Nhân viên quán cà phê, hàng ăn sợ mất Tết

Hoang mang, lo lắng, mệt mỏi là tâm trạng chung của chủ và nhân viên nhiều hàng quán ăn, uống ở Hà Nội khi phải dừng bán tại chỗ khi dịp Tết cận kề.

Khi nghe tin từ 12h ngày 26/12, tất cả hàng quán ăn, uống ở quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm chỉ được bán mang về, chị Phong Năng (34 tuổi), chủ quán cà phê ở ngã tư Văn Cao - Thụy Khuê (quận Tây Hồ), không bất ngờ. Chị đã chuẩn bị tâm lý cho điều này khi thấy số ca mắc Covid-19 cộng đồng ở Hà Nội ngày càng tăng.

Điều chị Năng lo lắng nhất là lệnh hạn chế được áp dụng ngay trước dịp Tết Dương lịch và không biết sẽ kéo dài trong bao lâu.

“Tôi mở quán từ tháng 9 năm ngoái, bán được vài tháng đến Tết thì phải dừng, sau đó là 3-4 đợt liên tiếp phải nghỉ dịch, lần dài nhất hơn 2 tháng. Một năm nay, làm không được mấy tháng, chưa có đồng lãi nào, tôi phải bỏ tiền túi ra nuôi cửa hàng. Cũng may, mặt bằng thuê của người nhà nên tôi được hỗ trợ phần nào chi phí”, chị nói với Zing.

Chị Phong Năng lo lắng khi phải đóng cửa quán ngay trước dịp Tết Dương lịch.

Quán chị Năng hiện thuê 6 nhân viên, đều là lao động ngoại tỉnh, được sắp xếp ăn, ở tại chỗ.

“Các bạn đều đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng dịch đang căng thẳng nên tôi khuyên mọi người hạn chế về quê lúc này. Tạm thời ở đây có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chị em tự đi chợ nấu nướng, qua đợt này rồi về cũng được. Không biết sẽ phải đóng cửa bao lâu nhưng tôi gắng lo cho nhân viên ăn, uống đầy đủ”.

“Mong dịch bệnh sớm qua đi để mọi người có cái Tết ấm no”, nữ chủ quán nói thêm.

Do liên tục phải đóng, mở theo diễn biến dịch bệnh, doanh thu nhiều hàng quán ở Hà Nội giảm sút khiến thu nhập của lao động nhóm ngành này bị ảnh hưởng, thậm chí mất việc. Không ít người sợ không thể lo cái Tết đầy đủ cho gia đình khi những ngày cuối năm đã gần kề.

Cố gắng lo cho nhân viên

Thường ngày, anh Nguyễn Thanh Thế (33 tuổi), chủ quán phở trên đường Trần Tế Xương (quận Ba Đình), và nhân viên thức dậy lúc 3-4h để chuẩn bị mở hàng.

Hôm 26/12, mọi người dậy sớm hơn với hy vọng phục vụ được nhiều khách thêm một chút. Bởi từ 12h ngày 27/12, tất cả hàng ăn, uống ở quận Ba Đình phải ngừng phục vụ tại chỗ, chỉ được bán mang về.

“Quán tôi vừa mở lại khoảng 2 tháng thì phải đóng tiếp. Thú thực, dân kinh doanh chúng tôi đã quá quen với ‘điệp khúc’ này, không nhớ nổi bao nhiêu lần. Nhưng dịch bệnh là khó khăn chung của xã hội, giờ bắt buộc hy sinh kinh tế để bù đắp cho sức khỏe cộng đồng thì phải chấp nhận”, nam chủ quán nói với Zing.

Vốn kinh doanh dựa vào nguồn khách quen lâu năm, anh Thế không bán hàng qua app. Anh cho hay quán nhỏ nên không sử dụng công nghệ. Hơn nữa, phở cũng không phải món ăn phù hợp để bán mang về.

“Tuy nhiên, tình hình cứ nghỉ - bán liên tục thế này, có lẽ tôi cũng phải nghiên cứu. Tôi là chủ gia đình, còn nhiều thứ phải lo. Dịch khó khăn thì mình cũng phải thay đổi, sáng tạo để có thu nhập ít nhiều lo cho gia đình, nhân viên không được như bình thường nhưng cũng đủ để sống”, anh nói.

Anh Thế không hạ lương hay cắt giảm nhân viên dù gặp khó khăn trong dịch.

Theo anh Thế, việc bán mang về có thể phải bù lỗ nhưng trách nhiệm của nhà hàng là lo cho nhân viên.

“Kinh doanh không thể lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lãi, nhất là dịch không phải lúc để làm giàu. Phải nhớ những lúc đông, nhân viên vất vả, cống hiến cho mình thì khi vắng cần bù lại cho họ. Nhân viên của tôi người đang nuôi 2 con nhỏ, người chăm chồng ốm, người mới sinh con. Sắp Tết rồi, mọi người muốn về quê cũng khó. Tôi may mắn có thể gắng gượng lo cho mọi người trong vòng 1-2 tháng”, anh nói.

Trong tình hình số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội ngày càng tăng, anh Thế ủng hộ việc đóng cửa hàng quán để phòng dịch.

