Nghiên cứu trái ngược về hiệu quả của vaccine Pfizer

Một số nghiên cứu chỉ ra hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của vaccine Pfizer suy giảm theo thời gian. Song, khả năng bảo vệ khỏi nhập viện, tử vong vì Covid-19 nhờ vaccine này vẫn cao.

Hiệu quả của vaccine Covid-19 là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bởi nó sẽ quyết định vaccine có phải liều tiêm hàng năm hay không. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiệu quả của vaccine là thuật ngữ dùng để đo trong thế giới thực. Các thử nghiệm lâm sàng có nhiều nhóm người, độ tuổi rộng, giới tính, dân tộc khác nhau và tình trạng sức khỏe đều được theo dõi.

Nhưng nó không thể đại diện cho toàn bộ dân số. Do đó, hiệu quả thực tế của vaccine Covid-19 vẫn liên tục được đánh giá qua các chiến dịch tiêm chủng.

Nhiều nước đưa ra những thông tin trái ngược về hiệu quả của vaccine Covid-19, trong đó có Pfizer.

Nhiều dữ liệu

Trong báo cáo đăng tải ngày 17/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho hay hiệu quả của vaccine mRNA (Pfizer, Moderna) suy giảm đáng kể sau nhiều tháng, tính từ thời điểm 2 tuần sau tiêm mũi thứ 2. Khả năng bảo vệ của vaccine Covid-19 đặc biệt suy yếu ở người trên 65 tuổi.

Một nghiên cứu khác có tên Ivy đã xem xét những người trưởng thành nhập viện ở 18 tiểu bang từ tháng 3 đến tháng 8. Hiệu quả của vaccine Pfizer sau 14-120 ngày tiêm mũi thứ 2 là 91%. Tuy nhiên, từ 120 ngày trở lên, tỷ lệ bảo vệ chỉ còn 77%.

Một số nghiên cứu chỉ ra hiệu quả của vaccine Covid-19, trong đó có Pfizer, suy giảm theo thời gian. Ảnh: Reuters.

Cùng kết luận, một nghiên cứu có quy mô lớn được thực hiện tại Mỹ cũng cho thấy hiệu quả của Pfizer suy giảm sau 6 tháng. Guardian đưa tin ngày 5/10, nhóm tác giả phân tích hồ sơ sức khỏe của 3 triệu người trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 8/2021. Phát hiện, được công bố trên tạp chí The Lancet.

Hiệu quả chống lại việc nhiễm biến chủng nCoV giảm từ 88% (sau khi được tiêm hai liều) xuống còn 47% sau 6 tháng. Nghiên cứu cho thấy trong khi khả năng bảo vệ của vaccine Pfizer chống lại sự lây nhiễm đối với biến chủng Delta giảm 40% trong vòng 5 tháng, khả năng bảo vệ giúp bệnh nhân giảm thiểu nguy cơ phải nhập viện liên quan tới tất cả biến chủng vẫn rất cao trong suốt khoảng thời gian nghiên cứu.

Đầu tháng 10, nhóm chuyên gia tại Đại học Oxford công bố dữ liệu mới về hiệu quả của vaccine Pfizer và AstraZeneca. Họ kiểm tra hồ sơ tiêm chủng của 150.000 người dân nước Anh.

Kết quả cho thấy cả hai loại vaccine đều giảm sự lây nhiễm. Trong đó, hiệu quả bảo vệ trước biến chủng Alpha cao hơn Delta. Khả năng lây virus ở người đã tiêm đủ hai liều Pfizer nhiễm biến chủng Delta thấp hơn 65%. Con số này ở Pfizer cao hơn AstraZeneca (36%).

Tuy nhiên, nghiên cứu mới cũng cho thấy khả năng bảo vệ khỏi sự lây nhiễm sẽ mất dần theo thời gian. Sau 3 tháng, những người đã tiêm vaccine AstraZeneca có khả năng lây lan virus như nhóm không được tiêm chủng. Trong khi đó, con số này ở người được tiêm Pfizer thấp hơn nhưng vẫn có sự suy giảm.

Pfizer là vaccine Covid-19 duy nhất WHO khuyến cáo có thể tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi. Ảnh: CNBC.

Trái ngược với các kết quả trên, nghiên cứu từ Italy trên 29 triệu người được tiêm hai liều vaccine mRNA (Pfizer, Moderna) cho thấy hiệu quả bảo vệ vẫn được duy trì ở mức cao sau 7 tháng. Báo cáo do Viện Y tế Quốc gia (ISS) công bố, được Bộ Y tế Italy kiểm tra.

