Nguy cơ Covid-19 xâm nhập từ người vượt biên, trốn cách ly...

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tới Đắk Nông kiểm tra công tác chống bạch hầu ngày 28/6. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Trong khi đó, số người mắc bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng. Tỷ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao.

243 ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 cho biết, tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến 6 giờ ngày 20/7, 95 ngày Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tới nay, Việt Nam có tổng cộng 243 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 11.697. Trong đó, có 141 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 10.486 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 1.070.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện, số bệnh nhân âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 7, số ca âm tính lần 2 trở lên là 4.

Mặc dù Việt Nam tiếp tục ghi nhận ca bệnh mới, nhưng những trường hợp này đều từ nước ngoài về và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có khả năng lây lan ra cộng đồng. Tới nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập từ nước ngoài vào được cho là vẫn tồn tại, do tình trạng vượt biên, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly...

Hiện tại, tất cả bệnh nhân Covid-19 của Việt Nam đang được điều trị tại các cơ sở y tế đều có sức khỏe ổn định. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trương ương cơ sở Đông Anh đang điều trị 12 trường hợp; Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu điều trị 8 ca bệnh; Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi điều trị 1 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu điều trị 2 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị 1 ca; Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu điều trị 1 ca.

Tới nay, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 50 bệnh nhân Covid-19 có quốc tịch nước ngoài. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với "nhiệm vụ kép": Phát triển kinh tế và vẫn phòng, chống Covid-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện 6 biện pháp phòng, chống Covid-19: Vệ sinh tay; Che miệng, mũi khi ho và hắt hơi; Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay; Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người; Giữ khoảng cách tối thiểu 1m; Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào.

Phòng, chống bạch hầu như Covid-19

Sáng ngày 20/7, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk về tình hình và công tác phòng chống dịch, bao gồm bạch hầu.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk, tính đến sáng 20/7, toàn tỉnh có 18 trường hợp dương tính với bạch hầu tại 5 huyện gồm: Lắk, M’Đrắk, Cư M’gar, Krông Bông và Cư Kuin. Tới nay, số ca mắc bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nhận định, tình hình dịch bạch hầu có nhiều điểm khác biệt so với trước đây. Diện mắc rộng trên nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc trải mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao. Ông Long yêu cầu cần tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu như đối với Covid-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong 5 - 7%, có vùng tới 20%, chủ yếu do biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, bạch hầu đã có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu.

GS.TS Nguyễn Thanh Long giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên. Trẻ em từ 2 - 4 tháng tuổi cần tiêm vắcxin phòng bạch hầu. Trẻ từ 18 - 24 tháng cần tiêm nhắc lại vắcxin 3 trong 1, sau đó tiếp tục tiêm đến 5 - 7 tuổi. Người lớn cần tiêm vắcxin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu).

Quyền Bộ trưởng Y tế yêu cầu rà soát, lập danh sách những người dân trên địa bàn đã tiêm, chưa tiêm và tập huấn cán bộ. Hiện tại, vắcxin phòng bạch hầu được ưu tiên tiêm cho những người dân ở vùng có dịch trước, sau đó tới khu vực có nguy cơ.

Chia sẻ về lý do số ca mắc bạch hầu gia tăng so với những năm trước, TS Đặng Thanh Huyền - Phó Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết, hầu hết trường hợp nhiễm bệnh vừa qua không tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. Chỉ một số ca bệnh từng tiêm 3 - 4 mũi nhưng vẫn mắc.

Ngoài ra, vì dịch ít xuất hiện nên nhiều trường hợp được chẩn đoán nhầm là viêm họng. Do đó, các biện pháp kiểm soát kịp thời không được đưa ra, khiến dịch lây lan nhanh. TS Huyền cho rằng, nhiều người dân nghĩ bạch hầu chỉ lây nhiễm ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm.

"Lý do là, miễn dịch bạch hầu sau tiêm sẽ giảm theo thời gian chứ không duy trì mãi", TS Huyền cho hay.

Do đó, cách đơn giản nhất để ngừa bệnh bạch hầu là cả trẻ em và người lớn đều tiêm phòng vắcxin đầy đủ.


Nguồn: Báo GD&TĐ

Tin liên quan