Hướng dẫn các bước đầu tư chứng khoán đơn giản, dễ hiểu cho người mới bắt đầu
Bạn đang có ý định đầu tư chứng khoán nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, cần tìm hiểu những thông tin nào? Các thuật ngữ cơ bản trong chứng khoán, cách đọc bảng giá, các bước giao dịch trên thị trường... cần quan tâm?
Tìm hiểu kiến thức chung về chứng khoán
Trang bị kiến thức nền tảng là bước đầu tiên để bắt đầu tìm hiểu, tham gia vào bất cứ một lĩnh vực, ngành nghề nào. Với chứng khoán, bạn cần hiểu rõ đó là gì, gồm những loại nào và những thuật ngữ nào quan trọng.
Chứng khoán là gì?
Theo Luật chứng khoán 2006, chứng khoán là 1 bằng chứng xác nhận (giấy chứng nhận) sở hữu hợp pháp của người sở hữu chứng khoán đối với tài sản, hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức phát hành.
Về hình thức, chứng khoán được thể hiện dưới dạng chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Về phân loại, chứng khoán bao gồm: cổ phiếu; trái phiếu; chứng chỉ quỹ; chứng khoán phái sinh; chứng chỉ quỹ có nguồn gốc chứng khoán như quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng vốn góp đầu tư.
Trái phiếu là một trong những loại chứng khoán.
Trong đó, cổ phiếu là loại chứng khoán phổ biến nhất tại Việt Nam, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Thông thường nói tới đầu tư chứng khoán là nói tới việc mua bán cổ phiếu trên thị trường.
Cổ phiếu được hiểu là giấy chứng nhận số tiền nhà đầu tư góp vốn vào 1 công ty cổ phần. Lúc này, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu được gọi là cổ đông của công ty. Lợi nhuận khi mua/bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có thể đến từ việc chênh lệch giá khi mua và khi bán bán hay hưởng cổ tức (bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt).
Một số thuật ngữ thông dụng
- IPO: Phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng.
- Thị trường sơ cấp: Nơi cổ phiếu lần đầu phát hành ra công chúng từ công ty cổ phần.
- Thị trường thứ cấp: Là nơi mua bán cổ phiếu sau khi phát hành sơ cấp. Mua bán cổ phiếu ở thị trường thứ cấp sẽ không có tiền mới được sinh ra mà chỉ là thay đổi quyền sở hữu cổ phiếu giữa người mua và người bán.
- Vốn hóa thị trường: Tổng giá trị cổ phần của một công ty.
- Khối lượng giao dịch: Số chứng khoán được giao dịch trong phiên.
- Thanh khoản: Mức độ nhanh chóng trong việc mua bán chứng khoán.
- Mã cổ phiếu: Nhóm các chữ cái đại diện cho 1 công ty trên sàn giao dịch chứng khoán.
- Cổ tức: Phần lợi nhuận sau thuế được chia cho cổ đông của công ty cổ phần.
- Cổ phiếu Bluechip - Midcap - Penny: Tương ứng là cổ phiếu giá cao - giá trung bình - giá thấp. 3 loại cổ phiếu này đại diện cho 3 dạng quy mô/vốn hóa thị trường của 1 Công ty đang được niêm yết trên TTCK.
- Thị trường bò: Thị trường giá lên, NĐT dự báo giá cổ phiếu tăng.
- Thị trường gấu: Thị trường giá xuống, NĐT dự báo giá cổ phiếu giảm.
- Margin hay giao dịch ký quỹ là việc nhà đầu tư đem cổ phiếu đã mua thế chấp tại công ty chứng khoán để vay tiền tiếp tục mua cổ phiếu.
Cách giao dịch trên thị trường
Để được mua bán cổ phiếu, bạn cần có tài khoản chứng khoán. Bạn có thể trực tiếp mở tài khoản mở tài khoản tại một công ty chứng khoán nào đó hoặc mở gián tiếp qua các ngân hàng. Mỗi công ty chứng khoán sẽ có những quy định về phí giao dịch, lãi suất vay margin khác nhau cũng như những ưu/nhược điểm về giao dịch, nhân viên tư vấn… nên nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi chọn mở tài khoản ở công ty nào.
Hướng dẫn đọc bảng giá chứng khoán
- Cột “Mã CK” (Mã chứng khoán): Gồm danh sách các mã chứng khoán giao dịch (được sắp xếp theo thứ tự từ A – Z) được cấp bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp.
- Cột “TC“ (Giá Tham chiếu – Màu vàng): Giá đóng cửa tại phiên giao dịch gần nhất trước đó.
- Cột “Trần” (Giá Trần – Màu tím): Giá cao nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch.
Bảng giá Công ty chứng khoán VNDirect
- Cột “Sàn” (Giá Sàn – Màu xanh lam): Mức giá thấp nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch.