Nghiên cứu phát hiện trong dân số chung, hiệu quả chống lây nhiễm nCoV vẫn ở mức 89%. Bên cạnh đó, khả năng bảo vệ người tiêm khỏi nhập viện, tử vong vì Covid-19 sau 6 tháng tiêm liều thứ hai là 96% và 99%. Đây là con số được đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra hai nhóm dân số bị suy yếu kháng thể vaccine Covid-19 theo thời gian. Theo ISS, khả năng bảo vệ của vaccine Covid-19 trên người bị suy giảm miễn dịch không còn được như ban đầu sau 28 ngày tiêm liều thứ 2. Những người này thường có bệnh lý mạn tính đi kèm, ảnh hưởng hệ miễn dịch. Mức độ suy giảm khác nhau, tùy theo loại bệnh mà họ mắc.

Ở nhóm mắc bệnh mạn tính nhưng không bị suy giảm miễn dịch, khả năng bảo vệ lây nhiễm nCoV của vaccine giảm từ 75% xuống 52% sau 7 tháng. Kết quả tính từ ngày thứ 28 sau tiêm liều thứ 2.

Ngoài ra, ISS cho biết hiệu quả vaccine ở những người trên 80 tuổi giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức >80%.

Với hai biến chủng Alpha, Delta, hiệu quả chống lại lây nhiễm nCoV giảm từ 84,8% xuống 67,1%. Trong khi đó, khả năng ngăn nhập viện giảm nhẹ, từ 91,7% xuống 88,7%.

Vaccine vẫn là chìa khóa

Khả năng bảo vệ khỏi lây nhiễm nCoV của Pfizer giảm, song, tác dụng ngăn ngừa nhập viện, tử vong vẫn cao. Nghiên cứu từ Mỹ cho thấy hiệu quả chống lại việc nhập viện của Pfizer ở mức 90% trên tất cả biến chủng, bao gồm Delta.

Báo cáo của CDC cho hay vaccine Pfizer có khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện cho nhóm 18-64 tuổi là 92% và 77% với người trên 65 tuổi.

TS Aaron Richterman, Đại học Pennsylvania, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng khả năng bảo vệ khỏi sự lây lan virus cho người khác cũng tỷ lệ thuận.

"Lượng kháng thể lưu thông trong máu giảm dần theo thời gian sau khi tiêm chủng, song, trí nhớ miễn dịch vẫn mạnh mẽ và vẫn có thể ngăn ngừa lây nhiễm, đặc biệt là bệnh trở nặng", vị chuyên gia nói. Do đó, những kháng thể sẵn có vẫn bảo vệ người tiêm khỏi bị lây nhiễm nCoV. Tuy nhiên, khả năng giúp họ ít lây lan virus cho người xung quanh sẽ kém hơn.

"Chúng ta cần kết hợp vaccine Covid-19 với các biện pháp khác để giảm tải lượng virus xuống thấp nhất", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh tiêm chủng, chúng ta vẫn cần các biện pháp bảo vệ khác để ngăn ngừa lây nhiễm nCoV. Ảnh: Freepik.

Theo báo cáo được công bố hôm 5/10 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), những "phép màu có thể trông thấy rõ" này đã bắt đầu diễn ra trên khắp cả nước vào mùa xuân. Tiêm chủng đã ngăn ngừa ít nhất 1/4 triệu ca mắc Covid-19 ở người cao tuổi và hàng chục nghìn ca tử vong chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5. Mỹ có thể đã giảm khoảng 265.000 ca mắc Covid-19 mới, 107.000 ca nhập viện và 39.000 ca tử vong do Covid-19 vào thời gian này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cho biết những người từ 65 tuổi trở lên được tiêm vaccine đầy đủ giảm tới 94% nguy cơ nhập viện khi mắc bệnh.

Ngoài ra, nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy vaccine của Pfizer-BioNTech có hiệu quả đáng chú ý với biến chủng Mu - từng được WHO cảnh báo có nguy cơ kháng vaccine.

Một số nghiên cứu chỉ ra vaccine Pfizer và các loại khác có sự suy giảm khả năng theo thời gian, song, hiệu quả bảo vệ khỏi mắc bệnh nặng, nhập viện, tử vong nhờ vaccine vẫn được đề cao. Do đó, vaccine Covid-19 vẫn là lựa chọn tối ưu trong thời điểm này để ngăn ngừa các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Vấn đề của các nước hiện nay là trả lời câu hỏi có cần thiết phải tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường không và nhóm nào nên tiêm.

Nguồn: https://zingnews.vn/nghien-cuu-trai-nguoc-ve-hieu-qua-cua-vaccine-pfizer-post1269182.html

Tin liên quan