Hàn Quốc khai thác dịch vụ quảng cáo trên xe buýt như thế nào?

Quảng cáo tại bến chờ xe buýt nhanh BRT tại Hàn Quốc

Những chiếc xe buýt mang theo hình ảnh sản phẩm một thương hiệu, nhân vật nổi tiếng; tay vịn trên xe với hình dáng độc đáo; nhà chờ được thiết kế như hình lò nướng để quảng bá cho bánh hamburger; hay mùi thơm của một thương hiệu cafe lan tỏa bên trong xe buýt... là những cách quảng bá thương hiệu độc đáo trên xe buýt tại xứ sở kim chi.

Lan tỏa cao, chi phí thấp

Hàn Quốc là đất nước có mức chi tiêu quảng cáo lớn thứ 6 trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tính đến năm 2017. Năm 2019, thị trường quảng cáo của Hàn Quốc đạt 10 tỉ USD, theo dữ liệu đánh giá của công ty Cheil Worldwide.

Một trong những hình thức phát triển tại Hàn Quốc là quảng cáo trên phương tiện và hạ tầng vận tải công cộng (bao gồm cả xe buýt, tàu điện ngầm và bến đỗ của các phương tiện này).

Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, năm 2018, loại hình quảng cáo này có tổng trị giá khoảng 542,7 tỉ won (tương đương 477 triệu USD).

Sở dĩ xe buýt được ưa chuộng trong các chiến dịch quảng cáo của những công ty thương mại vì đây là phương tiện phục vụ đông đảo người dân tại các đô thị lớn của Hàn Quốc, hoạt động tần suất cao, liên tục xuất hiện trên đường phố từ sáng sớm cho đến tối muộn; có thể tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng ở nhiều độ tuổi, giới tính và ngành nghề, vùng miền khác nhau...

Những hình ảnh quảng cáo lớn, bắt mắt và sáng tạo trên thân xe buýt sẽ vô cùng nổi bật trên đường phố và dễ thu hút ánh nhìn, tạo ấn tượng với công chúng một cách tự nhiên.

Điển hình như câu chuyện xây dựng và quảng bá thương hiệu thành công cho sản phẩm cafe của hãng bánh và cafe Dunkin’ Donuts (Mỹ) tại Hàn Quốc, mang tên “Flavor Radio”.

Hãng bánh và cafe của Mỹ khéo léo lồng quảng cáo sản phẩm cafe trên hệ thống xe buýt đô thị Seoul bằng cách vừa lắp đặt máy tạo hương, tỏa ra mùi thơm cafe của Dunkin’ Donuts xua tan mùi hôi thường thấy trên xe buýt, đồng thời phát thông tin quảng cáo trên xe.

Qua đó, hành khách vừa ấn tượng với hương cafe lạ, vừa nghe một cách thụ động thông tin về sản phẩm. Khi xuống xe, khách có thể bắt gặp ngay một cửa hàng mang thương hiệu Dunkin’ Donuts gần nhà chờ xe buýt.

Qua chiến dịch đó, thương hiệu bánh và cafe Mỹ lan tỏa rộng, tỉ lệ khách ghé thăm quán cafe của hãng tại Thủ đô Seoul tăng 16% và doanh số các quán nằm gần các bến chờ xe buýt cũng tăng 29% (số liệu thống kê năm 2019).

Hình thức quảng cáo trên xe buýt, nhà chờ thường có chi phí gần như thấp nhất so với các hình thức quảng cáo khác như qua truyền hình, báo chí...

Đó chính là lý do rất nhiều doanh nghiệp nhỏ muốn quảng bá thương hiệu, sản phẩm mới. Thậm chí những tổ chức xã hội/chính trị muốn tuyên truyền hoặc quảng bá, vận động tranh cử... trong ngắn hạn cũng thường chọn quảng cáo trên xe buýt.

Ngoài ra, có nhiều câu lạc bộ hâm mộ người nổi tiếng trong giới trẻ Hàn Quốc rất chịu chi tiền, mua quảng cáo trên tàu điện ngầm và xe buýt, quảng bá hình ảnh cho thần tượng mình yêu thích. Thậm chí họ thực hiện chiến dịch chống lại một thần tượng nào đó cũng với chính cách này.

Để tạo hiệu quả tốt nhất, các chiến dịch quảng cáo tại Hàn Quốc sẽ không tràn lan mà được địa phương hóa để đánh trúng vào đối tượng mà sản phẩm của hãng nhắm tới.

Nhật báo Korea Joongang Daily (Hàn Quốc) dẫn lời ông Shim Sung-wook, chuyên gia về quảng cáo và quan hệ công chúng tại Đại học Hanyang cho biết: “Quảng cáo trên phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm thường phản ánh hoạt động thương mại xung quanh điểm chờ”. Chẳng hạn, các tuyến xe buýt đi qua trường học lớn sẽ có những quảng cáo phục vụ cho học sinh, sinh viên.

Lợi nhuận dùng để bảo trì hạ tầng

Ví dụ điển hình cho thành công của quảng cáo trên xe buýt tại Hàn Quốc là chiến dịch của hãng bánh và cafe Dunkin’ Donuts (Mỹ)

Các hoạt động quảng cáo trên xe buýt tại Hàn Quốc sẽ phải tuân thủ luật quảng cáo ngoài trời. Trong đó có quy định, nội dung quảng cáo trên các phương tiện công cộng cần phải được văn phòng quận/chính quyền thành phố duyệt trước khi triển khai.

Ví dụ, khoảng đầu năm 2020, một câu lạc bộ người hâm mộ của nhóm nhạc trẻ nổi tiếng Hàn Quốc EXO đã tự góp tiền, thực hiện chiến dịch truyền thông rầm rộ tẩy chay và buộc thành viên với nghệ danh Chen phải rời khỏi nhóm vì lý do... đột ngột thông báo cưới.

Nhóm này đã mua quảng cáo trên 5 tuyến xe buýt vận hành tại TP Siheung, tỉnh Gyeonggi, quê hương của Chen, in những dòng chữ lớn “Không có CHEN trong tương lai, hãy rút khỏi nhóm” và “đề nghị đuổi Chen - người phá hoại hình ảnh của nhóm và niềm tin của người hâm mộ”.

Tuy nhiên, ngay sau khi công bố, hoạt động quảng cáo này đã phải rút lại vì bị chính quyền địa phương “tuýt còi”. Chính quyền Siheung khẳng định, chưa nhận được kế hoạch quảng cáo của nhóm này và chưa hề phê duyệt cho nội dung trên được dán lên xe buýt, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận.

Ngoài những nội dung phản cảm, Hàn Quốc còn cấm quảng cáo rượu bia, đồ uống có cồn trên xe buýt, nhà chờ xe buýt, tàu điện ngầm.

Nguồn thu từ quảng cáo có thể được dùng để bảo trì hạ tầng xe buýt. Chẳng hạn, khi Hàn Quốc triển khai kế hoạch làn đường dành riêng cho xe buýt (BRT), để tiết kiệm tiền lắp đặt nhà chờ xe buýt, chính quyền Thủ đô Seoul cho phép các công ty truyền thông đấu thầu vị trí đặt quảng cáo tại các nhà chờ này. Lợi nhuận từ quảng cáo được dùng cho bảo trì và quản lý 327 nhà chờ BRT.

Nguồn Giao Thông

Tin liên quan