Một công việc liên quan đến gấp quần áo, lương cao chót vót mà việc thì nhẹ nhàng
Công việc tưởng như không thể tồn tại này lại mang đến thu nhập không hề thấp.
Đại dịch COVID-19 "giáng đòn" mạnh lên nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên thị trường hàng xa xỉ phẩm liên tục bùng nổ mạnh tại Trung Quốc. Hermes được cho là đã gặt hái ít nhất 19 triệu nhân dân tệ (tương đương 2,7 triệu USD) doanh số bán hàng vào ngày mở cửa trở lại của cửa hiệu flagship Taikoo Hui đặt tại Quảng Châu (Trung Quốc) sau dịch bệnh COVID-19.
Thị trường xa xỉ của Trung Quốc hiện đang phát triển hơn bao giờ hết. Một thế hệ người trẻ tuổi không ngại chi tiền đang hình thành tại Trung Quốc đã giúp thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời tạo ra nhiều ngành nghề mới trong xã hội.
Một nhóm chuyên gia dọn dẹp sắp xếp lại tủ đồ hiệu của một khách hàng ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP.
Nhu cầu mua sắm tăng vọt 400% ở Trung Quốc trong mùa dịch đã khiến giới thượng lưu nước này sẵn sàng chi hàng nghìn USD cho những chuyên gia dọn dẹp tủ đồ và tìm không gian tích trữ đống hàng mới mua.
Bà nội trợ Chen cho hay tủ quần áo đủ các thương hiệu lớn từ Louis Vuitton cho đến Chanel và Prada, Gucci trong nhà cô luôn là chủ đề gây tranh cãi với chồng. "Tôi chưa bao giờ bỏ thứ gì trong bộ sưu tập của mình, chỉ mua thêm vào thôi", cựu giáo viên mỹ thuật thừa nhận.
Để làm gọn lại tủ quần áo, Chen đã thuê một đội thợ chuyên nghiệp sắp xếp lại tủ quần áo. Đội trưởng của nhóm chuyên gia này là Yu Ziqin – một trong hàng nghìn học viên tốt nghiệp từ một trường chuyên về nghệ thuật sắp đặt trong nhà có tên gọi Liucundao.
Theo người sáng lập ngôi trường, Bian Lichun, hiện có trên 3.000 nhân viên chuyên nghiệp làm việc trong ngành nghề mới nổi này.
Bian Lichun, Giám đốc của trường đào tạo sắp xếp nhà cửa Liucundao. Ảnh: SCMP
Nghệ sĩ sắp đặt tại gia Han Yonggang cho hay các khách hàng của ông - những người trả tới 2.000 USD cho một lần xếp lại tủ quần kéo dài vài ngày - có thu nhập năm vượt 1 triệu NDT.
"Với công việc này, tôi kiếm được nhiều hơn lúc còn làm một kỹ sư đồ họa", ông Han giải thích.
Nhưng thay vì những lời khuyên như của cố vấn Marie Kondo – một người nổi tiếng trên thế giới gây cảm hứng cho hàng triệu người sắp xếp lại nhà cửa, Bian và đội ngũ chưa bao giờ thuyết phục khách hàng vứt đồ hoặc yêu cầu họ mua ít lại.
Thay vào đó, đội của Bian dạy họ cách "trữ đồ". "Không có gì trên thế giới này vô dụng cả", Bian nhấn mạnh.
Hiện tại, giới nhà giàu tại Trung Quốc đang thuê những nhóm chuyên nghiệp tới sắp xếp tủ đồ tại nhà.
Bên cạnh việc biết cách lau dọn, cách gấp, cách móc treo từng loại quần áo, "chuyên viên dọn tủ" còn phải có sự am hiểu về chất liệu vải, tư duy bố trí sắp xếp khoa học để quyết định món đồ nào thì gấp, món đồ nào treo. Hay như túi hàng hiệu sẽ phải có chỗ bảo quản riêng, trang sức để đúng chỗ, tất phải buộc thành đôi…
Để nâng tầm chuyên nghiệp cho công việc, các chuyên gia dọn tủ thường chuẩn bị khẩu trang, găng tay và một số dụng cụ chuyên dùng khác. Trong mắt họ, dọn tủ cũng là một nghệ thuật. Các trang phục thường được bày ở nơi rộng rãi, sáng sủa, sau đó được phân loại theo thời tiết, chất liệu, màu sắc và phong cách.
Điểm chung của các nhân viên này là rất thạo việc, có óc quan sát và nhanh chóng sắp xếp lại vị trí các món đồ một cách gọn gàng, hợp lý, giúp tiết kiệm không gian và thời gian cho gia chủ.
Theo Liu Wenjing - giảng viên đến từ Trường Kinh tế và Quản lý, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), thương mại điện tử đã tạo nên văn hóa "mua hàng online mọi lúc mọi nơi".
Tuy nhiên, Bian cho rằng vấn đề không nằm ở thói quen mua sắm quá tay hay tâm lý chi tiêu. Điều khiến người tiêu dùng đau đầu là chuyện tìm nơi nào để chứa hàng hóa đã mua tại thành phố đông dân bậc nhất Trung Quốc này.
"Mục tiêu của chúng tôi là sắp xếp không gian thích hợp, chứ không thay đổi con người" cô nói.
Theo số liệu của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội, hơn 40% người sắp xếp tủ quần áo có thu nhập hàng năm là 100.000 nhân dân tệ và đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/gap-quan-ao-viec-nhe-luong-cao-chot-vot-779090.html