Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu trong trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội
Đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu trong phối hợp với Ủy ban Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Sáng 10-2, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại Nhà Quốc hội. Tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Công tác đại biểu.
Theo Tờ trình do Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày, Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thành lập từ năm 2003. Trải qua hơn 18 năm hoạt động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Công tác đại biểu trên các lĩnh vực về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, chất vấn, bầu cử, bồi dưỡng đại biểu… ngày càng được khẳng định.
Tuy nhiên, đến nay, một số nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu đã được điều chuyển cho cơ quan khác, bên cạnh đó, yêu cầu trong nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác nhân sự, tổ chức bộ máy ngày càng cao, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/UBTVQH12 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Công tác đại biểu.
Tiếp đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đã trình bày ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật về nội dung nêu trên.
Qua xem xét bước đầu hồ sơ dự thảo Nghị quyết và Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Ban Công tác đại biểu, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị làm sâu sắc hơn các nội dung về phương hướng đổi mới, phát triển của ban trong bối cảnh, tình hình mới, đặc biệt là trong nhiệm vụ xây dựng Quốc hội điện tử, Quốc hội số. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản trong dự thảo Nghị quyết với các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính chính xác trong sử dụng từ ngữ, thống nhất trong thể hiện các quy định.
Cho ý kiến về vấn đề này tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu trong phối hợp với Ủy ban Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Song, cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý lại quy định để xác định rõ hơn vai trò của Ban Công tác đại biểu và Ủy ban Tư pháp đến đâu trong thực hiện nhiệm vụ này.
Các thành viên Ủy ban cũng cho ý kiến với một số thẩm quyền, chức năng cụ thể của Ban Công tác đại biểu; việc phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Ban Công tác đại biểu tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh quy định tại dự thảo Nghị quyết để phân định rõ thẩm quyền của ban, cũng như thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong một số nhiệm vụ hiện vẫn còn có sự chồng lấn giữa các cơ quan; bảo đảm tuân thủ đúng quy định của các luật liên quan; bổ sung quy định về thẩm quyền, nhiệm vụ của Trưởng Ban Công tác đại biểu…
* Ủy ban Pháp luật cũng đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Nguồn: http://sggp.org.vn/nhiem-vu-quyen-han-cua-ban-cong-tac-dai-bieu-trong-truong-hop-bat-giam-giu-khoi-to-dai-bieu-quoc-hoi-793030.html