Giới trẻ Trung Quốc với cái gọi là 'văn hóa làm việc 996'
Tại Trung Quốc, nhiều công ty tồn tại một văn hóa làm việc khốc liệt thường được gọi là 996. Bên cạnh đó cũng nổi lên các phong trào phản đối việc vắt kiệt sức lao động như 'bỏ phố về quê' hay 'nằm thẳng'. Chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng và thậm chí mới đây nhất hành động để điều chỉnh những bất cập trong các mô hình này.
Ngày 26-8, Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc ra tuyên bố lên án văn hóa làm việc 996, nghĩa là làm việc từ 9h sáng đến 9h tối suốt 6 ngày mỗi tuần. Trong tuyên bố gửi Bộ Nhân lực và An sinh xã hội, Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc viết: “Gần đây, vấn đề làm việc quá giờ nghiêm trọng ở một số ngành công nghiệp đang được chú ý rộng khắp”.
Tuyên bố dẫn ra nhiều công ty trong các ngành công nghiệp đang vi phạm luật lao động, nhấn mạnh các nhân viên có quyền “nghỉ ngơi và nghỉ dưỡng”, và việc “tuân thủ hệ thống giờ làm việc quốc gia là nghĩa vụ pháp lý đối với các chủ lao động”. Theo đó, việc yêu cầu nhân viên làm thêm giờ như mô hình 996 “đã vi phạm nghiêm trọng luật về giới hạn làm thêm giờ và không đúng với pháp luật”.
Làm việc khốc liệt
Văn hóa làm việc 996 có nguồn gốc từ những ngày đầu bùng nổ Internet của Trung Quốc, khi các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi một loạt tiền đầu tư mạo hiểm chịu áp lực phải thể hiện kết quả. Theo đó, người lao động làm việc tới 72 giờ/tuần, gần gấp đôi so với mức 44 giờ một tuần theo quy định của pháp luật Trung Quốc.
Văn hóa làm việc khốc liệt 996 tồn tại nhiều năm ở các công ty Trung Quốc
Luật pháp Trung Quốc quy định người lao động sẽ được trả gấp đôi khi làm thêm giờ vào ngày cuối tuần, gấp ba vào những ngày nghỉ lễ. Về mặt lý thuyết, văn hóa “996” vi phạm luật pháp Trung Quốc, nhưng nhiều công ty vẫn thực hiện một cách chính thức hoặc phi chính thức.
Lý giải nguyên nhân mô hình lao động cật lực này vẫn phổ biến đến ngày nay, một số chuyên gia cho rằng do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, buộc các công ty phải cắt giảm bộ máy nhân lực. Nhóm nhân viên do đó phải đảm nhận khối lượng công việc lớn hơn bình thường.
Ở một số nơi làm việc, chẳng hạn như các công ty khởi nghiệp non trẻ, 996 là lựa chọn tự nguyện của các doanh nhân đầy tham vọng với hy vọng đây là con đường dẫn đến thành công. Trong khi đó, ở những tập đoàn lớn, nhân viên được thúc ép phải làm việc nhiều giờ để thể hiện cam kết và sự cống hiến. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019, một kỹ sư làm việc tại một nhà cung cấp dịch vụ đám mây ở Bắc Kinh tiết lộ các quản lý ở công ty tuần tra văn phòng vào ban đêm để xem ai vẫn đang làm việc và đánh giá hiệu suất nhân viên.
Văn hóa 996 nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới lãnh đạo doanh nghiệp tại Trung Quốc, những người cho rằng mô hình làm việc tăng ca này là nhân tố giúp ngành công nghệ Trung Quốc vươn lên cạnh tranh với các đối thủ ở Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, làm việc tăng cường đồng thời đảm bảo mức thu nhập cao cho người lao động.
Jack Ma là một trong những người ủng hộ nổi tiếng của 996. Tỷ phú sáng lập Alibaba Group Holding gọi lịch trình làm việc khắc nghiệt là “một điều may mắn lớn cho công ty”, đồng thời nói thêm rằng chính phong cách làm việc này là bệ phóng giúp đẩy những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc lên tầm cỡ và vị thế của họ ngày nay.
Jack Ma cũng kêu gọi các nhân viên của Alibaba thực hành 996 nếu gia nhập Alibaba “nên sẵn sàng làm việc 12 giờ một ngày”. “Chúng tôi không cần những người thoải mái làm việc một ngày 8 tiếng.”
Đại dịch COVID-19 cũng khiến thị trường việc làm ngày càng khắc nghiệt, khiến những nhân viên phải lao động cật lực để giữ cho mình một công việc.
Những phong trào phản đối
Sự phẫn nộ đối với 996 bùng lên vào tháng 12-2019, khi một nhân viên 22 tuổi của công ty thương mại điện tử Pinduoduo ngất xỉu và tử vong trên phố ở Tân Cương sau khi rời công sở lúc 1h30 sáng. Chưa đầy hai tuần sau đó, một nhân viên khác của Pinduoduo tự tử do trầm cảm sau thời gian phải làm việc quá độ. Hai trường hợp này được xem là một vài trong số nhiều nạn nhân của văn hóa làm việc quá độ tại Trung Quốc.
Sự kiện đã thổi bùng làn sóng phẫn nộ trên khắp các mạng xã hội của Trung Quốc đối với một quy định bất thành văn được các hãng công nghệ hàng đầu của nước này áp dụng suốt nhiều năm và là chủ đề đấu tranh của nhiều người lao động cũng như các nhà hoạt động xã hội.
Từ sự bất mãn, giới trẻ Trung Quốc cũng bắt đầu quay lưng với văn hóa 996 bằng nhiều phong trào đối nghịch như "bỏ phố về quê" hay "nằm thẳng" (Tang ping). “Tang ping" hiểu đơn giản có nghĩa là nằm yên, mặc kệ tất cả và xây dựng cho mình một cuộc sống ít tham vọng và lặng lẽ hơn. Cụm từ này bắt nguồn từ một bài đăng của người dùng Kind-Hearted Traveler nói về việc người này chi tiêu 1 tháng vào khoảng 200 nhân dân tệ (khoảng 31 USD) và ngày chỉ ăn 2 bữa và đã không đi làm trong 2 năm. Bài chia sẻ của người dùng này hiện đã bị xóa.
Trong những năm qua, ngày càng nhiều thanh niên thành thị ở Trung Quốc mong muốn chạy trốn khỏi những áp lực của cuộc sống hiện đại để về quê. Trong một nhóm có tên là “cuộc sống thôn dã” trên trang mạng xã hội Douban, hàng chục nghìn thanh niên đã thảo luận về việc nghỉ hưu sớm để tận hưởng vẻ đẹp bình dị và tự nhiên của vùng nông thôn Trung Quốc.
Môi trường làm việc quá khắc nghiệt, kết hợp với chi phí sống đắt đỏ tại các thành phố lớn là nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ Trung Quốc càng muốn rời đi.
Thu nhập bình quân ở các đô thị lớn tại Trung Quốc vào năm 2020 vào khoảng 97.000 nhân dân tệ/người/năm, nếu chia ra các tháng là vào 8.083 nhân dân tệ/tháng, tương đương khoảng 1.250 USD/tháng. Đối với mức sống ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, con số này đủ để chu cấp cho sinh hoạt hàng ngày nhưng không đủ để đầu tư hoặc tích lũy mua nhà hoặc mua xe.
Nguồn: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/gioi-tre-trung-quoc-voi-cai-goi-la-van-hoa-lam-viec-996-i631963/