Theo hãng tin Reuters, Huawei đã kiện CNEX Labs ra tòa án TP Sherman, bang Texas – Mỹ với cáo buộc "chiếm đoạt các bí mật thương mại liên quan đến công nghệ kiểm soát bộ nhớ và thu hút nhân viên của tập đoàn này".
Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn đã bác bỏ những cáo buộc của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Trong khi đó, CNEX Labs cũng kiện ngược Huawei vì "cố gắng đánh cắp công nghệ của họ bằng cách đóng giả làm khách hàng". Bồi thẩm đoàn cho rằng Huawei đã chiếm đoạt các bí mật công nghệ của CNEX Labs nhưng chưa đưa ra yêu cầu bồi thường.
Ngoài ra, nhà đồng sáng lập CNEX Labs Yiren "Ronnie" Huang dù bị cáo buộc vi phạm hợp đồng lao động về việc thông báo bất kỳ bằng sáng chế nào mà ông có được 1 năm sau khi rời Huawei song cũng không phải bồi thường.
Luật sư đại diện cho nhà sản xuất bán dẫn Mỹ Matthew Gloss ca ngợi đây là một chiến thắng của tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như các tiêu chuẩn về hành vi đạo đức toàn cầu. "Vụ kiện này không phải vì tiền" – ông Gloss nói.
Ngoài CNEX Labs, Huawei cũng đang bị cáo buộc âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của Công ty T-Mobile US từ năm 2012-2014. Phó Chủ tịch bộ phận quản lý khủng hoảng của Huawei Tim Danks, cho biết họ đang cân nhắc các quyết định và xem xét các động thái tiếp theo. Người này bày tỏ thất vọng vì bồi thẩm đoàn không yêu cầu bồi thường thiệt hại cho Huawei vụ ông Huang vi phạm hợp đồng lao động.
Huawei đã kiện CNEX Labs và ông Huang vào năm 2017, muốn được bồi thường ít nhất 85,7 triệu USD tiền thiệt hại và quyền sở hữu công nghệ kiểm soát bộ nhớ của công ty ở bang California này.
Phát ngôn viên của CNEX Labs Paul Sherer tố gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc muốn chiếm đoạt công nghệ bán dẫn tiên tiến của họ.
Hồi tháng 5, Mỹ cấm các cơ quan mua thiết bị viễn thông từ Huawei, đồng thời cấm các công ty Mỹ giao dịch với tập đoàn này bởi lo ngại an ninh quốc gia bị đe dọa.