Nguyễn Đức Thịnh – Biên tập viên 2sao.vn: “Đến với nghề báo bằng sự đam mê”
Đức Thịnh từng là một học sinh theo đuổi khối A (Toán – Lý – Hóa). Tuy nhiên đến những năm cuối, anh nhận ra mình không có sự hứng thú với khối học này mà lại có năng khiếu viết lách và khai thác những vấn đề xã hội. Thịnh quyết định đi ngược lại với định hướng trước đó của bố mẹ.
Đối với Thịnh, thời điểm chọn trường là quãng thời gian vô cùng khó khăn vì phải đấu tranh tư tưởng với gia đình nhưng bằng sự đam mê và quyết tâm của bản thân, cuối cùng anh cũng được gia đình ủng hộ.
“Nói là ủng hộ thôi chứ thực ra vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được bố mẹ bởi nghề báo đối với họ là một thứ gì đó rất mơ hồ. Chắc có lẽ họ sợ tôi không có được việc làm ổn định sau này, không có thu nhập tốt để nuôi sống bản thân. Tôi hiểu được suy nghĩ ấy nên đã luôn tự động viên bản thân và không ngừng cố gắng mỗi ngày”, Đức Thịnh tâm sự.
Khi còn là sinh viên năm hai của trường báo chí, Thịnh đã có cơ hội cộng tác với một trang tin dành cho giới trẻ, trực thuộc một tờ báo điện tử uy tín. Tốt nghiệp đại học, Thịnh trở thành phóng viên mảng Văn hóa – Giải trí của 2sao.vn mà anh đã cộng tác 3 năm. Sau 2 năm công tác, anh trở thành Biên tập viên quản lý mục trọng điểm của trang. Đây là một dấu ấn vô cùng quan trọng trong sự nghiệp theo đuổi nghề của anh.
Nói về sự thú vị khi làm báo, Đức Thịnh cho biết, điều mà anh thích nhất là được biết đến những con người mới, đặc biệt là những người có sức ảnh hưởng tới thế hệ trẻ. Càng đi, Đức Thịnh càng khám phá được nhiều vùng đất mới với những con người thú vị mà trước đấy anh chưa từng gặp gỡ.
Cũng chính nhờ những chuyến đi và những cuộc gặp gỡ thú vị này mà dù có phải trải qua bao khó khăn, thử thách, Đức Thịnh cũng vẫn mong muốn được sống và cống hiến hết mình cho nghề báo. Là một người hoạt động trong nghề, Đức Thịnh hiểu rằng làm báo không phải là một công việc dễ dàng. Do vậy, để theo đuổi được nghề báo thì điều quan trọng nhất chính là nhiệt huyết bởi nếu không đủ trách nhiệm và nhiệt huyết, chúng ta sẽ rất dễ bỏ cuộc.
Nguyễn Thị Thùy Linh – PV báo Lao Động: “Nghề báo vất vả nhưng đầy niềm vui”
Đến với nghề báo như một cơ duyên, một sự tình cờ nhưng tới tận bây giờ, Thùy Linh chưa một lần hối hận. Từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Thùy Linh đã xin vào cộng tác tại một số tờ báo, trang tin. Với kinh nghiệm sẵn có, cộng thêm một chút may mắn, nên sau khi ra trường cô đã được nhận vào làm cộng tác viên chính thức tại báo Lao Động. Vào nghề, với những lần đi tác nghiệp thực tế đã khiến Linh càng thêm yêu thích nghề báo và hiểu rằng đó là công việc vất vả, nguy hiểm nhưng lại đầy hạnh phúc. Đến giờ cô vẫn không quên được niềm vui sướng khi lần đầu tiên có bài được đăng trên báo.
Ngoài những hạnh phúc, nghề báo là một nghề lắm truân chuyên, nhiều khi phải hi sinh, đặc biệt là đối với con gái, sự nỗ lực cố gắng càng phải nhiều. Nếu như con trai làm báo vất vả một thì con gái làm báo còn vất vả mười. Nhưng đã chọn nghề, đã quyết tâm theo đuổi, cháy hết mình với đam mê thì hãy sống một cuộc đời vì nghề ý nghĩa.
