VN-Index duy trì trạng thái giằng co, liên tục đảo chiều xanh – đỏ trong phiên sáng. Sang phiên chiều, tới 14h, chỉ số tăng vọt lên 1.369 điểm nhưng không thể trụ vững, lập lao dốc 13 điểm thủng mốc 1.360 điểm, khi VHM, và nhiều cổ phiếu ngân hàng nới rộng đà giảm. Trước khi bước vào phiên ATC, toàn bộ 27 mã ngân hàng trên cả 3 sàn vắng bóng sắc xanh. VCB từ chỗ tăng giá tốt trong phiên sáng, đóng cửa về mức tham chiếu.
Nhóm ngân hàng không có mã tăng giá trong phiên hôm nay |
Dù biên độ giảm chủ yếu 1-2% nhưng với thanh khoản cao, là nhóm chiếm tới gần 30% vốn hoá thị trường, thì giao dịch của cổ phiếu ngân hàng vẫn gây ảnh hưởng đáng kể. Nhóm ngân hàng chiếm 6/10 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường, gồm: VPB, BID, TCB, SSB, VIB, STB. BVB, PGB là mã giảm sâu nhất họ ngân hàng, lần lượt 2,3 và 2,8%. Đây là 2 mã niêm yết UPCoM.
Đối lập với nhóm ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán ngập trong sắc xanh. Trong toàn bộ cổ phiếu chứng khoán niêm yết trên thị trường, chỉ có 2 mã giảm giá, gồm FTS, và SSI. Cổ phiếu đầu ngành SSI có lúc giảm hơn 4% trong phiên ATC, đóng cửa giảm 1,8%, là mã ản giảm mạnh nhất họ chứng khoán. FTS giảm 0,2%, PSI, ART, APS giữ nguyên giá.
Ở chiều ngược lại, EVS, TVB, VIX, APG tăng trần. ORS tăng 7,1% sau tin HoSE tiếp nhận đăng ký niêm yết cổ phiếu ORS. Trước đó, Chứng khoán Tiên Phong (ORS) đã thông báo về việc này, sẽ huỷ đăng ký giao dịch tại UPCoM. Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong, tiền thân là Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS), đã chính thức gia nhập hệ sinh thái của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) từ tháng 04/2019.
Công ty chứng khoán Tiên Phong dự kiến niêm yết 200 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE, tương ứng vốn điều lệ công ty đạt 2.000 tỷ đồng. Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Chứng khoán Tiên Phong ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt mức 551 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế gần 151 tỷ, gấp gần 4 lần cùng kỳ 2020, vượt hơn 3% kế hoạch cả năm. ORS chốt phiên 18/8 ở mức 27.200 đồng/ cổ phiếu. Tính từ ngày 29/7 khi HĐQT Chứng khoán Tiên Phong thông qua nghị quyết về việc thực hiện đăng ký niêm yết cổ phiếu ORS tại HoSE, giá cổ phiếu đến nay đã tăng 20%.
Ở nhóm bất động sản, VHM có 3 phiên giảm giá liên tiếp, đóng của giảm còn 110.000 đồng/ cổ phiếu. Vốn hoá VHM giảm xuống 378,4 nghìn tỷ đồng, bốc hơi tới 24.000 tỷ đồng so sau khi giá cổ phiếu lao dốc từ đỉnh 120.000 đồng/ cổ phiếu.
Trong khi VHM liên tục là nguyên nhân khiến chỉ số mất điểm, thì nhóm bất động sản ghi nhận nhiều mã giao dịch khởi sắc. Cũng trong nhóm bất động sản DIG tăng mạnh 5,8% sau vài phiên “ngụp lặn” khi cổ đông lớn liên tục thoái bớt vốn. CRE cũng tăng 5,4%, KBC, IJC, KDH, TDH, SZC đồng loạt tăng. Tuy nhiên, loạt cổ phiếu lớn như PDR, DXH, VRE, NLG, NVL, VIC lại chìm trong sắc đỏ. Thị trường chung cũng chịu áp lực điều chỉnh, 197 mã giảm, áp đảo 172 mã tăng.
Kết phiên 18/8, VN-Index giảm 2,15 điểm tương ứng 0,16% xuống 1.360,94 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index lại giữ được sắc xanh, lần lượt tăng nhẹ lên 344,82 điểm và 94,48 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE tương đương phiên trước đó, đạt 24.406 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh đạt hơn 22.550 tỷ đồng.
Khối ngoại có phiên bán ròng mạnh nhất hơn 7 tháng qua, giá trị bán ròng 1.885 tỷ đồng, chỉ kém phiên kỷ lục hơn 2.105 tỷ đồng ngày 15/1. Khối ngoại tiếp tục xả mạnh VHM với giá trị 444 tỷ đồng, cùng với SSI, VNM, VIC, NVL, VCN, HPH, MSN, VND
Nguồn Tienphong