“Điều này rất khó khăn nhưng cũng cần thiết, chỉ khổ lao động phổ thông. Quán tôi không có chuyện hạ lương hay giảm nhân viên nhưng chỗ khác thì chưa chắc”.

Anh chia sẻ thêm: “Tháng 11 vừa rồi, hàng quán được mở bán nhưng cũng bị siết chặt, doanh thu quán chỉ vừa đủ để tôi trả lương cho nhân viên chứ chưa tính đến nộp thuế, duy trì cửa hàng, sinh hoạt phí cho gia đình... Một mình nghỉ bán thì dễ lắm nhưng còn nhân viên thì không bỏ họ được”.

Anh Thế mong hàng quán ăn, uống được mở bán trở lại trước dịp Tết Nguyên đán để lao động trong ngành bớt đi khó khăn.

Mong dịch sớm qua

Tối 25/12, Trung Kiên, nhân viên pha chế tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ) hay tin từ 12h ngày 26/12, quán phải dừng phục vụ tại chỗ. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần, Kiên vẫn không khỏi buồn và chán nản.

“Quán mình làm việc mở cửa hơn một năm nay thì đã vài lần phải đóng, mở hoặc giới hạn phương thức kinh doanh theo diễn biến dịch bệnh, mình chỉ là nhân viên nhưng cũng có thể thấy doanh thu bị ảnh hưởng rất nhiều. Hôm qua nghe chị chủ quán báo tin lúc đang làm việc, mình chỉ biết thở dài”, Kiên nói với Zing.

Cũng vì kinh doanh khó khăn, quán Kiên làm đã phải cắt giảm nhân viên, cố gắng cầm cự. Đối với cậu và những người còn lại, nỗi lo về khả năng quán không thể trụ được, đồng nghĩa bản thân mất việc ngày càng nặng nề.

“Tết nhất đến nơi rồi, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như thế này khiến mình lo lắng. Không chỉ vì thu nhập, quán còn là nơi mình được luyện tập, nâng cao tay nghề pha chế cũng như kỹ năng giao tiếp với khách hàng. Chỉ mong sao sang năm mới, mọi thứ nhanh chóng được kiểm soát”, cậu chia sẻ.

Trung Kiên hy vọng quán sớm được mở bán tại chỗ trở lại.

Mong hàng quán ăn, uống sớm được mở bán trở lại cũng là mong ước của Đức Huy (17 tuổi), đồng nghiệp của Trung Kiên, khi dịp Tết cận kề.

“Đợt trước, mình vừa thử việc được 2 tuần thì thành phố giãn cách xã hội. Vừa đi làm lại được 2 tháng thì giờ phải nghỉ tiếp không lương. Mình cũng buồn nhưng không biết làm thế nào. Hàng quán đóng đến Tết mở lại thì được, còn nếu lâu hơn thì nhân viên như mình coi như mất luôn cái Tết”, cậu thở dài nói.

Làm nhân viên phục vụ cho một quán phở cuốn ở Ngũ Xã (quận Ba Đình) khoảng 3 năm, tiền lương của Hương và chồng không nhiều song cũng gọi là tạm đủ chi tiêu, có đồng ra đồng vào.

Tuy nhiên, 1,5 năm trước, khi đứa con đầu lòng của hai vợ chồng chào đời cũng là lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc sống hai người nhanh chóng trở nên khó khăn khi quán ăn liên tục đóng, mở theo diễn biến dịch.

Đặc biệt, trong đợt giãn cách xã hội hồi tháng 7, quán phở cuốn ngừng kinh doanh, thu nhập của hai người cũng không còn.

“Thời điểm đó, quán chỉ có thể bao ăn, ở, các chi phí khác, nhất là mua sắm cho con bọn mình phải dùng đến tiền tiết kiệm. Hiện, tình hình quán cũng chưa khả quan hơn là bao”, cô nói.

Vợ chồng Hương lo lắng về các khoản phải chi tiêu khi dịp năm mới gần kề.

Khoảng 3 tháng trước, Hương xin chuyển sang phục vụ tại một quán phở cách chỗ làm cũ không xa. Làm việc từ 4h30 đến khoảng 14h hàng ngày, cô tranh thủ thời gian còn lại chăm sóc con thay vì nhờ ông bà trông như trước.

“Sau đợt nới lỏng hồi tháng 9, mình những tưởng tình hình sẽ dần ổn định song không ngờ lại ngày càng nghiêm trọng. Đến chỗ làm mới này của mình cũng đang rất chật vật. Dù anh chủ quán cố gắng duy trì tiền lương cho mọi người, mình vẫn thấy rất lo lắng”.

Chưa bù lại được số tiền tiết kiệm đã sử dụng là bao, cặp vợ chồng trẻ lại thêm đau đầu khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Những ngày này, vừa làm việc, Hương vừa thấp thỏm, cầu mong dịch bệnh sớm được kiểm soát.

“Tết nhất bao nhiêu thứ tiền phải lo mà giờ tình hình lại như thế này. Năm nay không chỉ vợ chồng mình mà có lẽ nhiều người lao động trong ngành cũng chung hoàn cảnh”.

Nguồn: https://zingnews.vn/nhan-vien-quan-ca-phe-hang-an-so-mat-tet-post1285713.html

Tin liên quan