“Cuộc chiến ở Syria đã thực sự đi đến hồi kết. Nước này đã dần quay trở lại cuộc sống bình thường, hòa bình. Một số điểm nóng vẫn còn xuất hiện ở những khu vực lãnh thổ không nằm trong quyền kiểm soát của chính phủ Syria như Idlib và bờ phía đông của sông Euphrates”, Ngoại trưởng Lavrov cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Trud.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho rằng, các mục tiêu quan trọng nhất về Syria hiện giờ là cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân thường và “thúc đẩy tiến trình chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng để hướng tới một sự ổn định lâu dài, bền vững cho Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.”
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay, phe nổi dậy Syria đang đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực giải quyết tình hình ở nước này.
“Chúng tôi tin rằng việc thiết lập và khởi động ủy ban nhằm tiến hành cải cách hiến pháp sẽ là một bước đi quan trọng tiến tới tiến trình chính trị do chính người dân Syria dẫn dắt và thực hiện với sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc", ông Lavrov trả lời phỏng vấn tờ Trud. "Trên thực tế, thiết lập ủy ban đó sẽ cho phép các phe phái của Syria – chính phủ và phe đối lập – lần đầu tiên bắt đầu tiến hành một cuộc đối thoại trực tiếp về tương lai của đất nước”, ông Lavrov cho hay.
Trước đó, hôm 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Theo Ngoại trưởng Nga, Moscow đã thông báo với Israel về những bước đi mà nước này đang nói tới nhằm “hậu thuẫn cho các nỗ lực của chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố – lực lượng vẫn đang bám trụ ở tỉnh Idlib, đồng thời thúc đẩy các vấn đề có liên quan đến hoạt động hỗ trợ nhân đạo và tạo điều kiện cho tiến trình chính trị sau khi ủy ban hiến pháp được thiết lập”.
Theo ông Lavrov, những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các nước Châu Âu áp đặt lên chính quyền hợp pháp của Syria hoàn toàn phản tác dụng.
Trong khi Nga tuyên bố cuộc chiến ở Syria đã kết thúc, Bộ Quốc phòng Mỹ lại điều động thêm khoảng 150 binh sĩ đến chiến trường đông bắc Syria để thực hiện các cuộc tuần tra chung với Thổ Nhĩ Kỳ, báo chí Mỹ đưa tin. Động thái của Mỹ là một phần của một loạt bước đi ngoại giao và quân sự trong những tuần gần đây nhằm làm giảm căng thẳng trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trước việc Wahsington tiếp tục ủn hộ các đơn vị người Kurd đang hoạt động ở phía bắc Syria.
Giới chức quân sự và ngoại giao của Mỹ từ chối đưa ra lời bình luận về thông tin trên.
Mỹ hiện đang triển khai chưa đầy 1.000 quân ở chiến trường Syria.
Hồi tháng 8 vừa rồi, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận về việc thiết lập một vùng an toàn ở phía bắc Syria. Chính phủ Syria phản đối thỏa thuận của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, miêu tả đó là sự vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như vi phạm luật quốc tế.
Hồi đầu tuần, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ – ông Ibrahim Kalin cho hay, Ankara sẽ hành động đơn phương ở chiến trường phía bắc Syria nếu Mỹ không thực hiện thỏa thuận đã đạt được.
Syria đã rơi vào một cuộc xung đột vũ trang từ năm 2011. Hồi tháng 5/2017, các phe phái đối đầu nhau ở Syria đã tổ chức đối thoại ở thủ đô Nur Sultan của Kazakh dưới sự làm trung gian của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc đàm phán này đã nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn và thiết lập 4 vùng phi quân sự. Dù hiện tại ở một số khu vực của Syria vẫn còn tiếp tục chiến dịch quân sự, ưu tiên hiện giờ được dành cho việc tìm kiếm một giải pháp chính trị.