Luật Kinh doanh bảo hiểm sau 20 năm có nhiều bất cập cần sửa đổi

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm là cần thiết, với 4 lý do.

Một số quy định hiện hành chưa theo kịp quốc tế

Sáng 22/10, tiếp tục phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu 4 lý do cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cụ thể:

Thứ nhất, ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ra Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó: “Phát triển cân bằng, đồng bộ thị trường tài chính... Phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá...”

Thứ hai, ngày 15/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Trong đó, đã nêu nhiệm vụ: “Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Thứ ba, ngày 28/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 242 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 ”xác định" sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro; xây dựng các tiêu chí giám sát nhằm đẩy mạnh công tác hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra”.

Thứ tư, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng.

Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định,không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sựliên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ, v.v...

“Một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hànhchưa theo kịp với quốc tếnhư: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu;chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều.Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121ngày 31/12/2019.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượngáp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chứctương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp vơíquy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánhđúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Toàn cảnh phiên họp sáng 22/10.

Khắc phục những bất cập sau hơn 20 năm thi hành luật

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm, về sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Về hồ sơ và bố cục dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng,đầy đủ,đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bố cục của dự thảo Luật gồm 8 chương, 156 điều (sửa đổi 81điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành). Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần bố cục lại một số chương, mục của dự thảo Luật cho hợp lý hơn.

Về sự phù hợp của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với Hiến pháp và các luật có liên quan, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, dự thảo Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Nguồn: https://nguoiduatin.vn/luat-kinh-doanh-bao-hiem-sau-20-nam-co-nhieu-bat-cap-can-sua-doi-a531431.html

Tin liên quan