Giới trẻ đổ xô săn tìm, đầu tư hàng hiếm

Từng là thú chơi dành riêng cho giới nhà giàu, xu hướng đầu tư và sưu tầm vật phẩm xa xỉ nay được nhiều người trẻ theo đuổi, theo Reuters.

Nhờ khoản tiết kiệm thời buổi đại dịch, các nhà đầu tư nghiệp dư đang tìm kiếm cơ hội nằm ngoài thị trường truyền thống.

Họ lựa chọn săn tìm, đầu tư vào các món đồ độc đáo và đắt đỏ: từ những chiếc túi xách phiên bản giới hạn, cho đến lá bài trò chơi "hiếm có khó tìm".

Bộ sưu tập Pokemon của Zack Browning hiện có giá trị ước tính là 3-5 triệu USD. Ảnh: PSA.

Điển hình là bộ sưu tập thẻ bài dựa trên trò chơi điện tử Pokemon đình đám những năm 1990. Reuters đưa tin các lá bài có hình nhân vật Charizard ấn bản đầu tiên có giá trị tăng 800% chỉ trong một năm.

Hồi tháng 10/2020, YouTuber tai tiếng Logan Paul từng bỏ ra 150.000 USD để sở hữu lá bài trên. Tại các buổi đấu giá gần đây, mẫu này được định giá ở mức 300.000 USD/tấm.

Zack Browning, người đam mê sưu tầm Pokemon sống tại Chicago (Mỹ), sở hữu 4 thẻ bài tương tự vào năm 2016 với giá dưới 5.000 USD/tấm. Hiện tại, ước tính bộ sưu tập thẻ bài của anh trị giá 3-5 triệu USD.

Sau khi theo học ngành Tài chính tại trường đại học, Browning tập tành đầu tư vào những món hàng hiếm liên quan tới trò chơi ưa thích. Anh khẳng định trào lưu sưu tầm thẻ bài "rất đáng kinh ngạc", thị trường cũng dễ đoán hơn so với chứng khoán.

Túi xách phiên bản giới hạn, tranh vẽ hay vật phẩm trò chơi hiếm là những khoản đầu tư đặc biệt, đang dần phổ biến rộng rãi và có mức tăng ổn định, ngay cả trong dịch.

Số liệu từ công ty tư vấn Knight Frank chỉ ra mẫu túi xách Birkin phiên bản năm 1980, sản phẩm biểu tượng thuộc nhãn hàng Hermes, có giá trị tăng 17% trước rượu vang hảo hạng và xe hơi cổ.

Andrew Shirley, người soạn báo cáo tại Knight Frank, cho biết chiếc Birkin đắt nhất năm ngoái được bán với giá 200.000 USD cho một nhà sưu tầm đến từ châu Á thông qua phiên đấu giá trực tuyến.

Chiếc túi xách Birkin đắt nhất năm 2020 được bán với giá 200.000 USD cho một nhà sưu tầm người châu Á. Ảnh: Telegraph.

Với nhà đầu tư không chuyên, các nền tảng đấu giá như Otis hay Robinhood lại phù hợp hơn cả. Đơn vị này sẽ mua bất cứ vật phẩm nào, từ thẻ bài Pokemon hiếm cho đến áo bóng rổ có chữ ký của huyền thoại Kobe Bryant, chứng khoán hóa và cung cấp cho khách hàng.

Michael Karnjanaprakorn, người sáng lập kiêm CEO Otis, nói với Reuters các nhà đầu tư chủ yếu nằm trong độ tuổi 25-45.

Ông chia sẻ thêm rằng mặt hàng đắt nhất trên Otis hiện tại là bộ thẻ bóng rổ năm 1986 từ nhà sản xuất Fleer, được bán với giá 10 USD/cổ phiếu cách đây 2 tháng. Ít lâu sau, giá trị của nó đã tăng 305%, chạm mức hơn 40 USD.

George Leimer, CEO website sưu tập Rally, nói rằng "khoảng vài trăm nghìn" nhà đầu tư đang hoạt động trên nền tảng, với số lượng người dùng tăng gấp đôi mỗi tháng.

Bên cạnh các vật phẩm truyền thống thường được đấu giá, những món đồ độc lạ, "hiếm có khó tìm" ngày càng được các nhà đầu tư nghiệp dư quan tâm. Ảnh: Sportskeeda.

Leimer cho biết các thẻ bài hiếm lạ liên quan tới trò chơi Pokemon là vật phẩm được săn lùng nhiệt tình, giá trị tăng lên 6 con số trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành lại đưa ra khuyến cáo khi xu hướng đầu tư vào các vật phẩm độc lạ, phi truyền thống như trên dần lan rộng.

John-Paul Smith, cựu chuyên gia cổ phiếu cấp cao tại Deutsche Bank, nhận thấy nhiều nhà đầu tư trẻ đang không phân biệt được giữa sở thích và khoản đầu tư.

"Tôi sẽ không khuyến khích ai bỏ tiền vào các khoản đầu tư này", ông nói.

Nguồn Zing

Tin liên quan