Gần 300 công nhân bị nợ bảo hiểm xã hội

298 công nhân của Công ty cổ phần dệt may Gia Định bị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) hai năm với số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Ngày 11/4, gần 30 công nhân làm việc ở nhà máy Tân Phú, một trong hai nhà máy của dệt may Gia Định, kéo lên trụ sở chính ở quận 1, yêu cầu công ty chốt, trả sổ BHXH nhưng bất thành.

Người lao động cho biết liên tục mấy tháng qua họ thường xuyên bị chậm lương, thu nhập giảm mạnh nên không đủ sống. Đầu tháng 3, nhiều công nhân nghỉ việc. Tuy nhiên, công ty không ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, không trả sổ BHXH để họ đăng ký trợ cấp thất nghiệp.

Nam công nhân làm việc ở công ty hơn 7 năm cho biết đã nghỉ việc từ ngày 1/3, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy anh muốn công ty chốt, trả sổ BHXH để làm thủ tục nhận trợ cấp. Nhiều lần gọi điện lên tổng đài công ty nhưng không được phản hồi, anh và đồng nghiệp quyết định tới tận trụ sở.

Theo người lao động, hàng tháng công ty vẫn trích lương công nhân với nội dung tham gia BHXH nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm. Hai năm qua, nhà máy không phát thẻ bảo hiểm y tế cho nhân viên. Lao động đau ốm đi khám phải tự trả tiền. Nhiều người sinh con không được nhận chế độ thai sản.

Một nữ công nhân nói sinh con được 10 tháng, nhưng đến nay chị chưa nhận được số tiền thai sản gần 33 triệu đồng. Nhiều lần liên hệ nhưng công ty không trả lời. Đến khi mất việc, chị muốn đi đăng ký trợ cấp thất nghiệp thì không có sổ BHXH do công ty không đóng bảo hiểm hơn một năm qua.

Trước phản ứng của công nhân, đại diện công đoàn đã đề nghị người lao động ghi thông tin vào danh sách. Dự kiến nội dung này sẽ đưa vào cuộc họp của hội đồng quản trị họp ngày 28/4, thông báo cho công nhân vào cuối tháng 5.

VnExpress đã liên hệ công ty nhưng không nhận được câu trả lời.

Thông tin từ BHXH TP HCM, Công ty cổ phần dệt may Gia Định có hai nhà máy ở quận Tân Phú và Gò Vấp. Từ tháng 4/2021, công ty chậm đóng các khoản bảo hiểm của người lao động. Năm ngoái, đơn vị này bị BHXH thành phố thanh tra đột xuất, sau đó UBND TP HCM xử phạt vi phạm hành chính, song đến nay số nợ vẫn chưa được khắc phục.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc BHXH TP HCM, cho biết khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm, các quyền lợi liên quan đến hưu trí, ốm đau, thai sản, thất nghiệp của người lao động không được giải quyết kịp thời. Đặc biệt, lao động nữ sinh con, cuộc sống sẽ gặp nhiều vất vả hơn vì khoản trợ cấp thai sản bị chậm.

Đến hết quý 1, địa bàn thành phố có 56.736 doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH từ dưới một tháng đến trên 6 tháng với tổng số tiền hơn 5.800 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị nợ dưới một tháng là 8.539, nợ từ 6 tháng trở lên là 10.768 doanh nghiệp.

Ngoài biến động kinh tế khiến doanh nghiệp gặp khó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ BHXH còn do tuân thủ pháp luật của một số đơn vị chưa cao. Việc xử lý, chế tài chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp nợ BHXH chây ì, không chịu đóng.

Nguồn: VnExpress

Tin liên quan