“Không chỉ riêng Thùy Linh mà còn rất nhiều bạn phóng viên trẻ khác cũng hướng đến mục tiêu cống hiến những tác phẩm báo chí hay, có tác động thật sự đến xã hội bằng những câu từ sắc sảo. Nếu bạn muốn trở thành một phóng viên giỏi, sắc bén, nhanh nhẹn thì bản thân phải không ngừng cố gắng, nỗ lực, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm, nhất là trong thời điểm hiện tại khi mà báo chí đang phải chạy đua với mạng xã hội. Việc đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người cũng chính là những trải nghiệm thú vị giúp mình hoàn thiện bản thân từng ngày” - Thùy Linh tâm sự. Điều quan trọng nhất với người làm báo chính là cái tâm. Tâm không vững thì lòng khó trong. Để có thể trụ vững và sống được với nghề báo đòi hỏi bản thân không chỉ có tư tưởng chính trị vững vàng mà còn phải tỉnh táo, biết cách bảo vệ mình, bảo vệ nhân vật và không được hiếu thắng.
Nguyễn Văn Thái – Biên dịch viên 24h.com: “Trót phải lòng nghề báo”
Không thích nghề báo, đam mê ngoại ngữ nên Thái đã quyết định theo học khoa Ngoại ngữ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tuy nhiên,học tập trong môi trường báo chí – cái nôi nuôi dưỡng những nhà báo, phóng viên, biên tập viên, MC truyền hình... của đất nước, Thái “ngấm” nghề tự khi nào không hay.
Bên cạnh việc học ngoại ngữ tại trường, Thái còn theo học những lớp dạy kỹ năng về nghề báo. Thời gian đầu, với suy nghĩ chỉ cần học tốt kiến thức thầy cô giảng dạy trong trường là có thể trở thành một nhà báo nên Thái miệt mài học tập lý thuyết mà thiếu đi những trải nghiệm thực tế. Nhưng sau quá trình thực tập và thực tiễn, những suy nghĩ đó đã không còn. Thái cho rằng, ngoài quá trình học tập, bản thân cần phải làm quen và cọ sát sớm với nghề để những lý thuyết học trong trường không phải là lý thuyết suông.
Trong hơn 5 năm kể từ khi ra trường, Thái đã làm việc ở nhiều tòa soạn khác nhau. Ở mỗi nơi, Thái đều có cho riêng mình những kỷ niệm với những người đồng nghiệp vui tính, tình cảm và chưa bao giờ hết “điên”. Họ làm việc điên cuồng, ăn chơi điên cuồng và giúp đỡ đồng nghiệp cũng điên cuồng.
Điều quý nhất Thái học được trong những năm theo nghề đó là làm việc phải thật tâm và có trách nhiệm. “Thoạt nghe, ai cũng nghĩ câu này chẳng khác gì khẩu hiệu, nghe suốt đến nhàm rồi! Đúng vậy, câu này nghe quen lắm nhưng làm quen thì có vẻ không phải ai cũng làm được. Tâm và trách nhiệm sẽ giúp bạn yêu nghề và coi nó như hơi thở cuộc sống thay vì một gánh nặng”, Nguyễn Thái bày tỏ.
Tống Mỹ Linh – MC Truyền hình Vì trẻ em: “Đã có lúc tưởng phải bỏ cuộc vì áp lực”
Ấp ủ giấc mơ trở thành MC truyền hình từ khi còn nhỏ, nhưng trong một lần tham dự cuộc thi về MC, Mỹ Linh đã “được” ban giám khảo nhận xét không hợp với nghề này. Đối với Mỹ Linh, đây thực sự là một “cú sốc” lớn, nhưng cũng là một “cú hích” không nhỏ giúp cô thay đổi tất cả, từ ngoại hình cho đến suy nghĩ.
Mỹ Linh chia sẻ: “Nếu muốn theo đuổi nghề một cách nghiêm túc thì bản thân phải thay đổi. Thay đổi không phải rẽ sang một hướng khác mà thay đổi để dần hoàn thiện và phù hợp với nghề mình yêu thích hơn. Sau 4 năm học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi đã cố gắng giảm cân, học tập khả năng tương tác và cũng đã thuyết phục được chính 1 trong 2 vị ban giám khảo năm đó nhận xét về mình”.
Trước khi trở thành một MC truyền hình, Mỹ Linh là một MC sự kiện. Ban đầu, đam mê nghề MC vì sự tỏa sáng, vì những ánh hào quang trên sân khấu, nhưng lâu dần, cô còn tìm thấy sự thú vị, sự hấp dẫn ẩn sâu bên trong nghề này.