- Cột “Tổng KL” (Tổng khối lượng): Khối lượng cổ phiếu được giao dịch trong một ngày giao dịch. Cột này cho bạn biết được tính thanh khoản của cổ phiếu.
- Cột “Bên mua”: Bao gồm các nhóm cột “Giá 1” và “KL 1, “Giá 2” và “KL 2”, “Giá 3” và “ KL 3” biểu thị cho 3 mức giá đặt mua (giá cao nhất) và khối lượng giao dịch tương ứng. Trong đó, mức độ ưu tiên thực hiện sẽ giảm dần từ lệnh đặt mua ở Giá 1, Giá 2 và Giá 3.
- Cột “Bên bán”: Bao gồm các nhóm cột “Giá 1” và “KL 1, “Giá 2” và “KL 2”, “Giá 3” và “ KL 3” biểu thị cho 3 mức giá chào bán tốt nhất (giá chào bán thấp nhất) và khối lượng chào bán tương ứng. Trong đó, mức độ ưu tiên thực hiện sẽ giảm dần từ lệnh chào bán ở Giá 1, Giá 2 và Giá 3.
- Cột “Khớp lệnh”: Là hệ thống cột bao gồm các cột “Giá” (chỉ mức giá khớp trong phiên hoặc cuối ngày), “KL” (chỉ khối lượng cổ phiếu khớp tương ứng với mức giá khớp) và “+/-” (chỉ mức thay đổi giá so với giá tham chiếu).
- Cột “Giá”: Bao gồm các cột “Giá cao nhất” (Mức giá khớp cao nhất từ đầu phiên giao dịch đến thời điểm hiện tại), “Giá thấp nhất” (Mức giá khớp thấp nhất từ đầu phiên giao dịch đến thời điểm hiện tại) và “Giá TB”. Nhìn vào đây, nhà đầu tư sẽ biết được giá cổ phiếu thay đổi như thế nào trong phiên giao dịch.
- Cột “Dư mua / Dư bán”: Biểu thị khối lượng cổ phiếu đang chờ khớp hoặc khối lượng cổ phiếu không được thực hiện trong ngày giao dịch.
- Cột “ĐTNN” (Đầu tư nước ngoài): Bao gồm cột “Mua” và “Bán”, chỉ khối lượng cổ phiếu được giao dịch của Nhà đầu tư nước ngoài trong ngày giao dịch.
Thời gian giao dịch
Nhà đầu tư có thể tham giao dịch tại 3 sàn chứng khoán:
- Sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE)
- Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)
- Sàn UPCOM.
Các sàn đều mở cửa vào các ngày làm việc trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, ngoại trừ lễ tết. Thời gian giao dịch trong ngày từ 9:00 sáng đến 2:45 chiều. Trong đó có khoảng thời gian nghỉ trưa từ 11:30 sáng đến 1:00 chiều.
Các lệnh quan trọng
Đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu cũng cần lưu ý tới các lệnh sau: phiên khớp lệnh định kỳ, lệnh ATO và ATC, phiên khớp lệnh liên tục, lệnh LO. Trong đó:
- Phiên khớp lệnh định kỳ sẽ xác định mức giá mở cửa và mức giá đóng cửa của 1 ngày giao dịch, diễn ra vào 15 phút đầu tiên và 15 phút cuối cùng của 1 ngày giao dịch.
- Lệnh ATO (At-the-open) và ATC (At-the-close) là 2 loại lệnh chỉ có khối lượng mà không có mức giá cố định, được ưu tiên khớp trước tất cả những loại lệnh khác và chỉ được sử dụng trong phiên khớp lệnh định kỳ.
- Phiên khớp lệnh liên tục: Các lệnh mua/bán sẽ được khớp ngay lập tức sau khi nhập vào hệ thống. Loại lệnh được sử dụng nhiều nhất là lệnh LO (limited order - lệnh giới hạn). Lệnh LO là lệnh yêu cầu mua hoặc bán do nhà đầu tư đặt hoặc tốt hơn.
Nắm được các thông tin cơ bản trên, nhà đầu tư có thể bắt đầu thực hiện việc mua bán chứng khoán, cổ phiếu. Tuy nhiên, chặng đường đầu tư còn khá gian nan mà trước hết là phải chọn được loại cổ phiếu tốt, đáng mua và thời điểm mua/bán thích hợp. Để được tư vấn chi tiết về việc xây dựng danh mục đầu tư, bạn hãy liên hệ với TKSIC - công ty tư vấn đầu tư chứng khoán uy tín hàng đầu Việt Nam.
Thông tin liên hệ:
TKSIC
Địa chỉ: Lầu 10 - Toà nhà MB Sunny Tower, 259 Trần Hưng Đạo, Cô Giang, Q.1
Hotline: 08 3656 3656
Email: info@tksic.vn
Website: tksic.vn