Meta thua kiện phải bán Giphy

Cơ quan Cạnh tranh và thị trường Anh (CMA) ngày 18/10 đã ra quyết định buộc Meta bán nền tảng ảnh động Giphy được công ty này mua lại vào năm 2010.

Thương vụ mua lại Giphy với giá 315 triệu USD của Meta không phải là một trong những thương vụ lớn nhất của gã khổng lồ Meta. Nó còn cách khá xa so với khoản đầu tư 1 tỷ USD mua lại ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram và 19 tỷ USD mua lại nền tảng nhắn tin mã hóa WhatsApp.

Tuy nhiên mới đây, CMA đã buộc Meta phải “bán toàn bộ Giphy cho một người mua phù hợp” do vi phạm luật về rủi ro của việc làm giảm sáng tạo và sự cạnh tranh trong thị trường quảng cáo hiển thị và truyền thông xã hội. Hiện vẫn chưa rõ công ty nào sẽ mua Giphy.

Người phát ngôn của Meta nói với CNBC: “Công ty rất thất vọng trước quyết định của CMA nhưng sẽ vẫn chấp nhận phán quyết này và sẽ hợp tác chặt chẽ với CMA về việc thoái vốn Giphy”.

Đây là lần đầu tiên một cơ quan quản lý toàn cầu dỡ bỏ một thỏa thuận đã hoàn chỉnh từ một công ty Big Tech. Ảnh minh họa

Vào tháng 11/20121, CMA đã ra lệnh cho Meta phải thoái vốn do lo ngại thương vụ mua lại Giphy của Meta có thể gây hại cho người dùng mạng xã hội và công ty quảng cáo tại Anh. Meta đã cố gắng kháng cáo.

Nhưng vào tháng 6/2022, tòa án ra phán quyết bác bỏ lại đơn kháng cáo của Meta. Sau ba tháng xem xét, CMA nhận định Meta mua lại Giphy sẽ làm giảm mức độ cạnh tranh giữa các nền tảng mạng xã hội và thương vụ này đã loại bỏ thách thức của Giphy đối với các đối thủ trong thị trường quảng cáo.

Mặc dù phía Giphy cũng đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của việc hợp nhất với Meta trong bản kháng cáo khi cho rằng ảnh GIF “đã không còn hợp thời như một dạng nội dung đối với người dùng trẻ tuổi” và Giphy đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể số lượng tải lên GIF trong hai năm qua. Tuy nhiên, CMA vẫn cho rằng việc kết hợp giữa 2 công ty có tác động rất lớn đối với thị trường quảng cáo hiển thị hình ảnh của Vương quốc Anh, bởi Meta đang kiểm soát gần một nửa thị trường quảng cáo hiển thị hình ảnh trị giá 7,9 tỷ USD tại đây.

CMA cho biết họ nhận thấy việc Meta mua Giphy sẽ hạn chế quyền truy cập của các công ty truyền thông xã hội đối thủ vào ảnh GIF, hướng người dùng đến các dịch vụ của chính Meta. Động thái này có thể dẫn đến việc Meta có thể thay đổi điều khoản truy cập để tư lợi, ví dụ như yêu cầu TikTok, Twitter hay Snapchat cung cấp thêm dữ liệu người dùng để có thể sử dụng ảnh GIF từ Giphy.

Đây là lần đầu tiên một cơ quan quản lý toàn cầu dỡ bỏ một thỏa thuận đã hoàn chỉnh từ một công ty Big Tech. CMA đang tìm cách nâng cao quyền lực của mình trong cuộc chiến giữa các cơ quan quản lý toàn cầu nhằm kiềm chế các công ty công nghệ lớn.

Cùng với Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, CMA còn có một số cuộc điều tra cấp cao đang diễn ra đối với các công ty như Meta, Google và Apple, đồng thời muốn chính phủ đưa ra mức phạt lớn hơn đối với các gã khổng lồ công nghệ do vi phạm luật cạnh tranh.

 

Nguồn: zingnews.vn

Tin liên quan