Mặc dù, có những ngày Linh phải thức đêm để làm kịch bản, tìm hiểu chương trình, có những ngày phải dậy từ 4-5 giờ sáng để make-up ghi hình hay có những ngày chạy sân khấu mệt lả người nhưng cô vẫn thấy vui và thích thú khi nghĩ đến những tràng pháo tay của mọi người dành cho chương trình, cho ekip thực hiện, thậm chí cho cả MC.
Xuất phát điểm là một cử nhân ngành Quan hệ Quốc tế, nên những kỹ năng truyền hình đối với Mỹ Linh còn nhiều thiếu sót. Nhưng bằng tinh thần ham học hỏi, sự nhanh nhẹn, linh hoạt của bản thân cũng như sự giúp đỡ nhiệt thành của những người đi trước, cô đã dần trưởng thành hơn trong nghề. “Tôi muốn theo đuổi nghề lâu dài, muốn được cống hiến hết cả sức lực, tình yêu nghề và khả năng để có những chương trình truyền hình hay, giá trị đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng. Là một người trẻ, nếu bạn muốn theo đuổi nghề báo nói chung và sự nghiệp MC nói riêng, thì ngoài học nghiêm túc, làm việc nghiêm túc cũng đừng quên liên tục phát triển bản thân”, Mỹ Linh nói.
Lê Đình Thế Anh – PV Vietnammoi: “Làm báo là nghề mang tính thử thách cao”
Chính thức trở thành phóng viên của báo Vietnammoi chưa được bao lâu nhưng với Thế Anh, nghề báo là nghề mà anh đã ước mơ được theo đuổi từ khi còn là học sinh cấp 2.
Mỗi khi thấy các anh chị phóng viên, biên tập viên xuất hiện trên tivi hay khi thấy họ tác nghiệp tại hiện trường, lòng anh lại tràn đầy hào hứng và thầm nghĩ sẽ cố gắng để một ngày nào đó được như họ.
Tuy nhiên, cách mà Thế Anh đến với nghề báo cũng rất khác. Anh tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, không học chuyên ngành báo chí, nhưng yêu nghiệp viết lách và tập tành đến với nghề từ khi còn là sinh viên.
Những tưởng cứ đam mê, cứ yêu thích là có thành công, nhưng không, Thế Anh đã gặp không ít khó khăn khi bắt tay với công việc.
Xuất phát điểm của tôi không giống như những bạn sinh viên trong trường báo chí nên tôi đều phải học hỏi, tích lũy từ việc đọc báo, trải nghiệm thực tế và sự hướng dẫn của bạn bè, đồng nghiệp.Lê Đình Thế Anh
Anh cho biết: “Xuất phát điểm của tôi không được đào tạo bài bản giống như những bạn sinh viên trong trường báo chí nên các kỹ năng từ viết tin, dựng bài, chụp ảnh, tôi đều phải học hỏi, tích lũy từ việc đọc báo, trải nghiệm thực tếvà sự hướng dẫn của bạn bè, đồng nghiệp. Tôi không nhớ đã bao đêm thức trắng và trăn trở với những bài viết. Chỉ biết rằng tôi luôn tự động viên mình phải nỗ lực từng ngày để trở thành cây viết giỏi, có ích cho xã hội”.
Bên cạnh đó, với khả năng ngoại ngữ tốt khi còn là sinh viên trong trường Ngoại thương, Thế Anh cũng luôn tìm tòi những bài báo nước ngoài hay và dịch để học hỏi cách viết cũng như cách sử dụng ngôn ngữ cho bản thân.
Làm báo với Thế Anh, có lẽ ấn tượng nhất là mỗi chuyến đi. Bởi theo anh, mỗi chuyến đi mang cho mình cơ hội biết thêm vùng đất mới, gặp những con người mới và những câu chuyện “không cũ”.
Từ đó, ngoài việc được làm nghề, anh được bổ sung thêm kiến thức để mình “lớn” hơn.
Trải qua nhiều khó khăn, áp lực, Thế Anh nhận ra rằng, làm báo là nghề nghiệp mang tính thử thách cao, nhất là với những người tay ngang như anh.
Do vậy, để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nghề, để giữ gìn ngọn lửa đam mê với nghề, ngoài tố chất, nhiệt huyết, bạn cần phải biết nắm bắt cơ hội và phải biết phát triển những cơ hội đó sao cho phù hợp với bản thân mình.