chuyển người và hàng hóa.

Ngoài ra, quyết định mới còn cấm các hoạt động giao thông công cộng và cả tư nhân trong những ngày cuối tuần đối với 29 tỉnh, thành phố trên; duy trì những đặc quyền cho phép người đứng đầu các địa phương có thẩm quyền áp đặt, sửa đổi hoặc điều chỉnh giờ giới nghiêm tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại địa phương; cho phép người đứng đầu địa phương được cấp phép lưu hành đối với trường hợp cần thiết hoặc tình huống đặc biệt; tiếp tục khử trùng trong không gian công cộng và địa điểm kết nối các địa phương; tăng cường các chiến dịch truyền thông và nhận thức dành cho người dân ở cấp khu phố bằng cách liên kết với các hiệp hội và ủy ban khu phố để yêu cầu người dân tôn trọng các quy định ngăn ngừa dịch bệnh do chính phủ ban hành, đặc biệt là tuân thủ các biện pháp vệ sinh, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang bắt buộc.

Tính tới 6 giờ sáng 17/7 (giờ Việt Nam), Algeria đã ghi nhận tổng cộng 21.355 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.052 người tử vong.


Nguồn: Báo Tin Tức TTXVN

Tin liên quan